Những người thắp lửa ở Mường Mùn

09:06 - Thứ Năm, 17/11/2016 Lượt xem: 5003 In bài viết
ĐBP - Đối với tôi, giáo viên cắm bản là những người can đảm, kiên trì và nhân hậu nhất. Bước chân của những người “gieo chữ” ấy đến khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa để cho tiếng đọc vần ê a, tiếng hát líu lo của lũ trẻ vang lên làm bừng sáng những bản làng xa xôi nhất. 

Cảm nhận này càng trở nên mạnh mẽ khi tôi đến thăm Trường Mầm non An Bình, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo. Bắt đầu từ con số 0 (không mặt bằng, không nhà lớp học, phụ huynh không cho con em đi học…) nhưng bằng nhiệt huyết, tình yêu nghề, các cán bộ, giáo viên nhà trường đã thắp lên ngọn lửa học tập, truyền tình yêu trường, mến lớp đến cả người dân và trẻ em trong khu vực.

 
Trường Mầm non An Bình chia tách từ Trường Mầm non Mường Mùn vào tháng 7/2009, được giao đón học sinh 5 bản vùng xa của xã. Nhớ lại thời điểm ấy, ký ức những ngày gian khó lại hiện về rõ mồn một trong tâm trí cô Bùi Thị Lĩnh, Hiệu trưởng nhà trường: “Do địa bàn rộng, cách xa nhau, trường chúng tôi phải chia tách và được phân công 6 cán bộ, giáo viên. Khi nhận quyết định, chúng tôi hoang mang vô cùng, không biết dạy học ở đâu vì cơ sở vật chất không có. Nhà trường xin được một mảnh đất nhỏ là nương của người dân, rồi cả giáo viên và người dân trong bản cùng nhau san đất, dựng lớp học tạm. 2 tháng đầu phải mượn nhà văn hóa bản làm nơi dạy học, giáo viên thay nhau đứng lớp, người không có tiết thì xắn tay san nền đất, lấy gỗ, đan liếp, dựng nhà. Sau bao ngày vất vả, ngôi nhà tạm 3 gian được ngăn bằng liếp cũng hoàn thành, vừa làm lớp học, vừa là phòng họp và nhà công vụ cho giáo viên. Cứ vừa lên lớp vừa lao động như vậy, cán bộ, giáo viên nhà trường cũng đi qua những ngày gian khó nhất”. Đến giờ, ngôi nhà tạm 3 gian năm ấy vẫn còn nhưng nó được chính tay các cô sửa chữa hàng năm, các vách liếp cũng đã được thay bằng ván gỗ chắc chắn.

 

Cô trò điểm trường trung tâm Mầm non An Bình.
Có trường trung tâm rồi, giáo viên nhà trường lại tiếp tục xin đất làm điểm trường tại các bản, bởi thời điểm ấy, lớp học mầm non vẫn ghép chung với điểm trường tiểu học. Ban đầu các điểm trường đều là nhà tạm, mưa dột, gió lùa, nắng chiếu. Sau mỗi mùa mưa bão, lớp học nào cũng tan hoang, cần phải sửa chữa. Cô giáo trẻ Lò Thị Nhơn mới công tác được hơn 3 năm nhưng đã không nhớ bao nhiêu lần đưa học sinh chạy mưa khỏi lớp học gỗ xiêu vẹo. Đối với các lớp học tạm, năm nào cũng vậy, trong 2 tháng đầu năm học mới, giáo viên vừa dạy học vừa phải tranh thủ thời gian ngoài giờ dọn dẹp, gia cố lớp. Vất vả là thế nhưng không giáo viên nào bỏ cuộc. Giờ đây, số lượng cán bộ, giáo viên nhà trường đã tăng lên 18 người nhưng tinh thần “tất cả vì học sinh” ấy vẫn không thay đổi. Học sinh không đến lớp là các cô đến tận nhà hỏi thăm, động viên; em nào ốm mà bố mẹ bận lên nương, các cô lại đưa đi khám, mua thuốc, chăm sóc cho đến khi các em khỏe lại.

Không chỉ vậy, các cô còn chủ động đi xin tài trợ, kết nối với các tổ chức, cá nhân thiện nguyện để hỗ trợ bữa ăn tại trường và xây nhà lớp học cho các em. Hiện Trường Mầm non An Bình có 1 trường trung tâm và 3 điểm bản là Pú Piến, Huổi Lốt và Co Ngựu với 142 học sinh. Hầu hết lớp học của các điểm trường đều đã được xây dựng kiên cố nhờ sự đầu tư của các nhà tài trợ. Tháng 8 vừa qua, điểm trường Huổi Lốt được nhóm du học sinh Việt Nam đầu tư xây dựng 2 phòng học và nhà vệ sinh. Khi chúng tôi đến, ngôi trường đã hoàn thiện nhưng vẫn thấy cô Bùi Thị Lĩnh cùng một số giáo viên nhà trường bận rộn với vôi vữa, xi măng. Hỏi ra mới biết, nhà trường xin được thêm kinh phí để làm sân chơi, tường bao và cổng trường nhưng do số tiền có hạn nên chỉ thuê thợ xây chính còn cán bộ, giáo viên tự san nền, đảo vữa, làm phụ trợ. Cô Lĩnh đùa rằng: “Giáo viên nhà trường hầu hết là nữ giới, trước đây chưa từng phụ xây nhưng từ khi nhận công tác về trường thì đều được luyện tay nghề, giờ có thể làm nghề tay trái được”.

Lo cho học sinh có điều kiện trường lớp tốt rồi, các cô còn quan tâm từng bữa ăn giấc ngủ cho các em. Theo chính sách của Nhà nước, chỉ học sinh từ 2 -5 tuổi mới được hỗ trợ bữa ăn tại trường, học sinh độ tuổi nhà trẻ (0 - 2 tuổi) thì không. Qua kết nối của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, học sinh nhà trẻ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của trường đã được hỗ trợ 6.000 đồng tiền ăn/ngày. Để cân đối được 3 bữa/ngày đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các em, các cô đã tự kết nối với tổ chức Niềm tin xanh (Hải Dương), FPT (Hà Nội) xin hỗ trợ thêm gạo, dầu, mắm, muối. Nhà trường phân công cán bộ tổ chức nấu ăn tại điểm trường trung tâm rồi cử đồng chí bảo vệ, văn thư đi đưa cơm từng điểm bản. Ngày mưa cũng như ngày nắng, các em học sinh đều được ăn trưa đúng giờ. Anh Tòng Văn Khương là cán bộ văn thư, được phân công đưa cơm đến điểm trường Pú Piến, điểm xa nhất, cách trung tâm hơn 12km, tâm sự: “Đường đến Pú Piến rất khó đi, trời mưa thì phải nhờ người đi đường đẩy xe giúp qua những chỗ trơn trượt. Trước khi đi tôi đều phải bọc đồ ăn thật cẩn thận, chằng chặt chẽ để có đổ xe thì thức ăn cũng không bị ảnh hưởng. Nhưng chuyện ngã xe, canh nóng tràn rát lưng do đường xóc là chuyện vẫn thường xảy ra. Đi lại vất vả nhưng đi mãi cũng thành quen, ngày nào không chở đồ đến trường, không được gặp những đứa trẻ tươi cười rạng rỡ đón tôi là lại thấy nhớ”.

Bằng tâm huyết, nỗ lực không mệt mỏi vì trẻ em vùng cao Mường Mùn, các cán bộ, giáo viên Trường Mầm non An Bình luôn được người dân yêu mến, tin tưởng. Việc ấy được thể hiện bằng việc tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Ông Lò Văn Biên, Trưởng bản Huổi Lốt 2 tâm sự: “Trước đây đi đâu là dân bản Huổi Lốt đưa con theo đó, lên nương cũng phải địu con đi. Giờ thì khác rồi. Đứa trẻ nào cũng được đến trường và thích đến trường. Bố mẹ chúng còn đưa đến lớp từ sớm chờ thầy cô”. Không chỉ tại bản Huổi Lốt, mà các hộ dân có con em độ tuổi mầm non trong khu vực đều đã thay đổi nhận thức. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp của nhà trường đạt cao, học sinh độ tuổi nhà trẻ đi học ngày càng đông, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ ngày càng giảm. Đây không chỉ là thành quả công việc mà còn là niềm vui, hạnh phúc từ tình yêu, tâm huyết với nghề, với trẻ em vùng cao của mỗi cán bộ, giáo viên Trường Mầm non An Bình.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top