Kinh tếĐầu tư

Nhiều khó khăn trong quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù ở Tủa Chùa

09:08 - Thứ Sáu, 13/04/2018 Lượt xem: 21195 In bài viết
ĐBP - Ðể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG), giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới (NTM), ngày 2/12/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2016/NÐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số chương trình MTQG. Theo đó, UBND các xã sẽ được trực tiếp “trao quyền” thực hiện một số dự án nhóm C có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Không thể phủ nhận những thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian và kinh phí đầu tư xây dựng; tuy nhiên, được “trao quyền” khi chưa đủ lực khiến quá trình triển khai thực hiện ở Tủa Chùa còn gặp nhiều khó khăn.

 

Công trình nước sinh hoạt được đầu tư theo nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại bản Mường Ðun, xã Mường Ðun.

Năm 2017, dựa trên Quyết định số 838/QÐ-UBND ngày 15/9/2017 của UBND tỉnh, Hướng dẫn số 1114/HD-SXD, ngày 28/9/2017 của Sở Xây dựng, UBND huyện Tủa Chùa đã “bắt tay” vào thực hiện phân cấp giao cho UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư và thực hiện theo cơ chế đặc thù đối với một số dự án thuộc nguồn vốn chương trình MTQG. Theo quy định này, các dự án được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù không phải lập dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng mà chỉ cần lập dự toán xây dựng đơn giản. Giao cho cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu. Căn cứ dự toán xây dựng được duyệt, UBND xã thông báo kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho thôn và ban quản lý xã tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế với đại diện của cộng đồng, tổ chức được giao để tổ chức thi công. Ban quản lý xã nghiệm thu dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, ngay khi triển khai việc tổ chức thực hiện áp dụng theo cơ chế đặc thù tại các xã đã bộc lộ nhiều khó khăn, khiến một số cơ sở gặp lúng túng. Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè, cho biết: “Khó khăn nhất đối với chúng tôi là trong công tác lựa chọn nhà thầu, bởi áp dụng cơ chế đặc thù này, nhà thầu ở đây là cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ. Song do năng lực về máy móc thiết bị, cũng như trình độ kỹ thuật và tay nghề ở địa phương còn hạn chế nên chưa thể đảm bảo theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Ðấu thầu...”. Theo chia sẻ của ông Tráng, công tác giám sát thi công xây dựng công trình cũng chưa được đảm bảo. “Ðể giám sát đầu tư và thi công các công trình, xã thành lập Ban Quản lý xã, Ban Giám sát cộng đồng với thành viên tham gia là cán bộ thuộc các tổ chức chính quyền, đoàn thể địa phương. Tuy nhiên, do không có kiến thức về chuyên môn; trình độ, năng lực về lĩnh vực này còn thiếu nên chưa thể nghiệm thu kỹ thuật các công việc phức tạp, như: khoan, phá đá; đào, san nền; xác nhận khối lượng, chất lượng theo hồ sơ thiết kế...” - ông Tráng cho biết thêm.

Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 1114/HD-SXD của Sở Xây dựng về lập tổng mức đầu tư trong chi phí xây dựng bao gồm thuế giá trị gia tăng (10%), trong khi đơn vị thực hiện phần thi công xây dựng là cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ đã gây ra một số khó khăn và lúng túng trong việc xác định và thực hiện nghĩa vụ thuế của đơn vị thực hiện.

Liên quan đến những khó khăn này, theo ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa thì địa phương cũng đã nhìn nhận ra. Hiện nay, UBND huyện đang giao cho các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tham mưu cho UBND huyện giao nhiệm vụ chủ đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện các dự án chuẩn bị đầu tư và khởi công mới năm 2018. Tuy nhiên, huyện cũng gặp lúng túng trong việc phân cấp đầu tư giữa các quyết định liên quan. Tại Quyết định số 1098/QÐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư 8 dự án nhóm C, khởi công mới năm 2018 thuộc Chương trình 135, UBND tỉnh quy định cấp quyết định đầu tư là UBND huyện Tủa Chùa. Ðiều này lại chưa phù hợp với cơ chế đặc thù của Nghị định số 161/2016/NÐ-CP. Trong khi đó, tại Quyết định số 1117/QÐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm, khởi công mới năm 2018 thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM tại các huyện: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà thì UBND tỉnh lại quy định cấp quyết định đầu tư là UBND xã.

Vì tính chất, nội dung, quy mô đầu tư của các dự án thuộc Chương trình 135, xây dựng NTM đều quan trọng và cơ bản giống nhau nên để “gỡ khó” và đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư chương trình MTQG trên địa bàn, huyện đã kiến nghị tỉnh xem xét, đề xuất Trung ương cho phép thực hiện đầu tư theo cơ chế đầu tư thông thường. Trước mắt, để phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, đề nghị cho phép huyện không áp dụng theo cơ chế đặc thù đối với các dự án khởi công mới năm 2018, thuộc các chương trình MTQG trên. Ðặc biệt là đối với 4 dự án có kỹ thuật phức tạp nằm trên tuyến đường Sính Phình - Trung Thu - Lao Xả Phình - Tả Sìn Thàng, gồm: Thôn 1 - Lầu Câu Phình (xã Lao Xả Phình); thôn Nhè Sua Háng (Trung Thu) - thôn 2 (Sính Phình); thôn Trung Thu - Nhè Sua Háng (Trung Thu); trung tâm xã - thôn 1 (Lao Xả Phình). Bởi đây đây đều là các công trình giao thông nông thôn A, dự kiến mặt đường thiết kế láng nhựa... đòi hỏi thiết kế, thực hiện thi công và yêu cầu giám sát phức tạp, chặt chẽ. Với năng lực thi công và giám sát của các địa phương sẽ rất khó đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ công trình.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top