Tiềm năng phát triển du lịch ở Điện Biên Đông

08:55 - Thứ Tư, 15/03/2023 Lượt xem: 8989 In bài viết

ĐBP - Cách TP. Điện Biên Phủ trên 50km, huyện Điện Biên Đông có hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. Những năm gần đây, huyện chú trọng triển khai nhiều giải pháp để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Phụ nữ dân tộc Lào (xã Mường Luân) biểu diễn các điệu múa truyền thống bên tháp Mường Luân.

Hồ Noong U (xã Noong U) là địa điểm du lịch khá nổi tiếng của huyện Điện Biên Đông. Nơi đây có vẻ đẹp nên thơ, trữ tình được ví như “thiếu nữ ngủ trong rừng” đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách vào những dịp cuối tuần. Hồ có diện tích rộng khoảng 4ha, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Cùng với đó là khí hậu trong lành, mát mẻ, phù hợp với những ai muốn rời xa không khí ồn ào của thành phố, tìm nơi bình yên để nghỉ dưỡng. Những năm gần đây, người dân các bản sống lân cận hồ đã đầu tư, mở dịch vụ và tăng cường giới thiệu quảng bá để thu hút khách du lịch.

Anh Bùi Quang Được, khách du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết: Tôi thích sự yên tĩnh và không khí trong lành nơi đây. Đến với Hồ Noong U, ngoài việc thưởng thức không khí của núi rừng, du khách có thể trải nghiệm một số hoạt động như: câu cá, tham quan rừng thông bên hồ và tự mình nướng đồ, chuẩn bị bữa ăn nhẹ ngoài trời. Đây là điểm du lịch thú vị song hiện nay dịch vụ chưa phát triển, nhất là dịch vụ lưu trú. Thêm vào đó, hệ thống giao thông còn khó khăn, nhất là đoạn đường từ bản Na Sang 2 (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) đến hồ đã xuống cấp là trở ngại lớn đối với những du khách từ miền xuôi như chúng tôi.

Mường Luân là xã có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhất huyện Điện Biên Đông. Mảnh đất yên bình nằm bên bờ sông Mã là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái và Lào. Nổi bật nhất là Tháp Mường Luân - công trình kiến trúc có giá trị về mặt nghệ thuật cũng như lịch sử. Hình dáng của tháp cùng những nét hoa văn trang trí trên tháp độc đáo không giống tháp nào hiện có ở Việt Nam. Khu tháp cổ Mường Luân là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tổ chức lễ hội trong dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng trên địa bàn. Cùng với việc tham quan tháp cổ, du khách được khám phá nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào, những điệu múa và những món ăn đậm đà bản sắc. Bên cạnh đó, nơi đây còn nổi tiếng với mó nước khoáng và mó nước nóng được thiên nhiên ban tặng. Mó nước khoáng vừa có thể sử dụng như một đồ uống giải khát, vừa có thể sử dụng để tắm trị một số bệnh ngoài da, giúp da sáng và sạch hơn.

Du lịch trên lòng hồ Thủy điện Sông Mã 3 là dịch vụ mới được người dân xã Mường Luân khai thác gần đây. Từ khi nhà máy thủy điện đóng đập tích nước đã tạo nên một vùng lòng hồ rộng lớn, nước trong xanh in bóng những dãy núi đá dựng đứng tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Hồ Thủy điện Sông Mã 3 đã thu hút nhiều lượt người đến tham quan, trải nghiệm. Theo thống kê của UBND xã Mường Luân, năm 2022 hồ Thủy điện Sông Mã 3 đã đón trên 4.000 lượt người đến tham quan, khám phá.

Anh Tòng Văn Ký, người dân bản Pá Vạt 1, xã Mường Luân cho biết: “Các đợt lễ tết, người dân đến đây tham quan, trải nghiệm rất đông. Tôi làm dịch vụ chở khách đi tham quan lòng hồ. Chuyến đi xuất phát từ đập đầu mối ngược dòng đến các bãi bồi bằng phẳng, râm mát để khách dừng chân nghỉ ngơi, khám phá, cắm trại, ăn uống. Mỗi chuyến đi giúp tôi có thêm thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng”.

Du lịch Điện Biên Đông là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh du lịch tổng thể của tỉnh Điện Biên. Chính vì vậy, việc “đánh thức” tiềm năng thành sản phẩm du lịch là mục tiêu của huyện Điện Biên Đông trong những năm gần đây và thời gian tới. Huyện đã đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn đặc trưng của huyện... Đồng thời chú trọng phục dựng, đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các lễ hội truyền thống dân tộc trên địa bàn. Điển hình như: Lễ hội xuân Điện Biên Đông; công bố và chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về tập quán xã hội, tín ngưỡng lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun (xã Chiềng Sơ).

Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức rà soát, đánh giá về thực trạng du lịch của huyện Điện Biên Đông, từ đó lên phương án xây dựng tuyến du lịch TP. Điện Biên Phủ - Điện Biên Đông kết nối với huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Hiện nay, Điện Biên Đông đã và đang xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể để phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch địa phương để thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với huyện, từng bước biến tiềm năng thành những sản phẩm du lịch cụ thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top