Thành tựu tạo thành bởi tâm huyết

00:00 - Thứ Năm, 12/02/2015 Lượt xem: 1170 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Ngành Giáo dục – Đào tạo Điện Biên có được thành tựu như ngày hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà giáo. Dù tuổi đời, tuổi nghề khác nhau, nhưng họ có chung lòng nhiệt huyết, tận tụy với nghề. Từ những gian nan vất vả bám lớp, bám bản của đội ngũ giáo viên, đã có bao thế hệ học sinh trưởng thành góp sức xây dựng quê hương, đất nước…

Năm 2014, ngành Giáo dục – Đào tạo Điện Biên vinh dự có 2 người được Nhà nước công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú là thầy Đỗ Khắc Phượng, giáo viên môn Địa lý, Trường PTDTNT tỉnh và cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên môn lịch sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Điện Biên Phủ.

Nhà giáo ưu tú Đỗ Khắc Phượng, người 34 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Điện Biên. Ảnh: HẢI YẾN

Bên thềm năm mới, chúng tôi có cuộc làm việc với Nhà giáo ưu tú Đỗ Khắc Phượng, người có 34 năm gắn bó với sự nghiệp “phấn trắng, bảng đen”. Qua câu chuyện được biết, năm 1980, thầy giáo Đỗ Khắc Phượng ra trường lên công tác tại miền núi Lai Châu (nay là Điện Biên) và được Ty Giáo dục Lai Châu phân công về giảng dạy tại Trường Bồi dưỡng giáo viên ở Tuần Giáo (sau sáp nhập thành Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên). Đến năm 1983 thầy Phượng chuyển công tác về Trường cấp III, huyện Điện Biên (nay là Trường THPT TP. Điện Biên Phủ), rồi được "cất nhắc" lên làm chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh. Đến năm 2004, thầy tình nguyện làm đơn xin lãnh đạo Sở trở lại trường dạy học. “Tôi biết, quay lại trường dạy học là vất vả, nhưng thú thật, tôi rất nhớ trường và nhớ học sinh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi tự thấy mình hợp với cương vị người thầy đứng lớp." - thầy Phượng chia sẻ.

Trong những năm thầy dạy học, có rất nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành. Cùng với đó, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý do thầy Phượng đảm nhiệm bồi dưỡng, rèn luyện mùa thi nào tham gia cũng có giải. Điển hình năm 2003, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý do thầy phụ trách có 8 học sinh tham dự thì 7 em đoạt giải.

Trong những năm tháng gian nan của thập niên 80, thế kỷ XX, cô giáo Mai Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Sá Tổng, huyện Mường Chà từ Thanh Hóa ngược ngàn lên Tây Bắc. Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. Thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã 30 năm cô gắn bó với nghề dạy học. Cô Hoa kể: Năm 1987, cô nhận công tác tại Trường Tiểu học Sá Tổng, huyện Mường Lay cũ (nay là Mường Chà) và gắn bó với Trường đến nay. Ngần ấy năm công tác, cô luôn là giáo viên dạy giỏi của Trường Tiểu học số 2 Sá Tổng, chất lượng học sinh lớp 5 do cô phụ trách luôn dẫn đầu khối. Bên cạnh đó, cô luôn giúp đỡ những giáo viên trẻ về chuyên môn, cách rèn học sinh để nâng cao chất lượng. Đến nay, qua nhiều thế hệ học trò, cô thuộc nhiều cái tên, từng cá tính, nhiều học trò của cô đã thành đạt. Thậm chí, cô dạy học cho cả đời cha, đời con và đời cháu… của nhiều gia đình dân tộc Mông ở Sá Tổng. Cũng chính vì có nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, năm học 2006 – 2007 cô Mai Thị Hoa được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Không riêng những thầy cô giáo của những thế hệ trước mà nay những thầy, cô giáo trẻ hiện đang công tác tại Trường PTDTBT – Tiểu học Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé cũng đang cống hiến sức trẻ và lòng nhiệt huyết tận tụy với nghề.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Trường PTDTBT - Tiểu học Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé trong giờ dạy tiếng Việt tại lớp 5A1.

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng (quê Thái Bình), chia sẻ: Năm 2011 em ra trường nhận quyết định vào công tác tại Trường PTDTBT – Tiểu học Leng Su Sìn cho tới nay. Ngày đầu lên đây công tác, em tưởng mình không trụ lại được, vì đường sá vất vả, điều kiện sống quá khó khăn. Nhưng sau một thời gian công tác, em tìm thấy niềm vui trong công việc. Các em học sinh nơi đây rất ngoan ngoãn, chăm chỉ và quý mến thầy cô. Đặc biệt là sự chia sẻ giúp đỡ của những đồng nghiệp đi trước, nên em đã quên đi nỗi nhớ nhà. Đến nay, dù thời gian công tác tại trường chưa nhiều, nhưng em đã xác định Điện Biên chính là quê hương thứ 2, để gắn bó cuộc đời và sự nghiệp.

Trong 3 năm công tác tại Trường PTDTBT – Tiểu học Leng Su Sìn, cô Phượng luôn tận tụy với nghề và là giáo viên dạy giỏi các cấp, tổ trưởng chuyên môn khối 4. Đặc biệt, cô Phượng còn là giáo viên cốt cán của trường chuyên dạy các chuyên đề khó, tìm tòi những phương pháp mới để dạy học phù hợp với điều kiện, học sinh của trường nhằm nâng cao chất lượng; được ban giám hiệu nhà trường đánh giá giáo viên có nhiệt huyết và nhiều triển vọng.

Một năm nữa lại qua đi, năm mới đã đến, từ thành thị đến các bản làng xa xôi đều in bóng dáng những thầy, cô giáo. Họ đang miệt mài cống hiến kinh nghiệm, tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết, tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu. Mùa xuân này, chúng tôi thầm cầu chúc cho các thầy, cô giáo luôn đạt được nhiều thành quả trong mỗi bài giảng và mỗi bước đi trên con đường sự nghiệp của mình.

Hoàng Châu
Bình luận
Back To Top