Chạy đua với kiểm định chất lượng giáo dục đại học

09:22 - Thứ Ba, 03/01/2017 Lượt xem: 2895 In bài viết
Để đạt được chất lượng đào tạo chuẩn mực, nhất thiết phải có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố liên quan: nội dung chương trình đáp ứng nhu cầu xã hội, phương thức đào tạo tiên tiến, phương pháp học chủ động, môi trường học tập tạo điều kiện tốt nhất cho người học phát huy tối đa năng lực của bản thân.  Việc phát triển đồng bộ tất cả các yếu tố này là một thách thức không nhỏ đối với bất cứ một cơ sở đào tạo nào. Tuy nhiên, muốn hội nhập thì các cơ sở đào tạo không còn cách nào khác phải được công nhận đánh giá đạt chuẩn chất lượng khu vực lẫn quốc tế.

Nâng chuẩn đánh giá chất lượng

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học (CLGDĐH) đã được Bộ GD-ĐT chú trọng cách đây cả chục năm. Song với sự úp mở khi 20 trường đầu tiên được kiểm định chất lượng theo Thông tư 65/2007 của Bộ GD-ĐT không được công bố chính thức khiến nhiều trường không mặn mà vì có đạt cũng vậy mà không đạt cũng vậy.   

 

Thành viên đoàn đánh giá ngoài đang thực hiện kiểm định chất lượng tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT hạ quyết tâm sắp xếp lại hệ thống giáo dục thì vấn đề chất lượng mới thật sự được xem là chuyện sống còn. Bộ đã thành lập 3 trung tâm kiểm định chất lượng hoạt động hoàn toàn độc lập khi tiến hành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. 

Để thay thế cho Thông tư 65, mới đây Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo quy định về kiểm định CLGDĐH cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá, quy trình, chu kỳ kiểm định CLGD, áp dụng cho việc đánh giá đối với các học viện, trường ĐH. Điểm mới đáng nói nhất là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở GD được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do AUN-QA mới ban hành tháng 7-2016 gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở GDĐH, được chia thành 4 nhóm: đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Theo một kiểm định viên tại TPHCM nhận xét: “Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Thông tư 65 chỉ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí trong khi bộ tiêu chuẩn mới gần gấp đôi về tiêu chuẩn lẫn tiêu chí. Đáng nói hơn là việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng có sự thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành đó là từng tiêu chí được đánh giá theo thang 7 mức để đánh giá thay vì chỉ có mức đạt và chưa đạt như hiện nay. Cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng nhóm đều đạt từ mức 3,5 điểm trở lên và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm.

Theo Bộ GD-ĐT, dự thảo này quy định rõ hơn về những việc cần thực hiện trong cả chu kỳ kiểm định, nhất là sau khi cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Có các quy định về khuyến khích và chế tài đối với kết quả thực hiện công tác kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục. Trong khi đó, quy định hiện hành không có các quy định chế tài hay khuyến khích.

Với dự thảo này, Bộ GD-ĐT ra tối hậu thư buộc các trường phải hoàn thành tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (mời các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập ở bên ngoài trường đánh giá chất lượng) đến hết ngày 30-6-2017. Đến 31-12-2017, các trường phải hoàn thành đánh giá ngoài. Việc thẩm định kết quả đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện cho đến hết ngày 30-6-2018.

Rộn ràng kiểm định chất lượng

ĐH Quốc gia TPHCM có thể nói là đơn vị đi đầu cả nước trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với chuẩn khu vực và quốc tế. Đến nay, ĐH này là thành viên của các tổ chức đảm bảo chất lượng có uy tín như: Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN), Mạng lưới chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQN), Mạng lưới các tổ chức đảm bảo chất lượng quốc tế (INQAAHE)… Hiện ĐH Quốc gia TPHCM là đơn vị đào tạo có kiểm định quốc tế nhiều nhất của cả nước với 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET (Hiệp hội Kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ công nhận), 7 chương trình chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) được công nhận đạt tiêu chuẩn Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (gọi tắt là Ủy ban CTI) và 30 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á); tiên phong áp dụng mô hình CDIO trong đào tạo với 5 trường thành viên tham gia ở 62 chương trình đào tạo (chiếm 75% tổng số chương trình đào tạo của toàn ĐH Quốc gia TPHCM).

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM là cơ sở đầu tiên của phía Nam đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia và giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TPHCM). Kết quả đánh giá từ tháng 12 -2015 đến tháng 7-2016, trường đạt 49/61 tiêu chí được đánh giá, đạt 80,33%. TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh: “Chúng ta hội nhập và quốc tế hóa thì vấn đề chất lượng là chuyện sống còn của trường đại học. Tự mình nói “trường tôi chất lượng tốt” thì ít nhất trường phải có gì đó để làm bảo chứng thì người ta mới tin. Do đó, từ kết quả trên, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 tất cả các chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn AUN-QA và 6 chương trình theo tiêu chuẩn ABET (Hoa Kỳ).

Hiện nay rất nhiều trường đại học như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM… đã tiến hành đánh giá ngoài theo quy định của Bộ GD-ĐT và tiến hành kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn của AUN-QA.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top