Kinh tếĐầu tư

Khắc phục công trình thủy lợi, nước sinh hoạt Rạng Đông

Cần hướng đến lợi ích của người dân

08:25 - Thứ Tư, 30/11/2016 Lượt xem: 3580 In bài viết
ĐBP - Hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng không hoạt động được do sai sót trong thiết kế, công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt Nậm Mu, xã Phình Sáng (nay thuộc xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo) có tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng đã gây lãng phí ngân sách Nhà nước và bức xúc trong nhân dân. Sau hơn 2 năm phơi nắng, gió, đất đá dần vùi lấp hệ thống kênh mương, công trình mới được UBND huyện Tuần Giáo chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục.

Công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bản Nậm Mu gồm: Đập đầu mối; 2 trạm bơm thủy luân (1 phục vụ thủy lợi, 1 bơm nước sinh hoạt) và trên 3km kênh mương dẫn nước. Công trình không phát huy hiệu quả do lưu lượng nước qua máy bơm thủy luân không đủ để máy bơm hoạt động. Theo thiết kế, lưu lượng nước của công trình đạt mức 3,5m3/giây sẽ đủ để máy bơm hoạt động nhưng vào mùa khô, lưu lượng nước chỉ đạt 0,75m3/giây, máy bơm không thể hoạt động do đó hệ thống kênh mương không có nước.

Người dân bản NậmMu, xã Rạng Đông làm đường ra mó nước, do công trình nước sinh hoạt không hiệu quả.

Hiện nay, UBND huyện Tuần Giáo (chủ đầu tư dự án) đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án huyện; đơn vị tư vấn và nhà thầu khẩn trương có phương án khắc phục, sớm bàn giao và đưa công trình vào sử dụng. Ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Để khắc phục lỗi tại công trình thủy lợi, nước sinh hoạt Rạng Đông, huyện đang chỉ đạo đơn vị tư vấn (Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng Thủy lợi Điện Biên) đặt thiết kế 2 máy bơm thủy luân có công suất nhỏ hơn 2 máy bơm hiện tại, phù hợp với lưu lượng nước mùa khô. Khi đó, mùa mưa lưu lượng nước lớn thì sử dụng 2 máy bơm thủy luân có công suất lớn; mùa khô lưu lượng nước thấp hơn sẽ thay thế 2 máy công suất nhỏ hơn. Khi đó công trình được vận hành, sử dụng cả 2 mùa. Đối với việc sản xuất của người dân, ban đầu mục tiêu dự án xây dựng công trình thủy lợi để khai hoang trên 40ha ruộng 2 vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng nước không đủ cung cấp để sản xuất 2 vụ, huyện đang xem xét 2 phương án: một là hướng dẫn người dân sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ ngô; hai là công trình thủy lợi chỉ tưới ẩm, huyện sẽ chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa các giống cây ăn quả vào trồng thử nghiệm. Phương án chuyển đổi cây trồng, huyện Tuần Giáo đã triển khai đến xã và lấy ý kiến người dân. Sắp tới, khi hệ thống máy bơm thủy luân mới được lắp đặt xong, huyện sẽ có điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Vũ Xuân Dinh, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng Thủy lợi Điện Biên – đơn vị tư vấn thiết kế công trình thủy lợi, nước sinh hoạt Nậm Mu cho biết: Để khắc phục sai sót trong khảo sát thiết kế công trình thủy lợi, nước sinh hoạt Nậm Mu, hiện nay, Công ty đã đặt thiết kế 2 máy bơm thủy luân mới phù hợp với lưu lượng nước ở suối Nậm Mu. Trong khoảng 1 – 2 tháng tới, máy bơm được thiết kế, lắp đặt xong, công trình sẽ hoạt động tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Tháng 11 là thời điểm nông nhàn, người dân làm nông nghiệp nghỉ ngơi để chuẩn bị cho vụ sản xuất chiêm xuân. Song, đối với người dân bản Nậm Mu, xã Rạng Đông năm nay tranh thủ thời gian nghỉ ngơi giữa 2 mùa vụ tự vận động, huy động nguồn lực làm đường từ bản đến mó nước để lấy nước sinh hoạt, bởi công trình nước sinh hoạt tuy được đầu tư khá tốn kém nhưng hiện nay... vô tác dụng. Ông Lò Văn Hảo, Trưởng bản Nậm Mu cho biết: Người dân bản Nậm Mu luôn thiếu nước sinh hoạt, vào mùa khô, vấn đề này càng nghiêm trọng hơn. Hiện nay, bà con chỉ mong muốn các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan sớm khắc phục, đưa công trình vào hoạt động để bà con khai hoang ruộng và có nước sinh hoạt sử dụng. Đối với vấn đề chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả, dân bản sẽ khó đồng thuận bởi mong muốn của bà con là bỏ cây ngô để sản xuất lúa nước. Đến nay, bản chưa được cơ quan hay đơn vị nào thông báo, triển khai về việc chuyển đổi này!

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Chiến, Chủ tịch UBND xã Rạng Đông khẳng định: Nếu chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả thì hiệu quả sẽ không cao. Chưa nói đến việc đất đai, khí hậu có phù hợp hay không nhưng việc chăm sóc, bảo vệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi sau mỗi mùa vụ, bãi ngô bản Nậm Mu là bãi chăn thả gia súc của cả xã. Hơn nữa, trồng cây ăn quả cần có thời gian kiến thiết trong khi thu nhập chính của người dân Nậm Mu đều ở cánh đồng ngô này, nếu chuyển đổi mà không có hỗ trợ thì người dân sẽ không đồng thuận, rất khó triển khai. Hiện nay, xã Rạng Đông cũng chưa nhận được thông báo về việc khắc phục công trình thủy lợi, nước sinh hoạt Nậm Mu và chuyển đổi trồng ngô sang trồng cây ăn quả từ huyện.

Bãi tưới của công trình Thủy lợi Rạng Đông rộng trên 40ha, hiện đang được người dân sử dụng để trồng ngô; năng suất ngô trung bình đạt 200 tấn ngô hạt/năm. Với giá bán 5.000 đồng/kg, tổng thu nhập của người dân Nậm Mu đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. Nếu huyện Tuần Giáo chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả cần thời gian kiến thiết ít nhất 3 năm. Như vậy, trong 3 năm đấy, phải giải quyết được vấn đề thu nhập, đảm bảo lương thực cho người dân và chi phí đầu tư, chăm sóc vườn cây ăn quả.

Khắc phục và sớm đưa công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bản Nậm Mu vào hoạt động là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Còn việc mở rộng, sử dụng bãi tưới, chuyển đổi cây trồng như thế nào để đạt hiệu quả thì UBND huyện Tuần Giáo cần tính toán kỹ để phù hợp với điều kiện thực tế và hơn hết là phải hướng đến lợi ích của người dân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top