Động lực để học sinh nghèo đến trường

00:00 - Thứ Hai, 30/05/2016 Lượt xem: 2656 In bài viết
ĐBP - 3 năm qua, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn tỉnh. Được hỗ trợ gạo hàng tháng trong năm học chính là động lực giúp học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo an tâm đi học.

Học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Chà Cang, huyệnNậmPồ nhận gạo hỗ trợ.

Trên địa bàn tỉnh ta có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì việc các em đến trường trong cảnh bữa đói, bữa no là chuyện thường ngày. Do vậy, tình trạng học sinh không thể bám trường, bám lớp, nghỉ học, bỏ học cũng thường diễn ra. Từ năm học 2013 – 2014, chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ theo Quyết định 36 được triển khai đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa được đến trường. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, với mức hỗ trợ 15kg gạo/học sinh/tháng, năm học 2013 – 2014 toàn tỉnh có trên 40.000 học sinh được hỗ trợ hơn 5.363.000kg gạo; năm học 2014 – 2015 có gần 55.000 học sinh được hỗ trợ trên 7.300.000 kg; năm học 2015 – 2016 vừa qua hơn 58.000 học sinh đã được hỗ trợ gần 7.800.000kg gạo. Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh dân tộc ở các vùng đặc biệt khó khăn đã góp phần gỡ bỏ vòng luẩn quẩn “đói nghèo - thất học - lạc hậu - đói nghèo” trói chặt đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay, là động lực để các em học sinh, đặc biệt là học sinh bán trú xa nhà yên tâm học tập. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học trong những năm qua cũng giảm đáng kể.

Với hơn 1.000 học sinh được hỗ trợ gạo trong năm học 2015 – 2016, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Xá Nhè là nơi có số lượng học sinh được hỗ trợ nhiều nhất trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Thầy giáo Bùi Quang Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước đây, thấy các em ăn uống kham khổ, thiếu thốn, thầy, cô ai cũng xót xa, nhưng cũng không biết làm thế nào để giúp đỡ, vì không phải thiếu ngày một, ngày hai mà triền miên cả tháng, cả năm. Do gia đình học sinh còn nhiều khó khăn nên nhiều em bỏ học giữa chừng để về tham gia lao động phụ giúp bố mẹ, các thầy, cô giáo phải thường xuyên đến tận nhà vận động các em ra lớp. Nhờ có chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo, Trường giải được bài toán khó mà nhiều năm nay những người làm giáo dục vùng cao đều trăn trở. Khi bữa ăn của các em được no đủ hơn, giáo viên cũng vơi đi một phần vất vả trong việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường và duy trì tốt sĩ số học sinh.

Hoàn cảnh khó khăn, nếu không có chính sách hỗ trợ gạo thì có lẽ em Vì Thị Ngân, học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Mường Mươn, huyện Mường Chà đã không thể tiếp tục theo học hết lớp 9. Vì Thị Ngân, chia sẻ: Vì nhà xa phải ở bán trú tại trường nên mỗi tuần em về nhà lấy gạo. Nhà nghèo, nên cũng chỉ có vài cân gạo cùng với rau rừng, gạo mang đi phải tằn tiện lắm mới đủ ăn cho cả tuần. Nhiều lúc, em đã định bỏ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Từ khi được hỗ trợ mối tháng 15kg gạo, có đủ gạo để duy trì bữa ăn hàng ngày, không phải lo thiếu gạo, nên em có thể chuyên tâm vào việc học và đạt kết quả tốt hơn.

Chính sách hỗ trợ gạo theo Quyết định 36 của Chính phủ cho học sinh là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, theo ông  Nguyễn Văn Đoạt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo sau 3 năm triển khai Quyết định 36, với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc cấp gạo 2 lần/năm học như hiện nay không phù hợp bởi thực tế số lượng gạo nhận một lần nhiều, trong khi hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh không có kho bảo quản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạo; việc đóng gói thay vì 15kg/bao như quy định thì đơn vị cung ứng gạo lại đóng 50kg/bao gây khó khăn cho nhà trường khi cấp phát gạo cho học sinh. Ngoài ra, với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn như tỉnh ta thì chi phí vận chuyển gạo từ các trung tâm huyện đến nhiều điểm trường còn thấp so với thực tế… Hy vọng rằng, những năm học tiếp theo khi triển khai chính sách này, các ngành chức năng sẽ khắc phục những hạn chế trên.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top