Mong ước đầu năm

00:00 - Thứ Bảy, 07/03/2015 Lượt xem: 1312 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Với giáo viên ở miền xuôi, sau dịp nghỉ tết hay kết thúc một năm học, không phải lo việc “tìm” học sinh quay lại trường lớp. Nhưng với thầy cô giáo vùng cao, nhất là những miền biên giới, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì chuyện đó lại có thừa, họ lo học sinh không đến trường, lớp. Song đã chấp nhận gắn bó với bản làng, học sinh nên họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân và chỉ mong sao sau tết học sinh lại đến trường đầy đủ, thầy cô không phải chịu cảnh đi tìm học trò trở lại lớp. 

Duyên nghề nghiệp cho tôi đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người dân các bản làng trên địa bàn tỉnh, đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng, cảm xúc khác nhau. Nhưng chuyến công tác đầu năm mới 2015 vừa qua đến các điểm bản, được gặp gỡ các thầy, cô giáo, học sinh khiến tôi thấy đặc biệt xúc động và cảm thấy ý nghĩa biết bao. Xúc động, bởi những chia sẻ về tâm tư tình cảm của các thầy, cô giáo nhiều năm xa gia đình, chồng con... và một phần vì những tình cảm các cô, các thầy đã dành cho các em học sinh như con đẻ của mình.

Gần 10 năm “trồng người” tại điểm trường Huổi Nôm, xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo, cô Hương chưa một lần về quê ăn tết, nghỉ hè.

Với giáo viên vùng cao hầu như họ không biết đến thưởng tết là gì, mà quà tết của họ dành cho gia đình có chăng chỉ là quả bầu, quả bí, được bà con dân bản tặng. Song không vì thế mà các cô, các thầy lại bớt đi sự quan tâm, yêu thương các em học sinh, ngược lại họ càng quý trọng tình cảm chân thành của bà con, học sinh dành cho mình. Chính vì vậy, ước mơ của những người ngược ngàn gieo chữ cũng thật giản dị - họ mong sao cho sau tết, học sinh của mình đến lớp đầy đủ, thế là hạnh phúc rồi. Như vậy, giáo viên không phải trèo đèo, lội suối đến tận từng gia đình vận động học sinh trở lại trường. Với mỗi thầy cô giáo, việc học sinh bỏ trường, lớp cũng không ảnh hưởng nhiều nhưng vì đã trót yêu nghề, yêu học sinh vùng cao, không muốn thấy các em ở độ tuổi ăn học mà phải theo bố mẹ lên nương phụ giúp gia đình. Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Lò Văn Kim, có 10 năm công tác điểm trường Tiểu học Tả Ló San, bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé chia sẻ: Những năm đầu khi mới vào nhận công tác tại điểm trường Tả Ló San, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thời điểm đó cả bản chỉ có vài học sinh được đến trường, lớp. Tết năm đầu tiên từ khi vào nhận công tác, mình tranh thủ về nhà thăm gia đình, nhưng ngày đến lớp đầu năm mới đợi mãi không thấy học sinh nào đến lớp. Mọi người nói mới biết, học sinh nơi đây sau mỗi dịp nghỉ tết thường nghỉ học luôn để theo bố mẹ lên nương hoặc ở nhà trông em. “Năm đó, để có học sinh đến trường, mình phải mất mấy ngày để đến từng nhà các em học sinh vận động bố mẹ cho các em đến trường lớp. Đồng thời để “dụ” được các em đến lớp mình phải đi nương làm giúp bố mẹ các em hay phải mất cả ngày trời để thuyết phục bố mẹ các em”, thầy Kim tâm sự.

Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống, điều kiện học tập của các em học sinh vùng cao, vùng biên giới đã được cải thiện đáng kể. Thế nhưng, chuyện tới trường của học sinh vẫn dễ bị “đứt gánh” trước những tác động khách quan. Thế mới có chuyện, rất nhiều giáo viên vùng cao về xuôi ăn tết đã tranh thủ lên sớm để thuyết phục các em quay trở lại trường lớp. Hay nhiều giáo viên đã gom quần áo cũ trong gia đình, của người thân lên tặng cho học sinh. Tuy là những món quà giản đơn nhưng đầy ý nghĩa để động viên học sinh đến lớp sau chuỗi ngày dài nghỉ tết. Còn với một số thầy, cô giáo thì khi buổi học cuối cùng trước khi nghỉ tết âm lịch, cô giáo phải “dụ” các em ra tết nhớ phải đi học đầy đủ vì cô mang bánh kẹo đến liên hoan. Cô giáo Trần Thị Thi có 5 năm công tác tại bản Long San, xã Sen Thượng, tâm sự: “Nhớ lại năm ngoái, buổi học đầu tiên sau nghỉ tết, vì thương các em nhà nghèo không có bánh kẹo nên mình đã mang từ quê lên phát cho học sinh. Nhưng vừa phát xong quay đi quay lại thì đã không còn cái nào nữa. Nhìn các em học sinh chia đôi, chia ba cái kẹo, cái bánh cho bạn bè, mình thấy vui lắm”. Gắn bó với học sinh nơi đây, cô Thi rút ra cho mình phương châm sống: Sống là để cho đi chứ không mong nhận lại. Thực tế, 4 năm giảng dạy tại trường, cô Thi chưa bao giờ được nhận một quà gì từ học sinh, có chăng chỉ là củ khoai, củ sắn bố mẹ các em đi nương mang về.

Cũng chỉ vì quá thương học sinh vùng cao phải chịu nhiều thiệt thòi, nên nhiều thầy cô giáo đã quyết tâm gắn trọn cuộc đời mình với các em, thậm chí cả sự nghiệp “cầm phấn đứng bảng” hay các dịp nghỉ hè, tết các cô, các thầy cũng không về quê, cho dù gia đình vẫn còn ở quê. Một trong những tấm gương điển hình - cô giáo Ngô Thị Hương, giáo viên bản Huổi Nôm, xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo. Nói về cô Hương, đồng nghiệp của cô vẫn thường gọi cô là người con của bản, còn với Trưởng bản Huổi Nôm - Lý A Lâu cùng dân bản thì luôn coi cô như người trong gia đình. Tâm sự với chúng tôi, cô Hương cho biết: Khi mới lên mình nhớ nhà lắm. Thế rồi, sau 8 năm gieo con chữ nơi này, cuộc đời mình đã gắn với bản làng tự lúc nào không hay. Cô bảo, giờ đây học sinh đang quen với mình, ăn ngủ cùng mình, giờ mình về nghỉ tết, hè, khi quay lại sợ học sinh lại quên mất mình, mà các em nhỏ vùng cao khi thấy người lạ rất khép nép, e dè. Chính vì vậy, nhiều lần có các thầy, cô giáo mới luân chuyển đến nhưng các em học sinh đều không theo, cuối cùng đành phải quay trở về. Qua 8 năm bám bản, đến nay cô đã vận động 100% học sinh từ 3 – 5 tuổi tới lớp. Ngày ngày, kết thúc buổi học, cô lại cùng các em đi đào sắn, nhặt rau rừng về chuẩn bị bữa ăn, mọi việc tắm, giặt, nấu ăn… cho gần 40 em học sinh đều một tay cô lo hết, bởi bố mẹ các em làm ở nương xa, sáng đi tối mới về. Cuộc sống dù khó khăn vất vả nhưng với cô Ngô Thị Hương, đó là niềm vui mang lại hạnh phúc và là nghị lực để cô tiếp tục bám bản “trồng người”.

Bước sang năm mới, các thầy cô chỉ biết mong sao cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khá hơn, cái đói nghèo dần lùi xa để họ có điều kiện chú trọng đến việc học tập của con em mình; để sau mỗi dịp tết hay nghỉ hè, khi các thầy cô giáo quay trở lại vẫn nhìn thấy những nụ cười thơ ngây, hồn nhiên của trẻ thơ; để không còn cảnh phải trèo đèo lội suối đến từng nhà vận động các em học sinh tới trường, lớp.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top