Khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục

14:35 - Thứ Ba, 03/03/2020 Lượt xem: 9271 In bài viết

Thời gian qua, tại một số địa phương, cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên tự ý nâng, sửa điểm, “làm đẹp” học bạ cho học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là do “bệnh thành tích” trong giáo dục. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục cần tăng cường kiểm tra, rà soát, có biện pháp chấn chỉnh.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, “bệnh thành tích” không chỉ có trong lĩnh vực giáo dục, nó có ở tất cả các cấp, các ngành. Trong giáo dục, sự thiếu trung thực, giả dối của một số cán bộ quản lý, giáo viên tuy chưa phổ biến nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Điển hình là vụ việc tiêu cực gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình còn vượt xa cả “bệnh thành tích” mà là chạy theo lợi ích cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Không chỉ vậy, vì chạy theo thành tích, nhiều trường đã đẩy sĩ số học sinh lên lớp 100%, trong khi thực tế có học sinh học đến lớp 5, lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo…

Trong khi đó, GS, TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, nhiều năm nay, có hiện tượng bất thường là phần lớn các nhà trường đều công bố 98% số học sinh/lớp hoặc số học sinh toàn trường đạt danh hiệu học sinh giỏi, thậm chí có trường đạt 100%. Nhiều trường nâng điểm do lãnh đạo hoặc từ giáo viên, học sinh, cũng chỉ vì giữ “thành tích” của trường không sụt giảm, bị trừ điểm thi đua. Nếu bị trừ điểm thi đua thì dẫn đến giáo viên sẽ mất điểm, bị trừ tiền thưởng, trường mất danh hiệu, hiệu trưởng sẽ khó được đề bạt cất nhắc ở vị trí cao hơn. Vì vậy, hành vi tự lừa dối về thành tích nhiều khi được coi là đương nhiên. PGS, TS Dương Quang Hiển, Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng) khẳng định, những biểu hiện “bệnh thành tích” trong giáo dục có các nhóm như: Về kết quả học tập học sinh, sinh viên, thi giáo viên dạy giỏi, thi đại trà văn bằng, chứng chỉ; dạy thêm, học thêm… Sự khác nhau căn bản giữa thành tích và “bệnh thành tích” là giữa cái thật và cái giả. Yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là tính trung thực. Vì vậy, nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương. Còn những tiêu cực, “bệnh thành tích” cần lên án và xóa bỏ.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, PGS, TS Dương Quang Hiển cho rằng, trước hết cần thay đổi tư duy của cán bộ, quản lý, giáo viên, thay đổi cơ chế quản lý của ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền và làm tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Kiên quyết thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Các trường, giáo viên, cán bộ quản lý cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy bức tranh của “bệnh thành tích”. Từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu, tổ chức lại hoạt động trong nhà trường và các phong trào thi đua sao cho thực chất, các tiêu chí đưa ra phù hợp, tránh hình thức. Mỗi học sinh, sinh viên cần ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống để sau này có thể giúp ích cho xã hội và bản thân. TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giải pháp đầu tiên là cần nhận thức đúng các phong trào thi đua trong ngành giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo phải được tự chủ, dân chủ, nhân văn trong mọi hoạt động giáo dục. Thi đua phải gắn liền với cơ chế dân chủ, quản lý bằng dân chủ, người lao động phải được biết, được bàn, được kiểm tra, như vậy mới có niềm tin vào hoạt động giáo dục và đi vào thực chất. Đáng chú ý, việc khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục, giúp các nhà trường thực hiện tốt chất lượng giáo dục toàn diện phụ thuộc vào người đứng đầu mỗi nhà trường. Nếu hiệu trưởng nhận thức được vai trò của thi đua, quản lý hiệu quả, trung thực, chắc chắn các phong trào sẽ đi vào thực chất, lành mạnh, không hình thức, bảo đảm công bằng với mọi người, là động lực giúp mỗi nhà giáo hoàn thành sứ mệnh trong sự nghiệp “trồng người”.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top