Chắp cánh “ước mơ” học sinh vùng khó khăn

00:00 - Chủ Nhật, 08/02/2015 Lượt xem: 1109 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Nhờ có mô hình Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), những năm gần đây, số học sinh bỏ học ở các trường vùng sâu, vùng xa huyện Điện Biên Đông đã giảm dần, tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập ngày càng được nâng lên rõ rệt. Quan trọng hơn, mô hình bán trú đã tiếp thêm niềm tin và lòng hiếu học của con em các dân tộc vùng cao.

Thực hiện mô hình phổ thông dân tộc bán trú, học sinh Trường PTDTBT THCS xã Chiềng Sơ (Điện Biên Đông) luôn đi học đầy đủ.

Những ngày đầu đông, giá lạnh như cứa vào da thịt, sân trường luôn bị bao phủ bởi sương mù đặc quánh. Nhìn những học sinh người Mông, người Thái... ngồi ngay ngắn trong lớp học trước giờ vào lớp 15 phút, thầy Lưu Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Sa Dung không giấu được niềm vui. Thầy Nam tâm sự: Chỉ cách đây ít năm thôi, mỗi khi đông về hay khi giáp hạt, lớp học thưa vắng học sinh là chuyện “thường ngày” của trường. Song từ năm 2012 trở lại đây, mô hình trường PTDTBT THCS đi vào hoạt động đã giải tỏa nỗi lo thường trực của các thầy cô giáo, bởi thầy cô không còn vất vả trèo đèo lội suối vận động học sinh ra lớp. Xây dựng mô hình bán trú, Trường đã huy động sức mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đóng góp hàng nghìn ngày công, gỗ ván, cát sỏi... của phụ huynh học sinh dựng được 60 mét vuông bếp, 147 mét vuông nhà ở cho học sinh. Cùng bắt tay chăm lo cho con đến trường học chữ nên phụ huynh càng ý thức được tầm quan trọng của việc học, động viên con em đến trường. Có chỗ ở, có tiền, gạo hỗ trợ, Trường tổ chức nấu ăn cho trên 500 học sinh đảm bảo khẩu phần ăn và đủ chất dinh dưỡng. Để công việc tổ chức ăn uống và sinh hoạt tại khu bán trú được khoa học và hiệu quả, Trường thành lập các Ban: Quản sinh, học tập, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, cấp dưỡng, tăng gia sản xuất, nhằm quản lý các em hằng ngày, hướng dẫn các em ăn ở vệ sinh, đoàn kết. Trường chú trọng vào tổ chức cho học sinh tăng gia trồng rau, nuôi lợn gà phục vụ bữa ăn hàng ngày và rèn các em biết yêu lao động, thành quả mình làm ra. Niềm vui lớn hơn hết đến với các thầy cô nơi đây từ năm học 2012 đến nay, học sinh bán trú của trường ở các bản xa, đặc biệt khó khăn không có trường hợp bỏ học, nghỉ học giữa chừng.

Dừng tay tưới rau, em Chá Thị Mỷ, Lầu A Dương, bản Sa Dung A vui vẻ trả lời chúng tôi: Trước đây đi học, hàng ngày em phải dậy từ 4 rưỡi sáng, vượt qua một chặng đường dài, qua 1 con suối nước chảy xiết. Từ khi có khu bán trú, chúng em không phải lo dậy sớm nữa. Ban đầu nhớ nhà nhưng được các thầy, cô giáo quan tâm, lại đông bạn bè, được học, chơi vui lắm!

Đến trường PTDTBT tiểu học xã Phình Giàng vào ngày gần cuối năm, chứng kiến giờ học bài của các em trong phòng học bình dị, đơn sơ mới thấm thía biết chừng nào ý nghĩa, hiệu quả các chính sách của Nhà nước hỗ trợ học sinh bán trú và mô hình trường PTDTBT. Đây chính là sự hỗ trợ thiết thực nhằm giảm thiểu cảnh học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số hàng ngày phải vượt đường xa, đèo dốc, lội sông suối để tới trường. Tuy học học sinh còn nhỏ nhưng Trường vẫn tổ chức tăng gia trồng rau xanh không những đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho 133 em bán trú mà còn có rau bán lấy tiền mua đồ dùng học tập và trang thiết bị hệ thống tưới rau, nuôi gà lợn.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông chăm sóc vườn rau.

Trong phòng bán trú, cô học sinh lớp 4 Lò Thị Xuyên, dân tộc Khơ Mú ở bản Cảnh Lay vẫn còn bỡ ngỡ với việc tự sắp xếp tư trang cá nhân, vì đây là năm đầu tiên các em từ điểm trường Cảnh Lay về học bán trú. Được biết, nhà em Lò Thị Xuyên cách trường 9km, đầu năm học, bố mẹ em nói nếu không được ở bán trú em phải tự đi bộ đến trường, không học được thì thôi vì bố mẹ không có thời gian đưa đón. Khi được ra Trường trung tâm nhập học, bố mẹ em Xuyên thấy trường lớp khang trang, chỗ ở sạch đẹp, lại được nhà trường nấu cơm cho ăn nên rất vui và yên tâm. Khi được hỏi ở bán trú có vui, nhớ nhà không, Xuyên bẽn lẽn trả lời: Rất vui ạ, lúc đầu em cũng thấy nhớ nhà nhiều, nhưng nay quen bạn, quen cô cũng đỡ nhớ hơn. Ở đây, em được học cả 2 buổi, tối có thời gian học nhiều hơn, bài nào không hiểu có thể hỏi các bạn hoặc các anh chị lớp trên, vì vậy em rất thích học.

Thực tế cho thấy, mô hình trường PTDTBT thực sự đã giải quyết được những khó khăn cho học sinh ở các thôn, bản xa trường để có điều kiện theo học cao hơn. Xác định được điều đó, ngay sau khi có Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế hoạt động của trường PTDTBT, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi trường tiểu học, THCS thành trường PTDTBT. Ông Cù Huy Hoàn, Trưởng phòng GD - ĐT huyện - người đã dồn tâm huyết cho sự thành công mô hình bán trú của huyện, chia sẻ: Thực hiện mô hình bán trú, ngành giáo dục - đào tạo đã tích cực tham mưu, đề xuất với UBND huyện huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, như: phòng ở cho học sinh, tu sửa, nâng cấp trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên. Vận động phụ huynh học sinh đóng góp công sức và vật liệu để dựng nhà bếp, nhà ăn... Sau một thời gian tích cực thực hiện, đến năm học 2013 - 2014, toàn huyện đã có 16 trường THCS, tiểu học chuyển đổi thành trường PTDTBT. Năm học 2014 - 2015, huyện chuyển đổi thêm 5 trường tiểu học thành trường PTDTBT tiểu học, nâng lên tổng số 5.190 học sinh bán trú. Các khoản tiền hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg dành cho học sinh bán trú và trường PTDTBT, hỗ trợ trẻ mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg... được Phòng triển khai nhanh chóng. Tính trung bình, mỗi tháng các em học sinh bán trú được hỗ trợ 460.000 đồng, 15kg gạo... Như vậy, cơ bản các em được đảm bảo hầu hết điều kiện học tập và nhu cầu cuộc sống.

Mô hình Trường PTDTBT như một luồng gió mới “chắp cánh” cho con chữ đến với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của huyện Điện Biên Đông. Từ mô hình này đã tạo được niềm tin của đồng bào các dân tộc vào chính sách ưu việt cho giáo dục đào tạo được thực hiện hiệu quả tại địa phương.

Kiên Cường
Bình luận
Back To Top