"Gom" đào tạo nghề về một mối: Nâng chất lượng đào tạo, tránh lãng phí

14:33 - Thứ Năm, 16/06/2016 Lượt xem: 4238 In bài viết
Ách tắc trong liên thông, khó khăn trong phân luồng đào tạo, kiểm soát chất lượng và công nhận văn bằng, lãng phí vì trường học bỏ hoang… là hệ quả của sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý giáo dục nghề nghiệp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB&XH trong thời gian qua. Để giải quyết những bất cập nói trên, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị với Chính phủ "gom" đầu mối quản lý dạy nghề về Bộ GD-ĐT.

Thiếu ổn định, gây lãng phí

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hiện nay, sự phân công công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB&XH cho thấy những bất cập lớn, đi ngược lại với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bộ GD-ĐT quản lý từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp đến cao đẳng, đại học và sau đại học. Bộ LĐTB&XH quản lý hai bậc học, là trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Việc hai bộ cùng quản lý hệ thống đào tạo nghề đã làm mất đi tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục và đào tạo, gây khó khăn lớn cho công tác phân luồng học sinh và liên thông trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Theo cách phân công quản lý như hiện nay, ngành Lao động không thể can thiệp được vào các trường phổ thông để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp - vốn do các sở GD-ĐT thực hiện. Kết quả, theo phân tích của Bộ GD-ĐT, hằng năm có rất ít học sinh vào học tại các trường trung cấp.

Dạy nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Từ Liêm.

Việc liên thông giữa dạy nghề và giáo dục đại học cũng lâm vào cảnh ách tắc do thiếu sự thống nhất về chuẩn đầu ra ở các trình độ; một bên là đào tạo theo tín chỉ, còn bên kia đào tạo theo môn học hoặc mô - đun với tiêu chuẩn kiểm định khác nhau. Do vậy, người học chịu thiệt thòi khi phải xét công nhận miễn trừ những nội dung đã học ở các trường.

Sự chồng chéo về mặt quản lý còn khiến cho việc đầu tư dàn trải và hiệu quả thấp. Mỗi bộ đều soạn riêng cho mình các quy chế về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định, tiêu chuẩn giáo viên, quản lý học sinh - sinh viên, hợp tác quốc tế… Sự bất cập này gây khó khăn cho nhiều phía, nhất là với những trường vừa đào tạo nghề vừa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Hơn nữa, do cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương không chung một đầu mối nên không thể quy hoạch tổng thể về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực. Trong khi quy hoạch giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và trung cấp do ngành Giáo dục xây dựng và thực hiện, riêng quy hoạch dạy nghề lại do ngành Lao động chỉ đạo xây dựng và thực hiện. Hậu quả là nhiều trường nghề được thành lập nhưng không tuyển được học sinh. Nhiều trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề được đầu tư xây dựng khang trang nhưng thiếu vắng người học, thậm chí bị bỏ hoang. Khó khăn trong khâu tuyển sinh đã làm cho hệ thống dạy nghề càng thiếu ổn định, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, sự thiếu thống nhất về quản lý khiến chất lượng đào tạo nghề bị ảnh hưởng lớn. Một số trường đại học do Bộ GD-ĐT quản lý, tổ chức đào tạo nghề với quy mô lớn (lên đến 6-7 nghìn người) nhưng do ngành Lao động quản lý về chỉ tiêu nên Bộ GD-ĐT không thể can thiệp để kiểm soát chất lượng thông qua kiểm soát quy mô đào tạo. Thực trạng quản lý trên không phù hợp với thực tiễn của thế giới, tất yếu gây khó khăn cho việc hợp tác quốc tế về GD-ĐT cũng như công nhận văn bằng chứng chỉ giữa các quốc gia.

Không thể để hai cơ quan cùng vận hành hệ thống

Trước những bất cập nêu trên, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc hai phương án. Phương án một là chuyển toàn bộ tổ chức bộ máy của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐTB&XH về Bộ GD-ĐT. Phương án này giúp "gom" công tác đào tạo nghề ngắn hạn, trung cấp, cao đẳng và đại học về một đầu mối, thu gọn bộ máy quản lý, khắc phục được hầu hết nhược điểm nêu trên. Phương án hai là chuyển phần lớn bộ máy, nhân sự của Tổng cục Dạy nghề về Bộ GD-ĐT, chỉ để lại một đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH. Đơn vị này chăm lo đào tạo ngắn hạn cho người lao động, đào tạo cho người thất nghiệp, tàn tật..., thực hiện chức năng liên quan đến chính sách bảo trợ xã hội của Bộ LĐTB&XH. Phương án này có ưu điểm là Bộ GD-ĐT không phải gánh thêm việc dạy nghề nhằm thực hiện chính sách xã hội cho hàng chục triệu lao động chưa có kỹ năng nghề, mà chỉ tập trung cho công tác đào tạo nghề để cấp văn bằng trung cấp, cao đẳng. Hạn chế của phương án này là không huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống trường trung cấp, cao đẳng và đại học vào đào tạo kỹ năng nghề ngắn hạn cho người lao động. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp Hoàng Ngọc Vinh, sau khi nghiên cứu, Bộ GD-ĐT thấy rằng phương án thứ hai phù hợp hơn với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Cũng theo ông Hoàng Ngọc Vinh, mô hình quản lý theo đề xuất của Bộ GD-ĐT sẽ không gặp nhiều khó khăn trong thực tế vì bộ máy sẽ được vận hành ngay sau khi Tổng cục Dạy nghề được chuyển về Bộ GD-ĐT và các văn bản pháp quy được rà soát, loại bỏ hoặc xây dựng mới. Thách thức, nếu có nằm ở tâm lý ngại mất ổn định về quyền lực và quyền lợi cục bộ. Ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết thêm: Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân. Khi đó, hiển nhiên không thể có chuyện hai cơ quan cùng vận hành hệ thống.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top