Đánh thức “mỏ vàng” du lịch (bài 2)

09:34 - Thứ Sáu, 14/10/2022 Lượt xem: 8577 In bài viết

Bài 2: “Khơi dòng” nội lực

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện Tủa Chùa giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030; thành công lớn nhất của Nghị quyết số 32 là nhận thức, tư duy về phát triển du lịch của người dân đang dần thay đổi. Cuộc “cải cách” về tư duy làm du lịch được thể hiện rõ nét qua sức mạnh, ý chí của cộng đồng dân cư bản địa trong việc đồng thuận cùng làm du lịch ngày càng được nâng cao.

Bài 1: “Mỏ vàng” du lịch của Điện Biên

Du khách tham quan tại điểm dừng chân ở khu vực cánh đồng Chiếu Tính, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa).

Gieo “hạt giống” du lịch

Trên cung đường phía Bắc của Tủa Chùa, chúng tôi khá bất ngờ khi bắt gặp một điểm dừng chân khá độc đáo tại khu vực cánh đồng Chiếu Tính (xã Tả Phìn). Ghé vào điểm dừng chân, cùng với không khí trong mát, chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của hệ thống ruộng bậc thang nơi đây. Khi hỏi về người đã làm nên điểm dùng chân này, chúng tôi lại càng thêm bất ngờ hơn, bởi đó là một thanh niên người Mông bản địa.

Ông Đặng Tiến Công, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Tại mỗi xã, chúng tôi lựa chọn 1-2 đại diện làm “hạt giống” để lan tỏa cách làm du lịch đến đông đảo người dân. Từ minh chứng sống đó, giúp người dân biết làm sao để phát triển du lịch đúng cách, đó là giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc sản địa phương để thu hút du khách.

Trong câu chuyện với chúng tôi, người làm nên điểm dừng chân tại cánh đồng Chiếu Tính - anh Vừ A Kỷ, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) cho biết ý tưởng làm điểm dừng chân đã được anh nuôi dưỡng từ lâu. Sau khi nhận thấy những lợi thế của cảnh quan thiên nhiên có sẵn cùng nhu cầu thực tiễn của du khách và người dân khi đi qua đều muốn dừng lại ngắm cảnh đẹp của cánh đồng. Tuy nhiên, vì là lần đầu thử sức với mô hình sản phẩm du lịch này nên anh rất đắn đo vì chưa biết bắt đầu từ đâu, làm như nào rồi, làm xong thì quản lý ra sao. Nhiều câu hỏi được anh đặt ra, cũng như nhiều ý kiến tham gia của người quen, bạn bè về việc “đầu tư nhiều như vậy bao giờ mới thu hồi vốn?” khiến anh do dự.

Năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát cũng là lúc huyện Tủa Chùa đẩy mạnh thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển du lịch. Những chủ trương, chính sách huyện triển khai đã tạo thêm động lực để anh Kỷ quyết tâm thử sức với niềm đam mê, khát vọng của mình. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng, anh Kỷ bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng. Sau 5 tháng xây dựng, điểm dừng chân với quy mô 1 chòi nghỉ 2 tầng, 2 chòi nhỏ không mái và khu vực vệ sinh với tổng trị giá trên 250 triệu đồng đã đi vào hoạt động. Đến nay, điểm dừng chân đã tiếp đón hàng nghìn lượt du khách ghé lại để chiêm ngưỡng cảnh đẹp từ bàn tay lao động của người dân.

Anh Vừ A Kỷ tâm huyết với ý tưởng làm Homestay tại xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa).

Anh Kỷ chia sẻ: Điểm dừng chân không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, trải nghiệm cũng như tạo điểm nhấn để giới thiệu cảnh đẹp Tủa Chùa đến với du khách, mà còn giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hiện thực hóa những ý tưởng của mình về làm homestay tại xã Trung Thu, trồng luân canh các loại cây trồng và mở rộng thêm điểm dừng chân tại khu vực cánh đồng Chiếu Tính.

Tại một nơi có khung cảnh sơn thủy hữu tình vô cùng quyến rũ khác, nơi có những hòn đảo nhỏ nhấp nhô giữa lòng hồ nước xanh biếc – xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa), những “hạt giống” khác cũng đang bắt tay vào phát triển du lịch. Phát huy lợi thế lòng hồ thủy điện, chàng trai dân tộc Mông Vừ A So (xã Huổi Só) đã đầu tư tàu, thuyền để chở khách và phát triển dịch vụ du lịch tham quan, trải nghiệm lòng hồ thủy điện. Anh So cho biết: Nhận thấy có nhiều khách du lịch muốn tham quan lòng hồ thủy điện, nhưng trên địa bàn chưa có tàu, thuyền chuyên dụng chở khách tham quan, nhiều người dân đã sử dụng thuyền bé chở hàng để chở khách, gây mất an toàn. Bởi vậy, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để đóng một con thuyền lớn chở khách tham quan khu vực lòng hồ thủy điện và chở hàng hóa. Ngoài chở khách tham quan lòng hồ khu vực huyện Tủa Chùa, tôi còn chở khách sang các địa phương ở tỉnh Sơn La để tham quan.

Không chỉ phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện, tại xã Huổi Só đã xuất hiện homestay đầu tiên để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của du khách. Đó là homestay của gia đình chị Quàng Thị Hoa được dựng ngay tại khu vực gần cầu Pa Phông. Homestay thường xuyên tiếp đón du khách đến nghỉ ngơi và thưởng thức ẩm thực dân tộc vào các ngày cuối tuần. Dịp nào đông khách, homestay nhà chị Hoa có thể đáp ứng được đoàn khách khoảng 40 người. Để phục vụ tốt nhất cho du khách, chị Hoa tiếp tục đầu tư về phòng nghỉ, chú trọng đổi mới thực đơn món ăn, cách giới thiệu văn hóa địa phương; tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch homestay của mình trên các trang mạng xã hội và thực hiện kết nối với một số công ty lữ hành có tour tuyến qua địa bàn xã để đón tiếp du khách. Nhờ đó, homestay không chỉ là hướng kinh doanh mới để phát triển kinh tế cho gia đình chị Hoa, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ hiệu quả mô hình homestay này, nhiều gia đình lân cận đã sang học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ mong muốn phát triển kinh tế gia đình theo hướng làm du lịch cộng đồng.

Homestay của gia đình chị Quàng Thị Hoa được làm tại khu vực cầu Pa Phông, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa).

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều nhân tố “hạt nhân” đang được huyện Tủa Chùa tập trung phát triển để khơi dậy sức lan tỏa trong đội ngũ nhân lực làm du lịch. Phát huy nhân tố con người, tạo nên những “cú hích” để thúc đẩy du lịch Tủa Chùa phát triển theo hướng đổi mới và bền vững.

Nghị quyết “bén rễ”…

Ở huyện Tủa Chùa, tư duy làm du lịch cộng đồng không chỉ khởi nguồn từ những “hạt giống”, mà điều tích cực chính là tư duy đó đã lan tỏa đến với nhiều cộng đồng dân cư tại khắp các xã, thị trấn. Suy nghĩ làm du lịch từ nội lực đã không còn mới lạ với mỗi người dân. Thay vào đó, là sự chung tay với cộng đồng cùng đổi mới phát triển du lịch.

Tại xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa), việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ còn là định hướng mà đang ngày càng khẳng định kết quả về chủ trương đúng đắn của huyện. Đến bản Tiên Phong, đây là 1 trong 2 bản được chính quyền xã Mường Báng lựa chọn để phát triển mô hình sản phẩm du lịch homestay, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực tại đây. Cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, môi trường xanh, sạch, đẹp, tô thắm bởi những con đường hoa rực rỡ. Những đoạn đường bê tông nội bản được bà con đồng lòng dốc sức hoàn thành để thay thế những con đường đất đá gồ ghề. Những căn nhà sàn khang trang được gắn biển homestay được trang trí bắt mắt xuất hiện trên khắp các tuyến đường…

Lãnh đạo xã Mường Báng trao đổi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân.

Chia sẻ về hành trình phát triển du lịch cộng đồng tại địa bàn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Báng cho biết: Trước đây, bà con nghe nói đến làm homestay là lắc đầu, với lối tư duy cũ, bản thân họ không muốn thay đổi. Hiểu rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung các buổi họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con rồi từng bước tháo gỡ các “nút thắt”.

Để du lịch cộng đồng trên địa bàn phát triển bền vững, xã tập trung tuyên truyền cho người dân về chủ trương phát triển du lịch của huyện. Tổ chức thành lập đoàn gồm những trưởng thôn và đại diện các gia đình đã đăng ký làm homestay đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Với những bài học đã được “mục sở thị”, hơn 10 hộ gia đình tại thôn Tiên Phong và Phiêng Bung đã đi đầu làm homestay. Các gia đình đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan môi trường và chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm để cung cấp tại chỗ. Đến nay, sau 2 tháng các homestay bắt đầu đón khách, lượng khách dần ổn định, đặc biệt là du khách đến thưởng thức về ẩm thực dân tộc.

Hội viên phụ nữ xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) chung tay làm con đường hoa.

Đến thôn Tiên Phong vào dịp cuối tuần, chúng tối có mặt tại homestay Quyến Choi khi gia đình ông Lò Văn Quyến đang tiếp đón một đoàn khách du lịch. Không gian homestay được trang trí lung linh ánh đèn, điểm nhấn gồm hàng chục giỏ hoa được tận dụng nguyên liệu từ các chai nhựa cũ làm khung cảnh trông rất bắt mắt. Phía trong homestay, du khách vừa thưởng thức các món ăn dân tộc, vừa hòa mình theo điệu múa của các cô gái Thái. Vui vẻ trò chuyện với chúng tôi, ông Quyến cho biết: Tôi là một trong những hộ gia đình đầu tiên của bản Tiên Phong đăng ký làm homestay. Dù mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng nhưng tôi rất mừng vì đã có nhiều du khách tìm đến và trải nghiệm dịch vụ. Để chuẩn bị tiếp đón du khách, gia đình tôi đã chuẩn bị kỹ càng từ nơi ăn, chốn ở, thực phẩm sẵn có luôn tươi ngon, đảm bảo chất lượng.

Còn tại xã Sín Chải, không khí rộn ràng đang tràn ngập khắp các thôn, bản để chuẩn bị cho Lễ công bố và trao Bằng công nhận cây di sản Việt Nam – Quần thể cây chè Shan Tuyết. Từ cấp ủy, chính quyền đến người dân trên địa bàn đều phấn khởi, vui mừng với mong muốn dốc sức đồng lòng để chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện quan trọng khẳng định sản phẩm du lịch của địa phương. Ấn tượng hơn hết là con đường hoa dài hơn 3km kéo dài từ trung tâm xã Sín Chải đến khu vực trồng chè Shan Tuyết. Đây là thành quả của hơn 250 hội viên phụ nữ xã Sín Chải không quản nắng mưa, cần mẫn vun trồng với mong muốn được góp sức để đưa du lịch ngày càng phát triển. Giờ đây, con đường hoa đang tỏa sắc lung linh như lời đón chào du khách muôn phương đến với Quần thể cây chè Shan Tuyết…

Bài 3: Niềm hy vọng “thăng hoa”

Văn Tâm – Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top