Vững bước trong sự nghiệp “trồng người”

11:05 - Thứ Sáu, 31/03/2017 Lượt xem: 3891 In bài viết
ĐBP - Để phát triển bền vững, thời gian qua huyện Mường Ảng xác định mục tiêu không kém phần quan trọng bên cạnh đầu tư xây dựng cơ bản, xóa đói giảm nghèo… đó là đầu tư cho giáo dục để có sự thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiều giải pháp sát thực, phù hợp với điều kiện thực tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện đã có sự thay đổi từ chất lượng đến quy mô trường, lớp.

Toàn huyện hiện có 40 trường học các cấp; 100% trường được kết nối internet và sử dụng văn bản điện tử; khai thác và sử dụng hiệu quả phần mềm trong lĩnh vực quản lý giáo dục và dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc. Cùng với đội ngũ hơn 1.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ bản được chuẩn hóa về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ (60% đạt trình độ trên chuẩn); 95% cán bộ, giáo viên biết sử dụng internet và thư điện tử; hơn 58% giáo viên biết thiết kế bài trình chiếu, bài giảng điện tử; thực hiện đảm bảo số giờ dạy ứng dụng công nghệ thông tin ở các cấp học đã góp phần tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

 

Học sinh Trường Mầm non Ẳng Cang (xã Ẳng Cang) tập thể dục rèn luyện thể chất.

Đặc biệt, trong những năm qua, phong trào thi đua dạy và học đã được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đẩy mạnh gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; các giải pháp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; các hoạt động ngoài giờ lên lớp, khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục được quan tâm tổ chức tốt. Ngành chú trọng thực hiện công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục để đánh giá thực chất, khách quan; tập trung kiểm tra cuối học kỳ, thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh; tổ chức các cuộc thi qua mạng internet, thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, thi làm đồ dùng dạy học tự làm, đánh giá ngoài các trường mầm non, tiểu học, THCS... Nhờ đó, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi ở các cấp học; tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THCS và THPT ngày càng tăng; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng mạnh. Toàn ngành hiện có 24 trường đạt chuẩn quốc gia (6 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 7 trường THCS và 2 trường THPT); đảm bảo duy trì chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2. Nhất là kết quả giáo dục trung học trên địa bàn huyện thời gian qua có sự chuyển biến tích cực khi quy mô trường, lớp học tiếp tục ổn định và phát triển với 10 trường THCS và 3 trường THPT. Thực hiện nghiêm túc chương trình và kế hoạch giáo dục, chủ động xây dựng, phân phối chương trình từng trường phù hợp với đối tượng học sinh; tích cực đổi mới phương pháp dạy học sát đối tượng, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng; sử dụng linh hoạt các hình thức dạy học tích cực; triển khai thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) lớp 6 tại 4 trường THCS... chất lượng giáo dục cấp THCS và THPT có nhiều chuyển biến rõ nét. Năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh THCS xếp loại học lực khá, giỏi chiếm hơn 46%, tốt nghiệp THCS đạt 100%; gần 50% học sinh THPT được xếp loại học lực khá, giỏi; hơn 93% học sinh tốt nghiệp THPT.

Cùng với đó, giáo dục tiểu học được ngành mở rộng quy mô trường lớp dạy 2 buổi/ngày tại 13 trường học. Các chương trình giảng dạy ngoại ngữ, tin học đối với học sinh lớp 3, 4, 5; mở rộng chương trình học theo dự án mô hình trường tiểu học mới Việt Nam (VNEN); dạy thí điểm môn tiếng Việt theo chương trình công nghệ giáo dục, chương trình đảm bảo chất lượng trường học (Seqap)... tiếp tục được triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế qua đó khuyến khích học sinh tư duy trong hoạt động học, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Giáo dục mầm non cũng tạo “điểm nhấn” khi đến nay trên địa bàn huyện có 100% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày; 100% trường mầm non triển khai và thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới (lớp đơn và lớp ghép), thực hiện đại trà Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và thực hiện việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vùng dân tộc, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1; 100% trẻ đến trường được đảm bảo an toàn, khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe theo biểu đồ tăng trưởng. Trẻ em được đánh giá theo các lĩnh vực phát triển (thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ) đạt trên 98,1% trở lên và 100% trẻ dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt.

Ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng cho biết: Triển khai Kế hoạch số 14 của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kế hoạch hành động “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các nội dung cơ bản của giáo dục và đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, đặc biệt là chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bằng cách rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, nhân viên ở các cấp học đảm bảo đồng bộ về cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đặc thù của ngành, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, công tác giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe của học sinh. Trước mắt là thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc; nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc và dạy tiếng Thái cấp tiểu học; duy trì kết quả phổ cập giáo dục các cấp học, nâng chất lượng thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; duy trì bền vững các tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; xây dựng trường chuẩn quốc gia... Phấn đấu năm học 2016 - 2017 đề nghị công nhận từ 1 - 2 trường đạt chuẩn quốc gia.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top