Cô giáo Hà Nhì “cắm” bản dạy chữ

00:00 - Thứ Tư, 20/01/2016 Lượt xem: 2018 In bài viết
ĐBP - “Vẫn biết cuộc sống của giáo viên “cắm bản” còn nhiều gian khó, nhưng tôi nguyện mang con chữ đến với học trò vùng cao” - đó là chia sẻ của cô giáo Toán Khừ Só (dân tộc Hà Nhì) giáo viên điểm trường bản Nậm Sin (Trường Mầm non Chung Chải), xã Chung Chải, huyện Mường Nhé...

Một sớm ngày đông, cơn mưa phùn bất chợt làm cho con đường đất dài chưa đầy 20km từ trung tâm xã Chung Chải vào Điểm trường Nậm Sin - nơi cô giáo Toán Khừ Só đang dạy học dường như gian khó gấp bội phần; chúng tôi phải đi mất hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua nào là ổ trâu, ổ gà, lổn nhổn khó đi mới vào đến nơi. Vừa đặt chân đến lớp, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Toán Khừ Só là đôi mắt ân cần chăm sóc học trò và nụ cười luôn nở trên môi... Cô sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tả Ko Khừ (xã Sín Thầu).

Giờ học hát của cô Toán Khừ Só và học trò Nậm Sin.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, cô về nhận công tác tại Trường Mầm non xã Chung Chải. Chuyện cô trở thành giáo viên đã trở thành niềm tự hào không chỉ riêng của gia đình mà còn của cả bản. 4 năm gắn bó với nghiệp “trồng người” cũng là 4 năm cô kiên trì “cắm” bản, bám trường, bám lớp miệt mài gieo con chữ ươm mầm cho trẻ em vùng cao. Trong phòng học nhỏ, nhớ lại những ngày đầu “gieo chữ”, cô Toán Khừ Só, bộc bạch: Ngày ấy, sau khi nhận công tác tôi được phân công về dạy ở điểm trường Pá Lùng - bản nằm cheo leo trên đỉnh núi, cách trung tâm mấy chục cây số. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất với tôi, nhiều hôm chỉ có một mình ở lại tập thể trong căn phòng bé xíu, cái gì cũng thiếu, điện không, nước không… Để có nước sinh hoạt, hàng ngày tôi và đồng nghiệp phải đi bộ vào tận khe núi mới gánh được. Những ngày ở lại trường, tôi sợ nhất là buổi tối phải thui thủi trong ngôi nhà mái lá một mình, buồn lắm!.

Gian khó là vậy, nhưng với sức trẻ, sự nhiệt huyết của tuổi 20 với bao ước mơ, hoài bão, vượt lên trên tất cả, cô đã kiên trì bám trường, bám lớp... “Cùng ăn, cùng ở và cùng nói tiếng dân tộc” để hiểu hơn về cuộc sống bà con nơi đây. Là người con của núi rừng nên cô Toán Khừ Só thấu hiểu sự học ở vùng cao gian khó, nhọc nhằn đến nhường nào; đặc biệt ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh nhận thức về việc học của phụ huynh chưa cao nên vận động học sinh đến lớp gặp nhiều khó khăn. Để mang cái chữ đến cho học sinh vùng cao, ngoài vận động học sinh ra lớp, cô Só luôn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp, quan tâm động viên các em không bỏ học, tìm cách truyền “đam mê” con chữ cho học trò qua mỗi bài giảng. Những hôm trời mưa, cô phải xuống từng bản, từng hộ gia đình vận động và đưa các em ra lớp. Ở Nậm Sin đa phần trẻ nhỏ là con em dân tộc Si La (dân tộc rất ít người); cuộc sống của bà con nơi đây quanh năm chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa... nhiều hộ thuộc diện nghèo không mấy thiết tha với việc con em ra lớp. Bởi vậy để đảm bảo sỹ số học sinh ra lớp là cả nỗ lực và tâm huyết của cô Só.

Để có những bài giảng hay và phù hợp với học sinh, cô Só luôn tìm tòi, sáng tạo, tổ chức những tiết học thật sinh động và gần gũi với cuộc sống ở vùng núi cao. Khó khăn hơn là điều kiện cơ sở vật chất, đồ chơi, đồ dùng dạy học còn nhiều thiếu thốn, cô phải tự làm thêm những con búp bê ngộ nghĩnh, ô tô, tàu hỏa… bằng các vật liệu sẵn có như rơm rạ, lõi ngô, râu ngô, bẹ ngô...

Chia tay Nậm Sin trong tiếng hát líu lo của trẻ... chúng tôi cảm thấy thật khâm phục ý chí và nghị lực, sự hy sinh thầm lặng của cô giáo Toán Khừ Só, người gánh vác trên vai trọng trách nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang - “trồng người” nơi địa đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top