Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Điện Biên Đông

Phát huy tối đa sự chung vai của nhân dân

09:36 - Thứ Hai, 03/07/2017 Lượt xem: 4292 In bài viết
ĐBP - Một trong những nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên Đông lần thứ V đề ra, đó là phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 70% trường đạt chuẩn quốc gia. Với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện, đây cũng là chủ trương lớn mang tính chiến lược, nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Phấn đấu thực hiện thành công  mục tiêu đó, thời gian qua, Phòng GD&ĐT Điện Biên Đông luôn chú trọng chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy và học; đầu tư cơ sở vật chất, nhất là thực hiện việc xã hội hóa theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy tối đa sức mạnh từ sự chung vai gánh vác của nhân dân trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

 
Để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu mỗi năm học, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành; ban giám hiệu các trường triển khai, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo giàu năng lực, phẩm chất, tâm huyết với nghề; huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, hướng đến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

 

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Mường Luân cùng người dân xây dựng trường, lớp học.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông, cho biết: Một trong những tiêu chí quan trọng để các trường đạt chuẩn quốc gia là phải có cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng tốt công tác dạy và học. Chính vì thế, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp tham gia phát triển giáo dục. Trên cơ sở đó, mỗi trường đã chủ động xây dựng kế hoạch xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành trong việc đầu tư mua sắm các thiết bị, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và các nguồn lực từ cộng đồng.

Trường Mầm non Noong U là một trong những điển hình về công tác xã hội hóa giáo dục, điểm sáng trong dạy và học ở Điện Biên Đông. Đây là một trong những trường khó khăn nhất của huyện thời điểm năm học 2011 - 2012 bởi khi ấy, cơ sở vật chất còn tạm bợ, hầu hết các lớp học đều trong tình trạng “nắng chiếu mưa dột”, chưa đáp ứng được việc dạy và học, đồng thời người dân chưa quan tâm đến học tập của con cái... Trước thực trạng đó, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo Ban Giám hiệu nhà trường cùng toàn thể thầy cô giáo kêu gọi, huy động sức dân để xây dựng trường với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chia sẻ với chúng tôi, cô Trần Thị Quý, Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi nói: Cách đây khoảng 5 năm, với khó khăn chung của huyện, ngân sách Nhà nước có hạn, nhà trường cùng chính quyền đã vận động nhân dân chung sức xây dựng trường. Ban đầu khi mới tuyên truyền, huy động nhân dân đóng góp ngày công, vật chất, nhiều người chưa hiểu nên đã không ủng hộ. Lúc ấy, chính các thầy cô là những người đi đầu góp công, góp sức tu sửa, nâng cấp lớp học... Từ đó người dân hiểu ra đã tự nguyện đóng góp, chung tay xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Nhiều công trình như tường rào, khuôn viên, lớp học... với sự góp sức của nhân dân ngày càng được xây dựng khang trang hơn. Nếu như năm học 2011 - 2012, nhà trường có 9 lớp, 6 phòng học tạm thì đến nay, số lớp tăng lên 11; 6 phòng học kiên cố và 3 phòng học 3 cứng (khung gỗ, nền xi măng, mái prô xi măng). Đặc biệt, với nỗ lực của tập thể nhà trường cùng sự góp sức của người dân, đến nay, trường đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ I.

Cũng như Trường Mầm non Noong U, Trường Mầm non Sư Lư, xã Na Son cũng làm công tác xã hội hóa giáo dục. Để có được cơ sở khang trang, sạch đẹp như hôm nay, các thầy cô giáo đã tích cực tìm nhà tài trợ. Trường được đoàn từ thiện “Trẻ em đường phố SOS” hỗ trợ xây dựng toàn bộ lớp học, phòng chức năng, bếp ăn, khuôn viên, hàng rào, đồ dùng nấu ăn, đồ dùng học tập… và 2 điểm trường với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, thực hiện chủ trương của chính quyền xã Mường Luân phấn đấu xây dựng Trường Tiểu học Pá Vạt đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới, 6 hộ ở bản Pá Vạt, gồm gia đình ông: Lò Văn Khánh, Mai Thanh Linh, Lường Văn Sen, Lường Văn Sáng, Lò Văn Thiên, Quàng Văn Bình đã tự nguyện hiến 1.200m2 đất để mở rộng khuôn viên nhà trường. Còn với Trường Tiểu học Chiềng Sơ, do chưa có đất để xây dựng điểm trường chính, sau khi được chính quyền vận động, người dân trong xã đã tự nguyện hiến hơn 1ha đất.

Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên Đông lần thứ thứ V đề ra, đến năm 2020, 70% số phòng học, nhà công vụ được xây dựng kiên cố; trên 70% trường đạt chuẩn quốc gia. Đến thời điểm này, số phòng học, nhà công vụ được xây dựng kiên cố đạt 45,6; trường chuẩn quốc gia 26/57, đạt 45,6%. Theo bà Nguyễn Thị Hường, để hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đề ra, ngoài nỗ lực của ngành, Phòng sẽ tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động các nguồn lực, kêu gọi xã hội hóa giáo dục hiệu quả, lồng ghép nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt yêu cầu theo chuẩn quốc gia; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo các trường đã được công nhận phát triển bền vững và tốt hơn giai đoạn trước. Đồng thời, phát triển trường đạt chuẩn quốc gia trên cơ sở kết hợp với chủ trương kiên cố hóa trường, lớp, lồng ghép với việc xây dựng mới, cải tạo, tận dụng tốt cơ sở vật chất hiện có.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top