Trung tâm GDTX tỉnh 20 năm xây dựng và phát triển

08:47 - Thứ Hai, 14/11/2016 Lượt xem: 4953 In bài viết
ĐBP - Tiền thân của Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX)  tỉnh Điện Biên là Trường Bổ túc văn hóa cán bộ với chức năng nhiệm vụ giảng dạy bổ túc văn hóa cấp 3 cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

Ngày 22/7/1996, UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) đã ra quyết định thành lập Trung tâm GDTX tỉnh Điện Biên. Theo đó, Trung tâm được tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao cho 5 chức năng nhiệm vụ bao gồm: Giảng dạy bổ túc THPT; đào tạo tin học ứng dụng và tiếng Anh thực hành; bồi dưỡng ngắn hạn; liên kết đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề. Đến năm 2003 để thực hiện Hiệp định hợp tác giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh phía Bắc Lào, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT giao cho Trung tâm nhiệm vụ quản lý và đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh các tỉnh phía Bắc Lào.

 
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm GDTX tỉnh luôn nỗ lực, cố gắng, phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tích cực học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo quyết tâm xây dựng Trung tâm phát triển về mọi mặt. Trung tâm đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển GD&ĐT của tỉnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Trong từng nhiệm vụ được giao, Trung tâm luôn cố gắng để có được những kết quả cao nhất.

 

Thầy, cô giáo và học sinh Trung tâm GDTX tỉnh trong Lễ khai giảng khóa đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh nước CHDCND Lào, năm học 2016 - 2017. Ảnh: C.T.V

Về nhiệm vụ giảng dạy bổ túc THPT Trung tâm đã tích cực cố gắng, động viên cán bộ, giáo viên tổ chức mở các lớp học ban ngày, lớp học buổi tối và các ngày nghỉ; tổ chức các lớp phụ đạo, bồi dưỡng cho học viên nhằm nâng cao chất lượng học tập. 20 năm qua, Trung tâm đã mở 168 lớp cho 4.618 học viên (với hơn 1.700 cán bộ, viên chức, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang; 2661 học viên là người dân tộc) đã tốt nghiệp ra trường gần 4.500 học viên.

Trung tâm GDTX tỉnh là cơ sở giáo dục đầu tiên trong tỉnh được UBND tỉnh và Sở GD&ĐT cho phép tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trình độ A, B, C theo chương trình đào tạo Bộ GD&ĐT ban hành. Những năm đầu triển khai, Trung tâm gặp khó khăn, trở ngại như: cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập và giáo trình, tài liệu đào tạo chưa có, đội ngũ giáo viên lần đầu thực hiện nhiệm vụ còn thiếu kinh nghiệm. Song với sự năng động, sáng tạo và tinh thần quyết tâm vượt khó của đội ngũ cán bộ, giáo viên, Trung tâm đã từng bước triển khai có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao, được các cơ quan ban ngành, các huyện, thị và người học ghi nhận, tin tưởng. Sau 20 năm, Trung tâm đã đào tạo và cấp chứng chỉ tin học cho 6.414 học viên, trong đó 5.109 học viên là cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức các lớp tự làm chủ máy tính cho xã Mường Pồn và Trường Tiểu học Nam Thanh với 40 học viên. Tổ chức dạy nghề Tin học văn phòng cho 294 học viên bổ túc THPT. Dạy tin học cho 486 lưu học sinh Lào, đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Anh cho hơn 400 học viên.

Với chức năng nhiệm vụ liên kết với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, từ năm 1998 đến nay, Trung tâm đã liên kết với 20 trường đại học, cao đẳng và học viện để mở 149 lớp, 27 chuyên ngành đào tạo, với 10.635 học viên. Việc liên kết với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức mở các lớp đại học, cao đẳng hệ vừa làm vừa học, hệ từ xa, hệ liên thông, hệ chính quy tại Điện Biên đã đóng góp tích cực trong công tác nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật, chuyên môn - nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức các cơ quan ban ngành tỉnh, huyện các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các lĩnh vực công tác, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Trung tâm đã tích cực và chủ động trong việc phối kết hợp với các đơn vị chức năng của Sở GD&ĐT với một số ban ngành trong tỉnh và các trường đại học liên kết để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD&ĐT, cán bộ, viên chức và công nhân của các ban ngành tỉnh, huyện về một số lĩnh vực như: Quản lý giáo dục; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, bồi dưỡng về phòng, chống tệ nạn xã hội, về quản lí điện, khai khoáng... 20 năm qua, số lượt học viên được tham gia học tập các lớp đào tạo bồi dưỡng tại Trung tâm là trên 20.000 lượt. Trong đó, liên kết với các trường để đào tạo ngắn hạn có cấp chứng chỉ cho gần 1.500 học viên.

Trong 20 năm qua, một nhân tố rất quan trọng để tạo nên những thành quả  giáo dục, đầu tiên chúng ta phải nhắc đến, đó chính là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 20 năm qua, có 81 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã và đang giảng dạy, làm việc tại Trung tâm, trong đó có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã nghỉ hưu và chuyển công tác, hiện tại trung tâm có 39 cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu; 6 giáo viên biệt phái dạy tiếng Việt; 5 nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Trong đó, trình độ thạc sỹ là 11; trình độ đại học là 26; trình độ lí luận cao cấp, trung cấp là 5. Số lượng giáo viên dạy giỏi được tăng lên. Từ năm học (1998 - 1999) đến nay đã có 29 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Trong đó có 18 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đến nay, Trung tâm có trên 50 đề tài sáng kiến được ngành công nhận, trong đó có 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học cũng được Trung tâm triển khai tích cực. Hiện nay 100% cán bộ, giáo viên đã sử dụng thành thạo máy tính, biết khai thác những tiện ích của máy tính và tài nguyên trên mạng và ứng dụng các phần mềm cần thiết cho công việc. Đặc biệt trong cuộc thi thiết kết bài giảng điện tử E-leaning do Sở GD&ĐT tổ chức, trung bình mỗi năm, Trung tâm có  khoảng 10 sản phẩm dự thi. Trong đó 1 sản phẩm đạt giải nhất, 1 sản phẩm đạt giải nhì và nhiều sản phẩm đạt giải ba và khuyến khích.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học và làm việc cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ngày đầu thành lập, Trung tâm ở tạm trong khu vực kí túc xá Trường DTNT tỉnh, cơ sở vật chất nghèo nàn, phòng học, phòng làm việc vừa thiếu, vừa cũ. Được sự quan tâm của tỉnh, của ngành, trụ sở của Trung tâm được khởi công xây dựng năm 2001. Đến nay, Trung tâm đã có với 1 tòa nhà 4 tầng dành cho lưu học sinh nước CHDCND Lào học tập và sinh hoạt; 4 tòa nhà 2 tầng là các hội trường, phòng học, phòng thư viện, thiết bị, phòng truyền thống, phòng làm việc và phòng khách. Đặc biệt năm 2016, Trung tâm đã được Ban Quản lý dự án KOIKA do Chính phủ Hàn Quốc và Viện Đại học Mở Hà Nội tài trợ, lắp đặt 1 phòng đào tạo trực tuyến E- learning với 30 máy tính xách tay, 1 bộ máy chiếu; được Bộ GD&ĐT đầu tư 1 phòng học trực tuyến 31 máy tính đồng bộ, 1 bộ máy chiếu, 2 màn hình ti vi. Ngoài ra, hệ thống máy photo, máy in và các thiết bị khác cơ bản đáp ứng yêu cầu được yêu đổi mới của GD&ĐT. Đặc biệt với 2 phòng học trực tuyến được đầu tư các trang bị hiện đại sẽ mở ra cơ hội học tập thuận lợi, giúp người học có thể tiếp cận nền giáo dục tiên tiến và từng bước tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, những thành quả đạt được của thầy và trò, Trung tâm đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Chính phủ; được nước CHDCND Lào trao tặng Huân chương hữu nghị Việt - Lào, nhiều năm được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng cờ thi đua, bằng khen; liên tục được UBND tỉnh công nhận là đơn vị đạt danh hiệu Tập thể lao động.

Dương Hữu Bình

Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh

Bình luận
Back To Top