Trao quyền tự chủ cho các trường đại học

Phải rõ vai trò, trách nhiệm của hội đồng trường

09:59 - Thứ Ba, 14/06/2016 Lượt xem: 3862 In bài viết
Mới đây, trong một cuộc làm việc với các trường đại học (ĐH) sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định tự chủ ĐH là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo và ngay trong nhiệm kỳ này sẽ sớm có những trường ĐH không trực thuộc bộ nào. Tuy nhiên, chỉ có thể làm được điều này khi rõ trách nhiệm của hội đồng trường đối với ban giám hiệu.
Cơ chế tự chủ chưa hiệu quả

Với sự ra đời của Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017 do Chính phủ ban hành, đến nay đã có 15 trường ĐH công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Phần lớn trong số đó là các trường thuộc khối kinh tế hoặc đa ngành. Các trường này được trao quyền tự chủ rất cao về các mặt như đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy và nhân sự, tự chủ về tài chính... Các trường tham gia thí điểm tự chủ cũng được phép thu học phí ở mức cao hơn so với các quy định trước đây và được gửi tiền ở ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất... Đó là bước tiến lớn trong việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH.

Sau nhiều năm, cơ chế tự chủ tại các trường đại học vẫn dừng ở mức độ thí điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích và tạo điều kiện để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội, quyền tự chủ ĐH nếu không được giám sát, có thể làm phát sinh những tác động tiêu cực. Vì vậy, để bảo đảm mục tiêu phát triển giáo dục ĐH, quyền tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm này đã được đề cập trong Nghị quyết 77 thông qua các nghĩa vụ mà nhà trường phải thực hiện như: Cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo, công khai, minh bạch về tài chính, có cơ chế giám sát hoạt động của trường… Song, những quy định này cần được cụ thể hóa hơn nữa và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Theo ThS Hoàng Văn Mạnh, Trường ĐH Thương mại - một trong 15 trường được thí điểm trao quyền tự chủ: Ở cấp độ hệ thống, các cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động tự chủ của các trường ĐH cũng đã cơ bản được hình thành, như cơ chế báo cáo, cơ chế hội đồng trường, kiểm định chất lượng, kiểm toán tài chính giáo dục ĐH, quy định về công bố thông tin... Tuy nhiên, một số cơ chế có kết quả không đáng kể. Trong đó, hội đồng trường của các trường ĐH công lập ở Việt Nam chưa thật sự phát huy được vai trò trong quản trị ĐH, chưa thật sự bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan khi được trao quyền tự chủ ở mức cao. Còn cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam mới ở bước đầu thiết lập, còn nhiều bất cập.

Sẽ có nhiều trường không thuộc bộ nào

Việc hình thành và thúc đẩy hoạt động của hội đồng trường là một điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam phân tích: Đề án đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã nêu: "Trên cơ sở hình thành hội đồng trường đại diện cho cộng đồng xã hội, các cơ sở giáo dục ĐH hoạt động tự chủ và nâng cao trách nhiệm xã hội, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản", chủ trương này cho thấy quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho hội đồng trường, không thể trao cho hiệu trưởng.

Nếu làm ngược lại, hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Để thực hiện tốt vai trò giám sát, cơ chế hội đồng trường cần được hoàn thiện theo hướng phân định rõ ràng chức năng quản trị của hội đồng trường với chức năng quản lý của ban giám hiệu, tách việc quản trị ra khỏi những mối liên hệ về quyền lợi vật chất. Đặc thù của Việt Nam là trong trường ĐH có tổ chức Đảng, vì vậy, khi lựa chọn phát triển cơ chế hội đồng trường đòi hỏi phải xác định rõ ràng vai trò và mối quan hệ giữa cơ quan Đảng và hội đồng trường nhằm phát huy tối đa tính ưu việt của mô hình này. Việc chưa xác định rõ vai trò cũng như mối quan hệ này trên thực tế đã hạn chế vai trò của hội đồng trường, trong nhiều trường hợp hoạt động của hội đồng trường mang tính hình thức, chiếu lệ.

Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường, cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục ĐH theo hướng bảo đảm tính độc lập là một nội dung không thể thiếu. Cũng theo ThS Hoàng Văn Mạnh, nhiệm vụ này cần triển khai ngay lập tức, không thể trì hoãn vì bất cứ lý do gì và nên khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH này mời các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín đến kiểm định tại cơ sở mình. Một mặt cần tiếp tục tăng cường năng lực kiểm định của các trung tâm kiểm định đã được cấp phép cả về quy mô và đặc biệt là chất lượng, mặt khác, khuyến khích và tạo điều kiện mạnh mẽ để hình thành thêm các trung tâm kiểm định độc lập phi chính phủ, mời các tổ chức kiểm định có uy tín nước ngoài hợp tác thành lập trung tâm kiểm định chất lượng tại Việt Nam...

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi khẳng định tự chủ ĐH chính là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, cũng đã chỉ đạo các trường ĐH, CĐ cần tiên phong thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo theo chuẩn ASEAN và thông báo công khai kết quả kiểm định cho xã hội biết. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo ĐH cho phù hợp hơn, tiếp tục nghiên cứu về tự chủ ĐH để đề xuất mức độ tự chủ phù hợp với năng lực tự chủ của từng trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt nghị định về tự chủ ĐH theo định hướng trường ĐH không trực thuộc bộ nào cả. Ngay trong nhiệm kỳ này, rất sớm sẽ có các trường không trực thuộc bộ nào như hai ĐH quốc gia hiện nay. Những trường nào có năng lực cao, giải trình tốt sẽ sớm được tự chủ.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top