Thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp: Khó tuyển sinh lẫn cấp bằng

00:00 - Thứ Hai, 06/06/2016 Lượt xem: 4526 In bài viết
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể áp dụng vì phải chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc tuyển sinh của hệ cao đẳng (CĐ) nói chung và trung cấp mà còn khiến các trường đau đầu khi không biết sinh viên, học sinh tốt nghiệp sẽ cấp bằng theo quy định cũ hay luật mới.

Năm 2015, rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển vào hệ CĐ chuyên nghiệp, CĐ nghề của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

Khó khăn tuyển sinh

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, sau 5 năm (2011-2015) thực hiện chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng nghề chỉ đạt 53,4% kế hoạch đề ra. Năm 2015, tuyển sinh ở các cơ sở dạy nghề đạt 1.979.199 thí sinh, giảm 4,7% so với năm 2014. Trong khi đó, kết quả tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2016 gần như đạt 100%, còn hệ CĐ chuyên nghiệp chỉ đạt khoảng 60%.

Thực tế bức tranh tuyển sinh ở các trường CĐ chuyên nghiệp và hệ CĐ ở các trường ĐH cũng hết sức èo uột. Dự đoán trước tình thế khó khăn trong tuyển sinh, hàng loạt trường ĐH tại TPHCM đã bỏ tuyển sinh hệ CĐ như Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, Trường ĐH Nông lâm TPHCM và cắt giảm mạnh chỉ tiêu hệ CĐ như Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM… Theo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, năm 2015 hệ CĐ bị cắt giảm 50% xuống còn 760 chỉ tiêu và năm 2016 còn 300 chỉ tiêu. Đến năm 2018, trường sẽ xóa bỏ hẳn hệ CĐ. Hàng loạt trường CĐ khác dù chỉ tiêu đến cả ngàn nhưng kết quả xét tuyển trong năm 2015 chưa đạt tới 50% như Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, Trường CĐ Công nghệ Thông tin, Trường CĐ Bách Việt, Trường CĐ Công nghệ Vạn Xuân…

Trưởng phòng một trường ĐH tại TPHCM băn khoăn: Thực tế hiện nay hệ CĐ của các trường ĐH đã cắt giảm nhiều và chỉ còn đào tạo một số ngành đặc thù. Tuy nhiên, việc chuyển hệ CĐ từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐTB-XH quản lý sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh và chắc chắn sẽ khó tuyển sinh. Trong khi đó, hiệu trưởng một trường CĐ nghề ngoài công lập tại TPHCM ngao ngán: “Chủ trương thì các trường sẽ phải thực hiện. Nhưng cách phối hợp và triển khai như thế nào để không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, đào tạo của các trường mới là điều quan trọng. Nếu đổi cơ quan chủ quản mà không thay đổi cách quản lý, luật có hiệu lực rồi không áp dụng được thì các trường CĐ sẽ chết chắc!”.

Cấp bằng theo quy định nào?

Thống kê hiện nay cho thấy, hệ thống trường CĐ chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT quản lý khoảng 300 trường (chưa tính hệ CĐ ở các trường ĐH) và trường CĐ nghề, trung cấp nghề do Bộ LĐTB-XH quản lý gần 600 trường. Dự kiến giáo dục nghề nghiệp chỉ còn 3 tên gọi: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường CĐ. Do đó, điều mà các trường CĐ và trường ĐH có hệ CĐ đang lo lắng không biết tương lai sẽ như thế nào khi thực tế người học đã “chê” hệ CĐ.

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết: “Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 sẽ tạo hành lang pháp lý để hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ. Trong luật này cũng quy định rất rõ việc đổi mới chương trình, đổi mới quá trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp về kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Thế nhưng thực tế Luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua chỉ với 55,13% số phiếu (thấp kỷ lục) như là “điềm xấu” cho việc thi hành luật và đến nay nhiều văn bản dưới luật vẫn chưa được triển khai. Mặt khác, Chính phủ đã có quyết định về việc ban hành danh mục và phân công Bộ LĐTB-XH soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành luật này. Tuy nhiên, hiện nay hệ CĐ nói chung đang rối bời trước tình cảnh chuyển từ đơn vị quản lý này sang đơn vị quản lý khác cùng với hàng loạt quy định mới phải thực hiện”.

Ngoài việc tuyển sinh khó khăn, hiện nay các trường CĐ, trung cấp đang rối bời ở việc sẽ cấp bằng như thế nào cho sinh viên, học sinh. Hiệu trưởng một trường nghề băn khoăn: “Theo quy định mới, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 3 cấp độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng thống nhất tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo. Điều này có nghĩa kể từ ngày 1-7-2015 (Luật Giáo dục Nghề nghiệp có hiệu lực), các trường CĐ chuyên nghiệp, các trường CĐ cộng đồng, trường CĐ nghề và hệ CĐ trong các trường ĐH được quy về một mối do Bộ LĐTB-XH quản lý và có chung tên gọi là CĐ. Người học tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành và người tốt nghiệp các ngành sư phạm, kinh tế, xã hội… được cấp bằng cử nhân thực hành”. Vị hiệu trưởng này cũng cho biết, sắp tới trường sẽ có khoảng 700 sinh viên tốt nghiệp không biết sẽ cấp bằng như thế nào. Nếu cấp theo Luật Dạy nghề cũ thì vi phạm Luật Giáo dục nghề nghiệp, còn cấp theo luật mới thì chưa có văn bản hướng dẫn.

Như vậy, dù muốn dù không thì cơ quan quản lý được Chính phủ giao trách nhiệm phải nhanh chóng hoàn thành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành luật chứ không thể “đánh trống bỏ dùi” như hiện nay. Nếu chưa hoàn thành các văn bản, cơ quan chủ quản (cụ thể là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH) cũng cần phải có hướng dẫn rõ ràng để các cơ sở đào tạo không phải đối diện với hoàn cảnh rối rắm như hiện nay.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top