Xu hướng đào tạo thầy thuốc hiện nay

00:00 - Thứ Ba, 05/04/2016 Lượt xem: 2359 In bài viết
Hệ thống các cơ sở đào tạo những người làm công việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân có vai trò rất quan trọng. Trong xu thế hội nhập và ngày càng phát triển, hệ thống đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận và có những điều chỉnh phù hợp. Có như vậy mới đúng tinh thần Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu: Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

Về tổng thể, có thể thấy rõ đào tạo thầy thuốc được chia thành hai giai đoạn: Đào tạo đại học (cấp bằng bác sĩ) và đào tạo sau đại học (đào tạo nghề, cấp chứng chỉ hành nghề). Thời gian đào tạo đại học khác nhau tùy từng trường, tùy từng nước. Phổ biến nhất là mô hình đào tạo sáu năm sau khi kết thúc THPT; ít phổ biến hơn là mô hình đào tạo 5 năm (Anh), hay mô hình tám năm (Hoa Kỳ). Quãng thời gian phải học tập để trở thành người thầy thuốc được hành nghề dao động khoảng 10 năm. Giai đoạn đại học, người học đúng nghĩa là sinh viên cả về quyền lợi và nghĩa vụ. Giai đoạn đào tạo nghề, người học được làm việc và phải làm việc thực thụ có sự hướng dẫn, chỉ bảo, bảo lãnh trách nhiệm của người thầy. Vì bắt đầu làm việc nên người học được hưởng lương, có vị trí việc làm. Trong giai đoạn đào tạo nghề, thầy thuốc được đào tạo theo chuyên khoa. Bác sĩ gia đình cũng là một chuyên khoa (ở Mỹ, Pháp phải học thêm ba năm sau khi có bằng bác sĩ). Thời gian đào tạo nghề cho các chuyên khoa khác đều dài hơn thời gian đào tạo bác sĩ gia đình.

Sinh viên Trường đại học Y Hà Nội thực hành trên mô hình về cấu trúc cơ thể người.

Nước ta có lịch sử đào tạo thầy thuốc hàng trăm năm nay. Chính những thầy thuốc này đã làm nên những trang sử vàng của nền y học và y tế Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào vì những đóng góp của y học, y tế cho đất nước, cho dân tộc. Tuy nhiên, đến hôm nay cần có những thay đổi, những điều chỉnh về mô hình đào tạo để cập nhật với các nước phát triển, nhằm đáp ứng với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng nhu cầu trong nước. Do hoàn cảnh khó khăn trước đây, mấy chục năm vừa qua, việc đào tạo nghề y nước ta (bác sĩ chuyên khoa cấp 1 và cấp 2) được thực hiện khi thầy thuốc có nhiều năm hành nghề và không thực hiện cho tất cả thầy thuốc. Vì vậy, việc cần làm ngay là đào tạo nghề bắt buộc cho tất cả mọi người và liên tục ngay sau sáu năm đào tạo đại học. Việc đào tạo nghề gắn với việc phân chuyên khoa, bao gồm: Chuyên khoa bác sĩ gia đình và các chuyên khoa khác. Số lượng các thầy thuốc vào từng chuyên khoa là tùy theo nhu cầu của ngành y tế. Bộ Y tế cần phải đặt hàng cho các trường đại học y.

Trong quá trình học nghề, các thầy thuốc phải được hưởng lương, được làm việc ở các cơ sở y tế đào tạo phù hợp, có sự hướng dẫn, giám sát của các thầy thuốc, giảng viên. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo nghề, các thầy thuốc đi làm việc ở các cơ sở y tế theo vị trí phù hợp với chuyên khoa đã được đào tạo. Vai trò của các cơ sở y tế, đơn vị sử dụng thầy thuốc có nhiệm vụ sắp xếp công việc phù hợp cho các thầy thuốc này theo chuyên khoa đã được đào tạo. Đây là một việc không đơn giản, đòi hỏi vai trò quản lý, điều hành rất lớn của Bộ Y tế và các sở y tế.

Một nội dung nữa cần đề cập đến, đó là hệ thống bằng cấp trong lĩnh vực y tế hiện nay. Chúng ta đang tồn tại song song, gồm: Hệ bằng cấp trình độ nghề nghiệp (bác sĩ chuyên khoa định hướng, bác sĩ nội trú bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, bác sĩ chuyên khoa cấp 2), hệ bằng cấp trình độ nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ). Đối với các thầy thuốc hằng ngày làm công việc khám, chữa bệnh thì hệ bằng cấp trình độ nghề nghiệp (tay nghề) là quan trọng nhất, không thể thay thế được. Hệ bằng cấp trình độ nghiên cứu cần thiết cho một số thầy thuốc làm những công việc đặc biệt như nghiên cứu, giảng dạy… Chúng ta rất cần ưu tiên đào tạo tay nghề (mọi thầy thuốc đều buộc phải qua quá trình đào tạo này), các bằng cấp về trình độ tay nghề của thầy thuốc cần được nhìn nhận ở cấp độ quốc gia. Đối với các thầy thuốc, giảng viên còn được công nhận và bổ nhiệm phó giáo sư, giáo sư khi hội tụ đầy đủ điều kiện theo quy định. Giáo sư và phó giáo sư là các chức danh của nghề nghiệp giảng dạy. Theo phân tích trên đây, các nhánh về hành nghề thầy thuốc, về nghiên cứu và về giảng dạy là khá rành mạch, tương đối độc lập với nhau. Tuy nhiên, đối với các thầy thuốc, giảng viên thì ba nhánh này lại gắn bó với nhau rất mật thiết, ba trong một vì những nét đặc biệt trong công việc của các thầy thuốc-giảng viên. Các giảng viên của trường y phải là: Thầy thuốc giỏi, thầy giáo giỏi và nhà nghiên cứu giỏi. Các thầy thuốc, giảng viên luôn được xã hội nhìn nhận ba nhiệm vụ này trong một con người, với một sự tôn trọng cao vì những cống hiến, đóng góp của họ.

Thực tế tại nhiều nước cho thấy, hầu hết cứ hai đến ba triệu người dân thì có một trường y. Mỗi trường y đào tạo không quá 200 sinh viên y khoa mỗi năm và kèm theo là một hệ thống các bệnh viện giảng dạy của trường. Các bệnh viện đại học này không chỉ giúp nhà trường đào tạo thầy thuốc, mà còn là nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh và nghiên cứu trong y học. Trường y cùng hệ thống các bệnh viện giảng dạy của trường giữ một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ y tế ít nhất là ở địa phương đó. Mô hình hệ thống bệnh viện giảng dạy của các trường đại học y rất khác nhau, tùy theo từng nước. Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dựng cơ chế, mối quan hệ giữa nhà trường với hệ thống bệnh viện giảng dạy. Vai trò điều hành hệ thống bệnh viện giảng dạy của Nhà nước nằm trong việc tổ chức, xây dựng hệ thống chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho toàn dân, nhằm mục đích tiết kiệm và phát huy nguồn nhân lực đặc biệt của các trường đại học y.

PGS, TS Nguyễn Đức Hinh

Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top