Đưa di sản văn hóa vào sản phẩm du lịch

07:39 - Thứ Năm, 08/12/2022 Lượt xem: 9183 In bài viết

ĐBP - Xác định di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần tạo nên thương hiệu của địa phương; việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống thành các sản phẩm du lịch đang trở thành hướng phát triển bền vững, hiệu quả. Tỉnh Điện Biên đã đưa ra nhiều chính sách khai thác hiệu quả góp phần phát triển du lịch địa phương, mang thương hiệu du lịch Điện Biên đến với đông đảo du khách thập phương.

Người dân tại thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) giới thiệu giày thêu truyền thống của đồng bào Xạ Phang cho du khách.

Điện Biên có 19 dân tộc anh em sinh sống, với nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được lưu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điển hình như: Nghệ thuật xòe Thái, tết Nào pê chầu của người Mông (xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng), lễ cấp sắc của người Dao (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa), nghề thêu giày của người Xạ Phang, lễ Kin pang then của người Thái trắng (TX. Mường Lay), tết té nước của người Lào (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên), lễ Gạ ma thú của người Hà Nhì (huyện Mường Nhé)... Bên cạnh đó, những giá trị to lớn của quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, các danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, mang đặc trưng của tỉnh.

Để ngành “công nghiệp không khói” ngày càng phát triển, Điện Biên đã có nhiều chính sách khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư; tăng cường hợp tác liên vùng, trong và ngoài nước với chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Tỉnh ta đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gồm: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Huyện Mường Nhé, nơi sinh sống của 11 dân tộc anh em; mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa với nhiều trò chơi, lễ hội dân gian truyền thống, múa khèn... Để khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch, huyện đã chú trọng khôi phục, duy trì, nâng cao chất lượng các lễ hội, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, phục dựng tết cổ truyền, lễ Gạ ma thú của dân tộc Hà Nhì, lễ cầu mưa dân tộc Si La, lễ cúng tổ tiên của người Cống; triển khai Đề án du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu... Cùng với đó, huyện đẩy mạnh các điểm du lịch sinh thái như: Khu nước nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây xã Nậm Kè, khu di tích Đồn Pháp, du lịch tâm linh Tá Miếu, thác Păm Pơi, Y Ma Hồ; chinh phục mốc giao điểm đường biên giới 3 nước...

Đánh giá của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé trong thời gian qua cho thấy, các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn huyện được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng. Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc từng bước được bảo tồn, phát huy tác dụng và phục dựng đưa vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Đặc biệt, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa được hiệu quả, huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các danh lam thắng cảnh tiêu biểu của huyện như: Khu rừng bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn xã Chung Chải; Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ; cột mốc biên giới số 0  tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào, chợ phiên tại lối mở A Pa Chải... Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc đến với du khách thập phương.

Tại thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) nơi có 100 hộ người Xạ Phang sinh sống. Trải qua nhiều thế hệ, người Xạ Phang tại đây đang lưu giữ, bảo tồn nghề thêu truyền thống của dân tộc mình. Với những giá trị tiêu biểu đặc sắc, năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm giày thêu của người Xạ Phang. Đến với thôn Tả Sìn Thàng, du khách không chỉ được tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người Xạ Phang mà còn được chiêm ngưỡng nét đặc sắc của nghệ thuật thêu giày và trang phục truyền thống rất công phu, tinh xảo.

Có thể thấy, sản phẩm du lịch văn hóa đã được các địa phương khai thác, xây dựng thành thế mạnh du lịch, tạo sự khác biệt. Các sản phẩm du lịch văn hóa khá đa dạng từ tham quan di tích lịch sử văn hóa, hoạt động nghệ thuật đến tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, phong tục địa phương, thưởng thức ẩm thực… Tuy nhiên, thực tế việc khai thác giá trị di sản văn hóa để thu hút, phát triển du lịch tại tỉnh Điện Biên chưa tương xứng với sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa dân tộc và những di sản văn hóa đã được công nhận cấp quốc gia. Để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở các giá trị di sản văn hóa cần phải có chiến lược phù hợp. Ngành du lịch cần lựa chọn sản phẩm du lịch trên cơ sở giá trị văn hóa. Đồng thời, các sản phẩm du lịch cần tôn trọng đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa. Các địa phương cần có các hoạt động thiết thực nhằm khai thác di sản văn hóa hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top