Hội thi “Tiếng hát người giáo viên” lần thứ VII, năm 2016

Yêu đời và yêu nghề hơn

00:00 - Thứ Sáu, 01/04/2016 Lượt xem: 2267 In bài viết
Theo dõi suốt quá trình diễn ra Hội thi, chúng tôi cảm nhận được “sức nóng” bên trong hội trường với những tiếng vỗ tay, reo hò của hàng trăm khán giả qua từng tiết mục. Ở mỗi thể loại dù ca, múa hay nhạc, dưới sự “nhào nặn” của các diễn viên không chuyên, đều để lại nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng khán giả và Ban Giám khảo.

Cùng gia đình đi xem Hội thi “Tiếng hát người giáo viên”, bà Hoàng Thị Duyên, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, hào hứng nói: Trước đây tôi cũng từng đứng trên bục giảng, tham gia nhiều chương trình văn nghệ của ngành. Giờ khi đã nghỉ hưu nhưng niềm đam mê ca hát vẫn luôn thường trực trong tôi. Vì thế mà hội thi “Tiếng hát người giáo viên” mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Cách đây 3 năm, khi đó là Hội thi “Tiếng hát người giáo viên” lần thứ VI (năm 2013), tôi đã không bỏ ngày nào. Còn với chị Vũ Thị Thơ, ở tổ dân phố 4, phường Tân Thanh. TP. Điện Biên Phủ, đến xem và cổ vũ hội thi không chỉ để thỏa sự đam mê nghệ thuật mà còn muốn xem điệu múa, những bản tình ca mang hơi thở đậm chất vùng quê Tây Bắc. Chị Thơ chia sẻ: Do đặc thù công việc nên buổi tối mới đến xem được. Dù không theo dõi hết các đoàn tham gia biểu diễn song tôi thấy ở tất cả các tiết mục đều có sự chuẩn bị công phu từ trang phục, đạo cụ cho đến cách thể hiện... qua đó tạo hứng khởi cho người xem.

Tiết mục “Hào khí Việt Nam” của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo.

Ba năm một lần, những người công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh lại có dịp hội ngộ cùng trổ tài trong Hội thi “Tiếng hát người giáo viên” do ngành tổ chức. Đây không chỉ là sân khấu lớn mà còn như “ngôi nhà chung” để mỗi cán bộ, giáo viên tâm sự, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và cả kỷ niệm những năm tháng gắn bó với nghề...

Hội thi “Tiếng hát người giáo viên” ngành Giáo dục và Đào tạo năm nay quy tụ gần 1.000 “diễn viên” không chuyên đến từ 46 đơn vị với 240 tiết mục. Đây là dịp hội ngộ, là thời gian để các thầy cô giáo sau những giờ trên bục giảng hóa thân thành những nghệ sỹ trên sân khấu, “cháy” hết mình trong những điệu múa, ca khúc, bản nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc. Thành công của Hội thi đã để lại những ấn tượng và ý nghĩa tốt đẹp trong cán bộ, giáo viên toàn tỉnh nói chung và người tham gia nói riêng. Cô Cao Thị Giang, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa vui mừng, nói: “Qua cuộc thi này mình có điều kiện được giao lưu, học hỏi  kinh nghiệm từ các đơn vị bạn để nâng cao khả năng của bản thân. Từ văn nghệ mà yêu đời, yêu nghề hơn. Mình nghĩ sau cuộc thi này, các thầy, cô sẽ có thêm động lực để trau dồi chuyên môn và công tác tốt”. Còn với thầy Nguyễn Danh Hỷ, Trường PTDTBT THCS Tìa Dình, xã Tìa Dình huyện Điện Biên Đông, hội thi năm nay không chỉ là dịp để mỗi thầy cô có thời gian được giao lưu, chia sẻ về đời sống mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ ở nhà trường. “Ngay từ khi có kế hoạch tổ chức Hội thi, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tạo điều kiện, tuyển chọn những giáo viên có năng khiếu về văn nghệ tham gia. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, động viên tinh thần cán bộ, giáo viên, qua đó góp phần làm nên thành công của đoàn tại hội thi năm nay” - thầy Hỷ chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban Tổ chức Hội thi đánh giá: Hội thi “Tiếng hát người giáo viên” năm nay được tổ chức với quy mô lớn. Hầu hết tiết mục được các đơn vị đầu tư công phu về nội dung, cấu trúc, chương trình, kỹ thuật biểu diễn... Mỗi đơn vị có sắc màu, phong cách riêng song đã thổi bùng lên được ngọn lửa của tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy giá trị truyền thống về lịch sử, văn hóa, chủ quyền dân tộc. Bên cạnh đó, Hội thi đã quy tụ nhiều gương mặt mới, năng khiếu, nhiều giọng ca đẹp, triển vọng. Các tác phẩm múa dân tộc Dao, Khơ Mú, Mông, Thái được khai thác độc đáo, hấp dẫn mang đậm hơi thở vùng Tây Bắc; một số tiết mục mục nhạc cụ được lấy ý tưởng từ những vật dụng gần gũi, giản đơn trong cuộc sống nhưng đầy tính sáng tạo, có sức lôi cuốn. Tiêu biểu như tiết mục của các đơn vị: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Trường Cao đẳng Sư phạm... Trong tổng số 240 tiết mục, có 175 tiết mục đoạt giải, trong đó: 28 giải A, 115 giải B, 28 giải C và 4 giải D. Đoàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên giành giải nhất toàn đoàn khối các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị, thành phố; Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên giành giải nhất khối các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Kết thúc Hội thi, những nghệ sỹ không chuyên lại trở về với phấn trắng bảng đen và những học trò yêu quý. Tin rằng, ở cương vị nào chăng nữa, các thầy cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “người giáo viên nhân dân”.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top