Ðào tạo lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào tại Ðiện Biên

Gần hơn quan hệ Việt - Lào

13:52 - Thứ Sáu, 29/12/2017 Lượt xem: 4775 In bài viết
ĐBP - Nằm trong chương trình hợp tác đã ký kết giữa Ðiện Biên và các tỉnh Bắc Lào, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng và đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào. Qua 14 năm thực hiện nhiệm vụ (từ năm học 2003 đến nay), Trung tâm đã đào tạo tiếng Việt cho hơn 1.200 lưu cán bộ, học sinh Lào.


Bác sĩ Lường Thị Khuyên, giảng viên bộ môn lâm sàng (Trường Cao đẳng Y tế Ðiện Biên) hướng dẫn cho lưu học sinh Lào thực hành trên mô hình giải phẫu người.

Ðến thăm những lớp lưu học sinh Lào trong giờ học tiếng Việt tại Trung tâm GDTX tỉnh, chúng tôi thấy được sự cố gắng, tận tình của các thầy, cô giáo ở đây. Những ngày đầu học tiếng Việt, mỗi lưu học sinh đều được các cô giáo hướng dẫn đánh vần, nắn nót viết từng nét chữ. Cô giáo Bùi Phương Hảo - người có thâm niên 12 năm dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, chia sẻ: Ðối với lưu học sinh Lào, phương pháp dạy tiếng Việt không giống như dạy học sinh người Việt. Bởi ngôn ngữ bất đồng; vì thế mỗi giáo viên đều phải có những sáng tạo trong cách truyền đạt, hướng dẫn, làm sao để các em dễ tiếp thu nhất. Hơn nữa, do dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào đã nhiều năm, tôi học được tiếng Lào từ chính học sinh của mình. Nhờ thành thạo tiếng Lào nên việc dạy tiếng Việt cho lưu học sinh rất thuận lợi, vì thế mà các em tiếp thu rất nhanh”.

Hiện nay, Trung tâm GDTX tỉnh đang đào tạo tiếng Việt cho 167 lưu học sinh Lào. Bên cạnh việc học tập, các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa do Trung tâm tổ chức; tham quan các điểm di tích lịch sử; giao lưu thể thao, văn nghệ với thầy cô, bạn bè và các học viên bổ túc THPT… Qua đó, góp phần tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, tạo sự gần gũi giữa lưu học sinh Lào với các thầy cô và học viên của Ðiện Biên.

Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Ðiện Biên - nơi tiếp nhận đào tạo nhiều lưu học sinh Lào nhất so với các trường chuyên nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trường đang đào tạo 165 lưu học sinh Lào, với các ngành đào tạo như: điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ. Ghé thăm một lớp học đang trong giờ thực hành, qua tiếp xúc với một số học sinh, chúng tôi không nghĩ đây là những lưu học sinh Lào, bởi các em nói tiếng Việt khá thành thạo. Em Nang Lả Khăm Na Ka Vông, huyện Nhọt U (tỉnh Phoong Sa Ly) tâm sự: “Chúng em sang học tập ở Ðiện Biên nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè trong trường. Ngoài việc tạo điều kiện trong học tập, nhà trường còn bố trí chỗ ăn ở cho chúng em rất chu đáo; tổ chức nhiều hoạt động chơi trong những dịp lễ tết.”

Trò chuyện với bác sĩ Lường Thị Khuyên, giảng viên bộ môn Lâm sàng, được biết, lớp của cô dạy có hơn một nửa là lưu học sinh Lào. Ðể các lưu học sinh tiếp thu tốt kiến thức, cô Khuyên thường ưu tiên các em làm thực hành nhiều hơn; trong giờ học thường xếp các em ngồi xen kẽ với học sinh của Ðiện Biên để các em học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. “Trong giờ giải lao, tôi thường hay trò chuyện với các lưu học sinh Lào, vừa để hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán và cuộc sống của các em, vừa để tạo sự gần gũi, thân mật giữa cô và trò. Chính vì thế, rất nhiều lưu học sinh khi ra trường về nước thường xuyên gọi điện, liên lạc hỏi thăm; có em sau khi đi làm, rồi xây dựng gia đình, sinh con, còn đưa cả chồng con sang thăm cô giáo” - bác sĩ Lường Thị Khuyên chia sẻ.

Ðược biết, hiện nay Ðiện Biên có 5 cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo lưu học sinh Lào, gồm: Trung tâm GDTX tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, Trường Cao đẳng Y tế Ðiện Biên và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên. Dưới những mái trường của Ðiện Biên, mỗi lưu học sinh chính là những chiếc cầu nối để gắn bó thêm tình nghĩa thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt - Lào. Có thể khẳng định rằng, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, Ðiện Biên và các tỉnh Bắc Lào nói riêng đã có bề dày lịch sử.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top