Nâng cao chất lượng giáo dục đại học

09:46 - Thứ Ba, 12/06/2018 Lượt xem: 6708 In bài viết
Những năm qua, giáo dục đại học (GDĐH) nước ta đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, với con số khoảng hơn 200 nghìn người có trình độ đại học lâm vào tình trạng thất nghiệp đòi hỏi ngành giáo dục cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy GDĐH phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Giờ thực hành của sinh viên Khoa hóa - sinh, Trường đại học Tây Bắc (Sơn La).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), cả nước hiện có 235 cơ sở GDĐH, mỗi năm đào tạo hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Để nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua, ngành giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở GDĐH chủ động đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành… Các cơ sở đào tạo thực hiện gắn đào tạo với thị trường lao động, chủ động nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp hoặc phát triển chương trình đào tạo có sự tham gia của các doanh nghiệp bảo đảm chuẩn đầu ra rõ ràng. Đáng chú ý, những năm qua, các trường triển khai chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao được chuyển giao từ các nước phát triển để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đến nay, các trường đại học trên cả nước đã triển khai được 37 chương trình tiên tiến và khoảng 250 chương trình đào tạo chất lượng cao. Các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên từng bước được cải thiện tăng cả về số lượng và chất lượng. Cả nước có khoảng hơn 72,7 nghìn giảng viên; trong đó, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 22,68%. 

Cùng với đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của các trường đại học cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo Bộ GD và ĐT, tại một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy, giai đoạn 2011-2015, tổng sản phẩm khoa học và công nghệ khối các trường đại học chiếm hơn hai phần ba tổng sản phẩm khoa học và công nghệ cả nước. Chỉ tính riêng các trường đại học trực thuộc Bộ GD và ĐT đã có 383 nhóm nghiên cứu hoạt động hiệu quả và có sức lan tỏa trong toàn hệ thống. Nhiều cơ sở GDĐH đã thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phát triển theo định hướng nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp. Điển hình như Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), theo Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức: ĐHQGHN đã hình thành được 27 nhóm nghiên cứu mạnh, năm nhóm nghiên cứu tiềm năng, 10 phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, tạo ra các sản phẩm khoa học - công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, chỉ riêng năm 2017, ĐHQGHN công bố 560 bài báo nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế (ISI, Scopus)...

Mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng thực tế hiện nay, chất lượng GDĐH vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo các chuyên gia giáo dục, việc có khoảng 200 nghìn người có trình độ đại học bị thất nghiệp do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do chất lượng đào tạo. Nhiều cơ sở GDĐH chất lượng đào tạo chưa cao, nhất là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng còn hạn chế bởi số lượng công trình, bài báo, các phát minh, sáng chế chưa tương xứng với tiềm năng. Một số trường đại học sau thời gian hoạt động vẫn chưa có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng theo đề án thành lập trường. Trong khi đó, về cơ chế, chính sách còn bất cập khi vấn đề tự chủ thật sự cho các trường đại học chưa được tháo gỡ; mô hình và cơ cấu tổ chức của các cơ sở GDĐH còn nhiều điểm chưa rõ ràng… Việc thành lập trường, mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh… chủ yếu dựa trên năng lực của cơ sở đào tạo, chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động…

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để nâng cao chất lượng GDĐH cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là từ cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ cơ chế, chính sách và kiểm soát tốt chất lượng đào tạo của các trường. GDĐH cần gắn kết tốt hơn với doanh nghiệp, mở rộng mô hình đào tạo theo cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa Nhà nước và doanh nghiệp; gắn kết các cơ sở giáo dục, đào tạo với các tổ chức khoa học - công nghệ. Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp có thể liên kết, đầu tư, hỗ trợ các trường đại học theo hình thức đặt hàng. Cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH nhằm đánh giá, xếp hạng các trường đại học. Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngoài việc đổi mới cơ chế, chính sách, toàn ngành sẽ triển khai các hoạt động nhằm tăng cường quản lý quy hoạch mạng lưới, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội. Bộ GD và ĐT sẽ định kỳ công khai minh bạch kết quả kiểm định chất lượng; rà soát các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; rà soát, công khai tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, các sản phẩm khoa học - công nghệ của các trường. Các trường đại học triển khai đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển tư duy sáng tạo của học viên. Tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính GDĐH để các trường tự xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo. Ngoài ra, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các nội dung khác nhau của quá trình đào tạo. Xây dựng cơ chế để các trường đại học có trách nhiệm về sản phẩm là sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động chứ không chỉ khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, đào tạo xong lại hết trách nhiệm. Bộ GD và ĐT cùng Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ khác cần phối hợp để đẩy mạnh đề án về đổi mới sáng tạo trong các trường đại học và tăng cường liên kết đào tạo giữa viện, trường, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong GDĐH.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top