Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học

00:00 - Chủ Nhật, 06/03/2016 Lượt xem: 1974 In bài viết
Năm 2016, tiếp tục vận dụng quyền tự chủ tuyển sinh, các trường đại học (ĐH) đã có những đổi mới tích cực trong công tác tổ chức thi với nhiều hình thức tuyển sinh phong phú, linh hoạt bên cạnh dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đây cũng là bước chuyển để các trường tiến tới tuyển sinh riêng trong tương lai.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ hồ sơ tuyển sinh để tránh sai sót có thể xảy ra.

Không còn "một mình một ngựa"

Năm nay, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là một trong 5 trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển. Ông Đỗ Hồng Cường, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho rằng, việc sử dụng kết quả của kỳ thi này sẽ tăng cường tính liên thông, liên kết với các trường ĐH trong tuyển sinh và đào tạo.

Bốn trường còn lại cũng sử dụng phương thức trên là Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định. Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định xét tuyển mới 1.000 chỉ tiêu ĐH, trong đó sẽ có 50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 40% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (của thí sinh tốt nghiệp) và 10% dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào tối thiểu theo quy chế tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Như vậy, nếu ở kỳ thi năm ngoái, ĐH Quốc gia "một mình một ngựa" thì năm nay, với sự có mặt của 5 trường kể trên, cùng 7 trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, sẽ hình thành một nhóm trường dùng chung một phương thức xét tuyển. Hình thức tuyển sinh theo nhóm như vậy đã được lưu ý trong quy định của quy chế tuyển sinh. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ, các trường thành viên của ĐH Quốc gia, ĐH vùng xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của nhóm. Ngoài ra, đề án cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các trường trong nhóm; phương thức đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các trường trong nhóm.

Liên quan đến quyền lợi của thí sinh, dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 của Bộ nêu rõ, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường xét tuyển theo nhóm trường, số ngành đăng ký tối đa trong mỗi đợt xét tuyển thực hiện theo quy định chung. Mặc dù số trường sử dụng hình thức xét tuyển này còn khiêm tốn song rõ ràng những ưu thế của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia đã được khẳng định và chia sẻ.

Tuy đề thi của trường được sử dụng nhiều hơn, nhưng lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội lưu ý thí sinh rằng nhà trường sẽ không công bố đáp án các câu hỏi trong đề thi. Điều này được coi là thực hiện đúng thông lệ kỳ thi đánh giá năng lực quốc tế. Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khuyến cáo thí sinh không nên công khai câu hỏi đã dự thi trong kỳ thi này.

Bởi, việc thí sinh nhớ không chính xác nên câu hỏi có thể bị sai lệch. Điều này có thể khiến xã hội có cách đánh giá không đúng về bộ đề. Bên cạnh đó, câu hỏi tách ra khỏi tổng thể có thể khiến người không tham gia vào việc xây dựng câu hỏi hiểu không đúng. Do vậy, nhà trường sẽ phải loại các câu hỏi đó ra khỏi bộ đề dù việc đó là vô cùng lãng phí.

Trường công an, quân đội: Yêu cầu cao

Các khối trường công an, quân đội cũng có những quy định riêng bên cạnh Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Khối trường quân đội, đối với các nam thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân xuất ngũ) số lượng đăng ký dự tuyển không hạn chế. Đối với các nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân, sẽ chỉ tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y; quan hệ quốc tế về quốc phòng và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự; các ngành: Kỹ sư quân sự chuyên ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông tại Học viện Kỹ thuật quân sự.

Do mỗi trường thuộc khối quân đội có các tiêu chuẩn khác nhau, nhất là về sức khỏe, nên để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển, Ban Tuyển sinh quân sự yêu cầu thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và xét tuyển nguyện vọng 1 (đợt 1) vào một trường quân đội ngay từ khi sơ tuyển, tức là trước khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

Ở khối trường công an, chỉ tiêu cho nữ vào các trường công an được quy định với tỷ lệ từ 10% đến 15% tổng chỉ tiêu của từng trường, theo từng ngành học. Tuy nhiên, các trường không hạn chế tỷ lệ nữ vòng sơ tuyển, đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, trung cấp. Các trường công an cũng đưa ra những quy định chặt chẽ về quá trình học tập bậc THPT. Theo đó, trong các năm học THPT, thí sinh phải đạt học lực trung bình trở lên theo kết luận tại học bạ, các trường công an không sơ tuyển học sinh lưu ban trong các năm học THPT và tương đương. Tuy nhiên, thí sinh thi được khuyến cáo nếu có học lực giỏi và kết quả kỳ thi THPT đạt loại khá trở lên thì mới nên dự tuyển.

Kỳ thi trước, nhiều thí sinh khối ngành công an đã gặp rắc rối khi thi đỗ nhưng không được nhập học do những quy định đặc thù về hồ sơ, lý lịch của ngành. Để khắc phục, năm nay, Bộ Công an dự kiến ban hành một số quy định mới liên quan tới việc thẩm tra lý lịch của thí sinh dự tuyển, với chủ trương không hậu kiểm lý lịch, các đơn vị công an địa phương phải có kết luận thí sinh đã đủ điều kiện lý lịch rồi mới nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, tránh tình trạng đủ điểm mà vẫn trượt vì lý lịch.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top