Đánh thức “mỏ vàng” du lịch

09:36 - Thứ Năm, 13/10/2022 Lượt xem: 9477 In bài viết

ĐBP - Không vùng đất nào của tỉnh Điện Biên giống như Tủa Chùa. Nơi đây có đến 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, khiến người ta liên tưởng ngay đến sự khắc nghiệt, cằn cỗi. Song giữa những khắc nghiệt, khô cằn sỏi đá ấy, Tủa Chùa vẫn cuốn hút lạ kỳ, mang trong mình lớp trầm tích văn hóa được bồi lắng qua bao thế hệ với những phong tục, tập quán truyền thống phong phú. Cùng với bề dày văn hóa, lịch sử, Tủa Chùa còn sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch. Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng du lịch Tủa Chùa mới chỉ manh nha phát triển. Vì vậy, để biến tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch, ngày 15/6/2018 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tủa Chùa đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/HU về phát triển du lịch huyện Tủa Chùa giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết như là kim chỉ nam để cấp ủy, chính quyền sở tại tập trung phát triển kinh tế xã hội theo hướng xanh, sạch, đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất hoang sơ này.

Bài 1: “Mỏ vàng” du lịch của Điện Biên

Tủa Chùa nằm cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ 126km, có 12 xã, thị trấn với nhiều dân tộc cùng sinh sống, đặc biệt là dân tộc Mông (địa phương có người dân tộc Mông nhiều nhất tỉnh). Với bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc lâu đời, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, phong phú, tạo nên những dấu ấn riêng để phát triển tiềm năng kinh tế du lịch như: Cao nguyên đá cổ Tả Phìn, hệ thống ruộng bậc thang, đồi chè Shan tuyết, chợ phiên, hệ thống hang động đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia (hang Xá Nhè, hang Khó Chua La, hang Pê Răng Ky). Ngoài ra còn có vùng lòng hồ Thủy điện sông Đà, di tích kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng... Với những tiềm năng sẵn có, Tủa Chùa được ví như “mỏ vàng” du lịch, nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Du khách tham quan hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè).

Hoang sơ và huyền bí

Là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, huyện Tủa Chùa được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho khí hậu mát mẻ, trong lành và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với nhiều điểm nhấn ấn tượng. Đây cũng là 1 trong 2 địa phương trên địa bàn tỉnh có vùng ngập nước lòng hồ Thủy điện Sơn La. Với lợi thế lòng hồ thủy điện giúp cho Tủa Chùa nằm trong vùng có thể liên kết phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá núi rừng của ba tỉnh Điện Biên - Sơn La - Lai Châu.

Cùng với vẻ đẹp của lòng hồ thủy điện, địa phương này còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp với hệ thống hang động được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia như: Hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang động Pê Răng Ky (xã Huổi Só); rừng chè Shan Tuyết cổ thụ với gần 4.000 cây chè cổ thủ hàng trăm năm tuổi (xã Sín Chải) đã được công nhận cây di sản Việt Nam; hệ thống cao nguyên đá trải rộng trên địa bàn các xã Tả Phìn, Sín Chải, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng… Đặc biệt là di tích cấp tỉnh kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng (xã Tả Phìn). Thành đá Vàng Lồng được người Mông xây dựng từ thế kỷ XIII, hình tròn, chu vi 440m, độ cao trung bình 1,5 - 2m, bề mặt tường thành 1m. Đúng như tên gọi của nó, Thành đá Vàng Lồng chỉ toàn bằng đá được đẽo gọt thủ công, xếp đặt rất khéo léo để người, ngựa có thể đi trên mặt thành. Mặc dù đến nay chỉ còn một số đoạn tường thành bằng đá, cao độ khác nhau, song đây là công trình có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc và lưu dấu tập tục xa xưa của đồng bào Mông.

Đến với Tủa Chùa, không thể không nhắc đến hệ thống ruộng bậc thang đa dạng, độc đáo, đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc trải dài từ phía Bắc đến phía Nam của huyện. Trong đó, nổi bật là cánh đồng thôn Đề Dê Hu (xã Sính Phình), cánh đồng Chéo Tính (xã Tả Phìn) và mâm vàng - mâm ngọc tại thôn Háng Khúa (xã Sín Chải). Đây là những cánh đồng ruộng bậc thang đặc trưng của vùng núi, là sản phẩm của trí tuệ và sức lao động phi thường của nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Mông. Ruộng bậc thang không chỉ tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, phô diễn vẻ đẹp dung dị, mộc mạc nhưng cũng không kém phần quyến rũ vào mùa lúa chín mà còn trở thành điểm check-in tuyệt vời với mỗi du khách.

Người dân mua sắm tại chợ phiên Xá Nhè.

Theo ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa, tại địa phương hiện có 7 dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc vẫn giữ được truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc với các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc, đặc biệt là người Mông, người Dao. Các chợ phiên truyền thống đặc trưng của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Xá Nhè, Tả Sìn Thàng; hội xuân đầu năm ở các xã Xá Nhè, Sính Phình, Tả Phìn, Tủa Thàng mang đậm nét văn hóa truyền

Theo ông Vùi Văn Nguyện, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa: Việc đánh giá đúng tiềm năng cũng như chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhân lực phục vụ, cơ sở hạ tầng sẽ quyết định đến sự phát triển du lịch.

thống của các dân tộc vùng cao; ẩm thực đặc trưng với gà xương đen, rượu Mông Pê;… là những lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng hết sức phong phú phục vụ nhu cầu du lịch trải nghiệm cộng đồng, khám phá, mua sắm quà lưu niệm của du khách. Đây là những yếu tố góp phần phát triển văn hóa du lịch trải nghiệm cộng đồng.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Tủa Chùa được ví như cô sơn nữ đẹp nhưng vẫn còn e ấp, ẩn hiện giữa mây ngàn Tây Bắc. Bởi vậy, nếu đánh thức vẻ đẹp ấy, du lịch Tủa Chùa sẽ là một điểm đến đầy thú vị và không thể thiếu đối với những ai khi đến với mảnh đất Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Cao nguyên đá Tả Phìn là một trong những điểm đến không thể thiếu với du khách khi đến với Tủa Chùa.

Tiềm năng chưa được “đánh thức”

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng trong quá trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tủa Chùa vẫn còn nhiều hạn chế, như: Kinh tế chậm phát triển, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, chưa có kế hoạch tổng thể và chi tiết để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch còn yếu và hiệu quả thấp. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người dân về phát triển du lịch còn thiếu và hạn chế; đội ngũ những người làm du lịch và quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu, yếu, chưa qua đào tạo, bồi dưỡng, nhiều mặt còn bất cập. Cùng với đó, hệ thống các nhà hàng, cơ sở lưu trú dù đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều loại hình du lịch chưa hấp dẫn du khách, một số dịch vụ phục vụ du lịch như vui chơi, giải trí, mua sắm, hàng lưu niệm còn thiếu, chất lượng thấp và thiếu tính chuyên nghiệp…

“Vẻ đẹp, văn hóa và sự thân thiện của con người là tiềm năng sẵn có. Song lại chưa thể khai thác tiềm năng đó để làm du lịch” - đó như một lời khẳng định nhưng đầy trăn trở và tiếc nuối của ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa. Hiện nay phần lớn du khách đến với Tủa Chùa đều thực hiện theo hình thức phượt như nhóm trẻ, chứ chưa hình thành các tour du lịch để khai thác, và ngược lại địa phương cũng chưa có được doanh thu từ du lịch. Nguyên nhân thì có nhiều (giao thông không thuận tiện, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, nguồn nhân lực thiếu và yếu...), song điều quan trọng nhất theo ông đó là kinh phí đầu tư. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các hộ kinh doanh trong phát triển kinh tế du lịch chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; thiếu sự liên kết để phát triển dịch vụ du lịch giữa huyện với các địa phương khác; chưa có sản phẩm du lịch tiêu biểu, chất lượng để quảng bá, thu hút du khách. Tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch định hướng chưa rõ ràng và thiếu chiều sâu, chưa coi phát triển là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Vẻ đẹp của cánh đồng Chiếu Tính (xã Tả Phìn) được du khách lưu lại.

Để khắc phục những hạn chế trên, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, ngày 15/6/2018 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tủa Chùa đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/HU về phát triển du lịch huyện Tủa Chùa giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương như các danh lam thắng cảnh với hang động, cao nguyên đá, ruộng bậc thang, lòng hồ thủy điện... và không gian văn hóa chợ phiên, các lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch. Đồng thời, Tủa Chùa tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng,… bằng cách chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch để thu hút du khách đến với địa phương.

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết đề ra đến năm 2025 thu hút trên 20.000 lượt khách/năm, trong đó có khoảng 5% khách quốc tế; 90% nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn có nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch; hoàn thành công tác quy hoạch tổng thể về du lịch, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch….  Với tinh thần quyết liệt, bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện nghị quyết, Đảng bộ huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò của toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện để từng bước phát triển du lịch.

Bài 2: “Khơi dòng” nội lực

Văn Tâm – Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top