Chọn nghề ngay từ khâu tư vấn, định hướng

08:25 - Thứ Năm, 16/05/2019 Lượt xem: 8473 In bài viết

ĐBP - Không còn là vấn đề mới, “nóng” bởi cụm từ “tư vấn, định hướng nghề nghiệp” cho học sinh từ nhiều năm qua đã trở nên phổ biến, nhất là đứng trước thực trạng “thừa thầy”, “thiếu thợ” đã và đang diễn ra không chỉ trên địa bàn tỉnh ta mà còn là vấn đề nan giải của các địa phương trong toàn quốc. Ðây là nguyên nhân chủ yếu để không chỉ các cấp, các ngành, địa phương mà ngay từ mỗi người học cần xác định mục tiêu nghề nghiệp sao cho phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình, địa phương. Từ đó góp phần tháo gỡ “nút thắt” trong vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Một buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trường THPT TP. Ðiện Biên Phủ do Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức.

Có việc làm, thu nhập ổn định, thậm chí là khá cao so với mặt bằng chung của lao động có tay nghề khi làm việc tại một xưởng sửa chữa xe ô tô trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, anh Bùi Quang Huy cho biết: Trước đây anh từng học Ðại học ngành nông học của Trường Ðại học Tây Bắc, song vì điều kiện gia đình, cơ hội việc làm khó khăn; hết năm thứ 2 anh nộp hồ sơ học cao đẳng công nghệ ô tô K3 của Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên. Quyết định ngày trước vốn bị nhiều bạn bè cùng trang lứa xem là hâm, là dở hơi ấy đã giúp Huy có việc làm ổn định, thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống gia đình. Hỏi Huy cảm thấy tiếc nuối khi quyết định dừng học đại học để học nghề? Huy trầm tư rồi bảo, quyết định học nghề phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bản thân, gia đình. Nhưng một chút tiếc nuối đó là nếu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp sớm hơn, cụ thể hơn, bản thân Huy có thông tin nhiều hơn về cơ hội việc làm, nghề nghiệp thì có lẽ anh đã không lỡ 2 năm theo học đại học vừa mất thời gian lại tốn tiền học phí.

Tuy nhiên, không phải ai cũng giống Huy đủ can đảm để quyết định lại tương lai, cơ hội nghề nghiệp của chính mình vì rất nhiều lý do. Ðó cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng “thừa thầy”, “thiếu thợ”, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường phù hợp với ngành, nghề đào tạo vô cùng khó khăn. Khắc phục tình trạng đó, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường được các trường THPT và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội… đặc biệt quan tâm thông qua việc truyền thông, tư vấn cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho học sinh.

Tại Trường THPT TP. Ðiện Biên Phủ, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho học sinh được đặc biệt quan tâm. Thầy giáo Phạm Quốc Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu các năm học, nhà trường tổ chức rà soát chất lượng của học sinh các khối lớp để phân loại học sinh, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách và có kế hoạch giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Nhà trường cũng đã lồng ghép hoạt động giáo dục hướng nghiệp với hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; liên kết với các cơ sở nghề nghiệp tổ chức hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp… giúp học sinh có thể lựa chọn những ngành, nghề cơ bản phù hợp năng lực và điều kiện thực tế của địa phương, xã hội. Tháng 11/2018 vừa qua, nhà trường đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho hàng trăm học sinh trong toàn trường. Ðây là dịp để các em được tiếp nhận những thông tin về cơ hội việc làm, xu hướng ngành nghề… từ các chuyên gia tư vấn để có thể đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Qua thống kê số liệu sơ bộ tình hình đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại tỉnh ta cho thấy việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cũng có những bước chuyển đáng kể. Trong 5.318 thí sinh đăng ký dự thi có 2.427 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT kết hợp xét tuyển đại học - cao đẳng, 2.492 thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp và 399 thí sinh đăng ký thi chỉ để lấy điểm xét tuyển đại học - cao đẳng.

Giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, việc nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông cần được quan tâm, chú trọng hơn. Cùng với đó là cần hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề; mô tả ngành nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành nghề tương ứng với từng vùng miền, khu vực. Kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu năng lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Ðặc biệt chú trọng việc tổ chức tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông thông qua các môn học và hoạt động giáo dục… Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng…

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top