Chính trịĐối ngoại

Khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh Hội nghị thượng đỉnh GMS

17:00 - Thứ Sáu, 30/03/2018 Lượt xem: 4925 In bài viết
Sáng 30-3, Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đã khai mạc bằng Phiên họp mở của Hội đồng Kinh doanh GMS với chủ đề: Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới.

Tham dự phiên họp có: Đại diện các nước GMS (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam); lãnh đạo các tổ chức quốc tế, định chế tài chính như: Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, ASEAN; đại diện các đối tác phát triển; đại diện địa phương các nước GMS; đại biểu doanh nghiệp các nước GMS và ngoài khu vực.

 

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Phát biểu khai mạc tại Phiên họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, với nỗ lực của các quốc gia thành viên và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều chương trình hợp tác GMS đã được hình thành. Chuỗi giá trị GMS đang rộng mở. Một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, có những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển ở khu vực này. Quan trọng nhất là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân GMS 2018. 

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng GMS vẫn đang là vùng trũng của sự phát triển trong tương quan so sánh với ASEAN, Châu Á và thế giới, xét cả trên bình diện GDP trên đầu người, kết cấu hạ tầng, khả năng công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực... Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, với nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, công cuộc cải cách và hội nhập đang diễn ra sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang tràn tới, GMS có lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, có thể trở thành bếp ăn của thế giới, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, với lợi thế lao động còn rẻ và cơ cấu dân số trẻ...

Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cả cơ hội và thách thức đổi mới GMS đều vô cùng lớn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...

 

Theo ông Ouder Souvannavong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS cho biết, Hội đồng kinh doanh GMS góp phần hỗ trợ sự hợp tác, đẩy mạnh sự phát triển của GMS trong hành lanh kinh tế, sự đối thoại cũng như hợp tác về kinh tế của các quốc gia trong khu vực đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp.

Hợp tác GMS đẩy mạnh kết nối, thông qua các kế hoạch kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa hành lang kinh tế kinh doanh đẩy mạnh sự tham gia của các quốc gia. Thành viên GMS coi trọng việc thúc đẩy hơn các dự án viện trợ kỹ thuật, tạo ra sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp trong khu vực.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua chặng đường 25 năm hợp tác và phát triển của các quốc gia tiểu vùng sông MêKông mở rộng. Những nét tương đồng về văn hóa đã gắn bó các nước sông Mê Kông trong suốt chiều dài lịch sử, tạo cơ sở đưa sự hợp tác về kinh tế trở thành bước phát triển tất yếu của các quốc gia khu vực sông Mê Kông. Đặc biệt, trong thập kỷ gần đây, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, các quốc gia phải gắn kết chặt chẽ để cùng phát triển. 

Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác GMS đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng có ý nghĩa đối với sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực. Đúng như tầm nhìn hợp tác đã đề ra, đó là “thịnh vượng, hội nhập và hài hòa" trên cơ sở trụ cột “3 C” là Kết nối (Connectivity), Cạnh tranh (Competitiveness) và Cộng đồng (Community). Đối với các doanh nghiệp GMS, thông qua Hội đồng kinh doanh GMS, chúng ta đã có cơ chế kết nối, tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ, hợp tác trong các hoạt động chung của chương trình. 

Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy cơ hội cạnh trạnh để tăng trưởng, cạnh tranh để vượt lên đang ngày càng hiện hữu. Chúng ta cạnh tranh với chính chúng ta ngày hôm qua để có một ngày mai hoàn thiện hơn. Đó cũng chính là những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và đầy thách thức ngày hôm nay.

Ông Nguyễn Chí Dũng hy vọng, thông qua Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, các quốc gia cùng nhìn nhận và đánh giá thật sâu sắc những cơ hội phát triển và tăng trưởng, tạo sức hấp dẫn lớn hơn trong mắt các nhà đầu tư, các đối tác phát triển về nền kinh tế của GMS. Ông Nguyễn Chí Dũng cũng mong các doanh nghiệp trong khối GMS sẽ cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển và trao đổi những cơ hội kết nối trong tương lai. Và hơn hết, tôi mong chúng ta cùng đẩy mạnh hợp tác, hướng đến một mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực, thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động, Hiệp định đã cam kết, tận dụng tốt nguồn đầu tư 66 tỷ USD tại hơn 220 dự án trên toàn khu vực, đưa nền tảng kinh tế - xã hội của 6 quốc gia GMS lên một tầm cao mới. 

Tại 2 phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận tình trạng hội nhập kinh tế GMS, thách thức và động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực GMS; Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS; Mô hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ để thay đổi tổng quan cạnh tranh kinh doanh; Kế hoạch phát triển khu vực kinh tế tư nhân; Khu vực tư nhân với tầm nhìn phát triển cho GMS trong thập niên thứ 3 và các chương trình được tổ chức với khu vực tư nhân do Hội đồng Kinh doanh GMS tiến hành trong giai đoạn 2018 - 2020.

Tại Hội nghị thượng đỉnh GMS6, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Sáng kiến này nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới, ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự.

Điều này thể hiện sự hứng khởi kinh doanh, niềm tin của các doanh nhân, nhà đầu tư vào các chính sách đổi mới, cởi mở, thông thoáng của các Chính phủ và các cơ hội kinh doanh thuận lợi đang mở ra trong khu vực tiểu vùng Mekong, tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh Châu Á đang nổi lên là một động lực tăng trưởng của toàn cầu trong thế kỷ XXI.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Hội đồng Kinh doanh GMS là một cơ chế kết nối của cộng đồng kinh doanh trong khu vực, và là một đối tác đối thoại công tư vì sự phát triển của GMS trong đó vai trò chủ thể thuộc về các phòng thương mại và công nghiệp quốc gia. Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS năm nay lần đầu tiên được tổ chức để bàn về triển vọng kinh tế và những động lực phát triển trong thời gian tới. Diễn đàn cũng thảo luận và quyết định Chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân 2018. Các vị đứng đầu chính phủ và các bộ trưởng của các nước trong khu vực đã tham gia đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với sáng kiến về Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh, VCCI cũng đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ GMS và mạng lưới khởi nghiệp GMS. Ông Vũ Tiến Lộc hy vọng cùng với những sáng kiến, chương trình, dự án để thúc đẩy kết nối khu vực, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững..., mạng lưới các cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển.

Đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp GMS, Vụ Phó vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar Htun Zaw cho rằng, đây là một ý tưởng rất đúng thời điểm và đúng trọng tâm. Hội nghị sẽ tạo ra các cơ hội để lãnh đạo các nước được tiếp xúc với các doanh nghiệp tư nhân và chia sẻ góc nhìn của mình, để doanh nghiệp và chính phủ cùng tìm những động lực mới nhằm phát triển nền kinh tế, đưa ra những chính sách phù hợp và theo kịp với sự phát triển của thế giới. Ông cũng cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam vì đã tiên phong và chủ động trong việc liên hệ với ADB và các quốc gia khác để tổ chức thành công Hội nghị GMS-6 và CLV-10.

* Chiều 30-3, Diễn đàn Đối thoại chính sách cao cấp sẽ diễn ra với 2 phiên thảo luận: "Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng" và "Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp".

* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể: Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới cho khu vực GMS.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top