Kinh tếĐầu tư

Điện Biên Đông nỗ lực khắc phục thiệt hại giao thông do mưa lũ

09:51 - Thứ Tư, 09/11/2016 Lượt xem: 3923 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, huyện Điện Biên Đông có 309km giao thông do huyện quản lý, với 13 tuyến chính. Trong đó, có 99,9km đường rải nhựa (đạt 32,3%); 21,4km đường bê tông xi măng (6,9%); 128,2km đường rải cấp phối (41,4%) và 59,5km đường đất (19,4%). Toàn huyện có 581km đường dân sinh do xã, bản quản lý nối trung tâm xã với các bản và đường liên bản. 

Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 7/246 bản ô tô chưa đến được do những tuyến đường này chưa được đầu tư xây dựng cầu qua suối. Hầu hết các tuyến đường nằm trên địa hình đồi núi, qua nhiều khe suối, mùa mưa lũ hàng năm thường xảy ra sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông.

 
Trong mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn gây lũ ống, lũ quét phá hỏng nhiều tuyến đường giao thông, sạt lở đất, ách tắc giao thông. Điển hình là các tuyến: Na Son - Sa Dung; Phì Nhừ - Chiềng Sơ; Phì Nhừ - Sa Dung; Na Son - Pu Nhi; Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình; Keo Lôm - Tìa Ló; Na Sang - Noong U; Mường Luân; Luân Giói. Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ Tầng, toàn huyện có trên 200 điểm sụt, sạt lở đất gây ách tắc giao thông, với tổng khối lượng đất đá sụt sạt 19.930m3; khối lượng đất đá vùi lấp cống, rãnh là 8.323m3. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các công trình giao thông lên tới hàng chục tỷ đồng.

 

Công ty TNHH Tủa Pó khắc phục sạt lở trên tuyến đường Phì Nhừ - Sa Dung. Ảnh: Trung Hiền

Ông Nguyễn Minh Trịnh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Trước tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn huy động máy móc, nhân lực tỏa đi các tuyến để khắc phục thiệt hại. Đối với các điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông, trước hết phải san gạt, hót toàn bộ khối lượng đất đá, đảm bảo giao thông thông suốt. Đối với các công trình đường, ngầm, đập tràn bị hư hỏng thì bố trí rọ đá khắc phục tạm thời. Huyện đã sử dụng gần 900 rọ đá để khắc phục sự cố giao thông trên các tuyến. Cùng với đó, các xã, thị trấn huy động người dân theo phương châm “4 tại chỗ” khơi thông cống rãnh, hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa máy móc vào khắc phục sự cố. Đến nay, các tuyến giao thông đã thông suốt đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Công tác khắc phục hư hỏng trên các tuyến đường đang được khẩn trương triển khai.

Tại tuyến đường ngã tư Phì Nhừ - Trung tâm xã Phì Nhừ, dài 6,8km bị mưa lũ phá hỏng nghiêm trọng, nước lũ gây xói mòn, hở hàm ếch, nhiều điểm hàm ếch ăn sâu đến 2/3 nền đường rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị bố trí rọ đá khắc phục tạm thời để người dân đi lại an toàn. Đối với tuyến ngã tư Phì Nhừ - Sa Dung dài 17km, có 20 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, với khối lượng đất đá sạt lở 2.123m3, Công ty TNHH Tủa Pó đã huy động máy xúc san gạt, trả lại mặt bằng giao thông. Ông Thò A Dia, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Tủa Pó cho biết: Sau khi nhận được thông tin trên tuyến ngã tư Phì Nhừ - trung tâm xã Phì Nhừ và ngã tư Phì Nhừ - Sa Dung bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, Công ty đã bố trí 1 máy xúc trực 24/24 giờ trên tuyến để tiến hành đảm bảo giao thông thông suốt.

Không chỉ đối với 2 tuyến đường trên, 100% các tuyến bị thiệt hại trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã được bố trí máy móc để khắc phục, đảm bảo giao thông. Cùng với việc huy động doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ kịp thời trong việc khắc phục sự cố ách tắc giao thông, huyện Điện Biên Đông đã làm tốt công tác đảm bảo giao thông theo phương châm “4 tại chỗ”. Các xã có tuyến đường bị thiệt hại, đã huy động người dân khơi thông cống, rãnh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Trên tuyến đường Phì Nhừ - Sa Dung, trong khi máy xúc của Công ty TNHH Tủa Pó san, hót khối lượng đất, đá sạt lở, hàng chục người dân xã Phì Nhừ sử dụng cuốc, xẻng… khơi thông cống, rãnh thoát nước trên tuyến. Ông Thào Phá Sỉnh, ở trung tâm xã Phì Nhừ cho biết: Đảm bảo giao thông không chỉ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của người dân, mặc dù đang thu hoạch ngô nhưng gia đình tôi vẫn cử 2 người đi khơi thông cống rãnh, đảm bảo giao thông, 4 người khác lên nương thu ngô. Giao thông thông suốt thì người dân mới đi lại thuận tiện, thương lái mới vào tận bản thu ngô của bà con.

Theo ông Nguyễn Minh Trịnh, năm nay thiệt hại do mưa lũ đối với các công trình giao thông lên tới hàng chục tỷ đồng, song kinh phí để khắc phục sự cố giao thông năm 2016 huyện được giao 2,4 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Đây là một khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo giao thông của huyện Điện Biên Đông. Chính vì vậy, huyện Điện Biên Đông mong muốn UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ để huyện khắc phục, sửa chữa, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top