Vai trò định hướng, dẫn dắt của công tác quản lý nhà nước về du lịch

16:55 - Thứ Tư, 31/01/2024 Lượt xem: 4403 In bài viết

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được xác định là định hướng chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ðể thực hiện, không thể thiếu vai trò của công tác quản lý nhà nước về du lịch trong việc tạo ra những tác động tích cực, bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, giúp du lịch phát triển hiệu quả, bền vững.

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Thung Nham, tỉnh Ninh Bình.

Thời gian qua, du lịch Việt Nam có những bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Năm 2023, với quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau đại dịch Covid-19, toàn ngành du lịch đã đón 12,5 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa so với chỉ tiêu 8 triệu lượt khách đặt ra từ đầu năm; đồng thời phục vụ 108 triệu lượt khách nội địa, vượt 5,8% so với kế hoạch năm; tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% kế hoạch năm 2023.

Bên cạnh đó, hình ảnh du lịch Việt Nam cũng được nhận diện và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, với hàng loạt giải thưởng quốc tế uy tín, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thứ hạng cao trong đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu. Ðể đạt những thành tựu nêu trên có đóng góp không nhỏ của công tác quản lý nhà nước về du lịch trong năm 2023.

Ðiều này được thể hiện khi lần đầu có hai hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì đã được tổ chức trong một năm, đưa mục tiêu phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững trở thành quyết tâm chung. Một số chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ những rào cản trong phát triển du lịch đã được ban hành, tiêu biểu như: Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững; Nghị quyết 127/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ, các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ về miễn thị thực cho công dân các nước.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Ðề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đến năm 2030; Bộ tiêu chí đánh giá Nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch… Có thể thấy, quản lý nhà nước về du lịch đã thật sự thể hiện được vai trò của mình trong việc định hướng, dẫn dắt sự phát triển du lịch nước nhà.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, trước thực trạng du lịch Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xúc tiến quảng bá…, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động với sự gia tăng áp lực cạnh tranh điểm đến cùng sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng số, thì hoạt động quản lý nhà nước về du lịch cũng đòi hỏi phải có sự đổi mới về phương thức, nhằm phát huy mạnh mẽ hơn việc điều tiết, hướng dẫn, giám sát, giúp du lịch có điều kiện bứt phá.

Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước về du lịch. Theo ông Vinh, đầu tư du lịch là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển, song hiện tại các chính sách đầu tư phát triển du lịch hầu như không có ưu tiên so với các lĩnh vực khác. Phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn nhiều vướng mắc về quy hoạch, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động… Nhiều mô hình kinh doanh mới liên quan du lịch như kinh tế chia sẻ, chia sẻ kỳ nghỉ, kinh doanh condotel... vẫn chưa được quy định chặt chẽ.

Bên cạnh đó, chất lượng các sản phẩm du lịch ở Việt Nam được đánh giá không cao, song tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm hầu như chưa có. Vì thế, việc rà soát hệ thống pháp luật hiện hành về du lịch và xây dựng hướng hoàn thiện hết sức cần thiết. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng lưu ý, trong bối cảnh mới, quản lý nhà nước về du lịch cần nâng cao năng lực dự báo về biến động của đời sống kinh tế-xã hội trong khu vực và thế giới cùng khả năng tác động đến ngành du lịch, từ đó đưa ra gợi ý, định hướng nhằm giảm “sốc” từ những bất lợi của thị trường.

Trình bày báo cáo thực trạng công tác quản lý nhà nước về du lịch của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tại Hội thảo “Triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023”, ông Ngô Hải Dương, Chánh Văn phòng Cục thẳng thắn nhận định: Công tác quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh an toàn cho du khách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh là một trong những hạn chế cần đề cập, nhất là khi hiện tượng người nước ngoài núp bóng hành nghề hướng dẫn viên, doanh nghiệp kinh doanh du lịch không có giấy phép, vi phạm về điều kiện ký quỹ, quảng cáo sai sự thật... vẫn còn diễn ra.

Theo các chuyên gia, muốn đẩy lùi tình trạng này, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa; có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm; đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.

Liên quan công tác xúc tiến, quảng bá vẫn bị cho là điểm yếu của du lịch Việt Nam lâu nay, nhất là ở thị trường quốc tế, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh đề xuất Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng một chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các nội dung: Xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn, uy tín để tuyên truyền, quảng bá tổng thể về du lịch Việt Nam; phối hợp các thương hiệu quốc tế uy tín trong lĩnh vực du lịch để định vị thương hiệu dịch vụ, du lịch Việt Nam theo hướng cao cấp, chất lượng, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao...

Trước thực trạng liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý trung ương và địa phương, giữa khối nhà nước và doanh nghiệp, giữa các thành phần cấu thành như lữ hành-cơ sở lưu trú-khu, điểm du lịch-dịch vụ bổ trợ vẫn chưa đi vào thực chất, dẫn đến các hoạt động phối hợp, hợp tác còn rời rạc, các chuyên gia nhấn mạnh cần đặc biệt chú trọng phát huy hơn nữa vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia và vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn nhằm hình thành các vùng liên kết, động lực tăng trưởng du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng, nhưng tư duy phát triển du lịch kiểu mạnh ai nấy làm vẫn tồn tại, cho nên chưa có được cái “bắt tay” đủ chặt để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, phát huy ưu thế tài nguyên mỗi vùng, mỗi địa phương. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có những quy định pháp lý rõ ràng và khả thi để tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý và phát triển du lịch.

Cùng với đó là đổi mới phương thức quản lý nhà nước về du lịch thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ dựa trên nền tảng dữ liệu đủ mạnh và được chia sẻ, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top