Quan tâm khả năng tìm việc của người học

00:00 - Chủ Nhật, 21/02/2016 Lượt xem: 2305 In bài viết
Theo quy định tại Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng phải hoàn thành việc xác định, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 căn cứ trên 2 tiêu chí: tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo khối ngành và diện tích sàn xây dựng/sinh viên.

Quy định này được ban hành với ý khá tích cực là đảm bảo chất lượng đào tạo, song cũng gây khá nhiều khó khăn cho các trường, do chưa đủ thời gian để tăng diện tích sàn sử dụng và số lượng giảng viên. Và rồi các trường đã bắt đầu dùng đến cách mới, đó là chia tách các ngành học.

Việc các trường chia tách các ngành học là điều có thể hiểu được, vì nếu không, các trường sẽ phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh khá nhiều, và điều này sẽ là một thách thức lớn cho sự tồn tại của các trường. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, phần lớn các trường đều vận hành dựa vào nguồn thu học phí của người học, bởi các trường chưa có khả năng chuyển giao công nghệ, sáng chế hay huy động các nguồn tài trợ từ cựu sinh viên hay doanh nghiệp. Do đó, khi giảm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì không đủ kinh phí hoạt động. Thế nhưng, việc các trường chia tách ngành học ra thành nhiều ngành hẹp để không làm giảm quá nhiều chỉ tiêu tuyển sinh tuy giúp cho trường không bị thiếu hụt nguồn tài chính để vận hành, nhưng có thể sẽ gây hệ quả không tốt cho người học. Khi theo học các ngành quá hẹp, điều dễ nhận thấy là khả năng tìm việc sau này của người học cũng bị giới hạn theo, đây là thiệt thòi lớn cho người học. Tất nhiên khả năng tìm được việc làm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm, các mối quan hệ xã hội, nhưng cũng không thể không nói đến yếu tố ngành học, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất tác động đến khả năng tìm kiếm được việc làm của cá nhân.

Do đó, điều cần phải làm là tư vấn chọn ngành học cho các học sinh chuẩn bị thi vào các trường đại học trong thời gian sắp tới. Các nhà tư vấn, đặc biệt là các giáo viên nên phân tích thật kỹ cho học sinh về khả năng, biên độ ứng dụng của các ngành học, để các em có thể chọn được một ngành có khả năng ứng dụng rộng rãi, nhằm tránh tình trạng phải vất vả xin việc sau khi ra trường. Khi chia tách các ngành, các trường đại học cũng phải chú ý đến khả năng tìm việc sau này của các sinh viên, tránh việc chỉ nghĩ đến lợi ích của trường mà bỏ qua lợi ích của người học.

Thạc sĩ LÊ MINH TIẾN

(Đại học Mở TPHCM)

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top