Vấn đề tuần này

Khơi dậy tiềm năng du lịch cộng đồng

09:26 - Thứ Năm, 20/10/2022 Lượt xem: 7171 In bài viết

ĐBP - Du lịch Điện Biên những năm qua bắt đầu có sự phát triển sâu rộng với các loại hình du lịch, từ du lịch lịch sử, sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng... Các điểm du lịch lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và đón du khách; du lịch sinh thái, du lịch tâm linh đang được khai thác đầu tư. Vài năm trở lại đây người dân lưu tâm hơn để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, khai thác tiềm năng từ chính phong tục tập quán các dân tộc, ẩm thực địa phương, cảnh quan từng thôn bản… thu hút du khách. Du lịch cộng đồng là tiềm năng lớn của mỗi địa phương nếu biết cách khai thác, vừa bảo tồn gìn giữ nét văn hóa, phong tục tập quán vừa phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no cho bà con.

Bản văn hóa Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ vừa hoàn thành sửa sang làng bản, xây dựng điểm du lịch cộng đồng, chính thức đón du khách từ tối 16/10/2022. Xác định xây dựng bản thành điểm du lịch, dân bản Nà Sự họp bàn, thống nhất cải tạo cảnh quan trong bản tạo điểm nhấn đón khách tham quan trải nghiệm. Chỉ trong vòng một tuần, cùng với nhân dân trong bản và sự hỗ trợ góp sức của hàng trăm đoàn viên thanh niên các xã, diện mạo mới của Nà Sự đã hình thành với cảnh quan, đường điện cùng các dịch vụ ăn nghỉ, sẵn sàng đón du khách trải nghiệm. Là bản lâu đời của đồng bào dân tộc Thái với khoảng 140 gia đình, Nà Sự có nhiều nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Đến với Nà Sự, du khách không chỉ tham quan, khám phá cảnh đẹp mà còn trực tiếp trải nghiệm thực tế sinh hoạt, sản xuất của người dân; tham gia chế biến món ăn, thưởng thức ẩm thực địa phương; giao lưu văn hóa, văn nghệ và nghỉ tại các gia đình trong bản. Đó là điểm nhấn, thu hút du khách đến với các điểm du lịch cộng đồng không chỉ ở Nà Sự mà nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với việc đầu tư cho du lịch và nguồn thu từ du lịch mang lại. Kết quả từ lượng khách, thu nhập và việc làm được tạo ra từ hoạt động du lịch đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống các dân tộc. Theo đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2022, Điện Biên đứng thứ 8/14 tỉnh trong vùng và thứ 38/63 tỉnh, thành cả nước về tổng thu từ du lịch.

Ngoài du lịch lịch sử vẫn được biết đến lâu nay, các danh lam thắng cảnh thì giờ đây, du lịch cộng đồng là tiềm năng lớn của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng sẽ là hướng đi chính, giải pháp căn cơ để du lịch Điện Biên phát triển bền vững.

Nhớ lại gần 20 năm trước, Điện Biên đã lựa chọn 8 bản văn hóa xây dựng thành bản văn hóa du lịch, đón du khách. Khi đó, người dân các bản được hướng dẫn từ cách giao tiếp, ứng xử với du khách, tập huấn tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, chế biến món ăn đến cả việc sắp xếp, trang trí nhà cửa, thôn bản sạch đẹp… Tuy nhiên, đó chỉ là những hình thức sơ khai của du lịch cộng đồng bởi chủ yếu đón du khách tới tham quan và thưởng thức ẩm thực tại bản; việc nghỉ lại các gia đình ở bản hầu hết chưa đáp ứng điều kiện. Hiện nay, khi đời sống người dân ngày càng nâng cao, việc khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng cũng cần có bài bản, huy động toàn dân tham gia, có giải pháp căn cơ để phát triển bền vững.

Điện Biên là nơi quần tụ, sinh sống của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có nét văn hóa, phong tục đặc sắc riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc. Khai thác những nét văn hóa đặc sắc cũng như tạo điều kiện để du khách được trải nghiệm đời sống sinh hoạt, ẩm thực địa phương là hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh nhà. Du lịch cộng đồng đang là tiềm năng lớn của mỗi địa phương, thôn bản trong tỉnh, nếu biết cách khai thác sẽ thu hút đông đảo du khách đến với Điện Biên. Đến với các thôn bản, du khách không chỉ được tìm hiểu các nét văn hóa, phong tục tập quán mà còn được hòa mình vào không gian sống của bà con, trải nghiệm nếp sinh hoạt, lao động của đồng bào, thưởng thức những món ăn, sản vật từ thiên nhiên do chính bà con bản địa chế biến theo cách truyền thống của dân tộc họ. Tham gia du lịch cộng đồng, du khách còn có thể trải nghiệm các hoạt động văn hóa, cùng múa xòe, nhảy sạp, giao lưu văn nghệ với các “ca sĩ”, “diễn viên” vốn là người lao động chân lấm tay bùn trên nương, dưới ruộng. Du khách cũng có thể tìm mua những món quà lưu niệm đặc trưng địa phương do người dân tự làm, từ chiếc khăn piêu, túi xách hay cả bộ chăn ga, váy áo bằng thổ cẩm. Sự hấp dẫn, thu hút du khách của du lịch cộng đồng không chỉ đến từ vẻ đẹp cảnh quan, đặc sắc của văn hóa mà chính là sự thật thà, chân chất, đậm tình người của người dân các bản văn hóa du lịch. Đây chính là điều làm nên sức hút du khách nhất là với những người thích khám phá, yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở quan tâm kêu gọi đầu tư, hình thành các điểm du lịch. Đó vừa là cơ hội để người dân phát triển kinh tế vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 210 cơ sở lưu trú du lịch, 11 bản văn hóa du lịch, 6 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại... Cùng với đó là nét văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc anh em. Để khai thác phát triển tiềm năng du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, mô hình làm du lịch cộng đồng ở các tỉnh khác để bà con học hỏi, làm theo.

Và như cách làm ở bản Nà Sự, xã Chà Nưa vừa qua cần được nhân rộng trong khai thác, phát triển du lịch cộng đồng ở các thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh để du lịch Điện Biên phát triển bền vững. Phải cùng chung tay khơi dậy tiềm năng du lịch cộng đồng, biến tiềm năng thành sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút du khách đến với Điện Biên, nhớ về Điện Biên.

Gia Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top