Thêm những bữa ăn đủ chất, hợp vị

13:15 - Thứ Bảy, 14/11/2020 Lượt xem: 6473 In bài viết

ĐBP - Trồng rau xanh, nuôi gia súc, gia cầm, chế biến món ăn hợp khẩu vị… là những cách làm sáng tạo của nhiều trường học bán trú trên địa bàn huyện Mường Chà, nhằm bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài sau giờ học tham gia chăm sóc vườn rau xanh.

Những mô hình hiệu quả

Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài (xã Hừa Ngài) cách trung tâm huyện Mường Chà hơn 40km, nguồn cung thực phẩm tươi sống để phục vụ những bữa ăn bán trú hàng ngày cho gần 300 học sinh còn nhiều khó khăn. Ðể khắc phục vấn đề này, thầy và trò nhà trường cùng tăng gia sản xuất sau mỗi giờ học như: Trồng các loại rau xanh; nuôi lợn, gà, vịt để tạo nguồn cung cấp thực phẩm sạch. Ý nghĩa hơn, mô hình trồng rau, chăn nuôi còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với lao động sản xuất cho học sinh.

Trên vườn rau rộng khoảng 350m2, sau những giờ học tập căng thẳng các em học sinh và giáo viên chủ nhiệm các lớp lại ra vườn rau nhặt cỏ, bắt sâu, tưới nước. Những giàn bí ngô, su su, những luống rau bắp cải, cải canh không chỉ xanh tốt mà còn rất an toàn bởi rau hoàn toàn không sử dụng chất hóa học, không dùng thuốc trừ sâu.

Thầy Nguyễn Thế Ðiệp, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài giới thiệu: Kia là những luống rau đang trong giai đoạn trổ mầm. Từ các loại rau cải, mùng tơi, su hào… đến các loại rau gia vị đều được trồng đầy đủ. Chỉ vài tuần nữa, những luống rau xanh tốt sẽ được thu hoạch và đưa vào bữa cơm cho học sinh. Ðể bảo đảm cơ bản số lượng rau xanh, các thầy cô giáo và học sinh còn chủ động gieo trồng gối vụ, từ rau lá đến các loại cây lấy củ, quả. Bởi vậy vườn rau của nhà trường xanh tốt quanh năm.

Ngoài trồng rau, Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài còn xây dựng khu chuồng trại bên ngoài khuôn viên trường để nuôi lợn, gà, tận dụng cơm, canh thừa hàng ngày của học sinh. Mô hình chăn nuôi này do tổ nhân viên nuôi dưỡng trực tiếp quản lý, mỗi lứa thường nuôi từ 8 - 12 con lợn và khoảng 50 - 70 con gia cầm. Sau khi xuất chuồng, Trường nhập vào nhà bếp để cải thiện bữa ăn cho các em. Số tiền thu được từ tăng gia nhà trường dùng để tổ chức các hoạt động ý nghĩa vào dịp tết dân tộc, tết thiếu nhi cho học sinh. 

Không riêng những trường ở xa, ngay trung tâm huyện, Trường THPT Mường Chà từ năm học 2018 - 2019 đã lập tờ trình đề nghị UBND huyện cho mượn khu đất rộng hơn 1.200m2 liền kề với khu nội trú để trồng rau cải thiện bữa ăn cho học sinh.

Thầy Trần Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chà chia sẻ: Sau hơn 2 năm triển khai, giờ đây rau sạch được tạo ra từ mô hình tăng gia đã giúp nhà trường chủ động cả về số lượng và chất lượng. Giá trị từ mô hình được chứng minh hiệu quả trong thực tiễn nên giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh đều tích cực hưởng ứng, ủng hộ nhà trường triển khai. Ngoài ra, tiền bán rau cho bếp ăn nhà trường còn giúp các em gây quỹ phục vụ các hoạt động ngoại khóa bổ ích, tạo thêm động lực để các em học tập. Quá trình tham gia lao động sản xuất ngay tại trường học đã giúp các em rèn luyện sức khỏe và đức tính chăm chỉ, giúp các em có thêm kĩ năng sống để hỗ trợ cuộc sống sau này.

Chú trọng bữa ăn hợp khẩu vị

Không chỉ là những bữa ăn đủ chất có rau xanh, có thịt mà làm sao để học sinh không bỏ dở khẩu phần, ăn uống hợp khẩu vị, qua đó tăng cường sức khỏe cho học sinh luôn là trăn trở của ban giám hiệu, cán bộ cấp dưỡng các trường bán trú trên địa bàn huyện Mường Chà.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông, không chỉ đảm bảo 3 bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, mà làm sao để những bữa ăn hợp khẩu vị với học sinh nhất cũng là vấn đề được nhà trường chú trọng.

Thầy Lê Xuân Vỹ, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông chia sẻ: Ðầu năm khi học sinh mới nhập trường, nhân viên cấp dưỡng chưa nắm được thói quen ăn uống hàng ngày của học sinh nên vẫn tự lên thực đơn và chế biến các món ăn phổ biến như: Rau nấu canh, đậu rán, thịt lợn kho... Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát những món nào thừa nhiều, món nào học sinh thường ăn hết và khảo sát sở thích học sinh, nhà trường đã có sự điều chỉnh, tăng cường tốt hơn chất lượng các bữa ăn bán trú. Dù thực phẩm là thịt, cá hay trứng, đậu phụ và rau xanh thì cách chế biến đã hướng tới hợp khẩu vị của các em. Ðơn cử như đối với món đậu phụ nếu rán học sinh thường ăn ít, để thừa nhiều nhưng rán qua rồi sốt với cà chua thì các em sẽ ăn nhiều hơn.

Còn tại Trường PTDTBT Trung học cơ sở Sa Lông, trong bối cảnh giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đã được điều chỉnh thực đơn trong tuần, chế biến món ăn đa dạng. Theo đó, nhằm duy trì chất lượng bữa ăn, bảo đảm sức khỏe cho hơn 270 học sinh ăn bán trú, nhà trường đã điều chỉnh thực đơn theo hướng sử dụng nhiều thực phẩm thay thế thịt lợn bằng thịt gà, cá… Ðồng thời, mỗi loại thịt lại có nhiều cách chế biến khác nhau để thay đổi khẩu vị cho học sinh. Tùy theo tình hình cụ thể, mỗi tuần học sinh ăn 2 - 3 bữa có món chính được chế biến từ thịt lợn. Em Vừ Thị Hồng Hà, học sinh lớp 8C2 tâm sự: Ở nhà đông anh em, nên bữa cơm của gia đình chủ yếu là rau rừng với muối trắng, có bữa phải ăn cơm độn sắn. Giờ đi học, được các thầy cô nấu cho ăn có đầy đủ chất và được đổi món thường xuyên. Không phải lo chỗ ở, lại được ăn đầy đủ nên dù học xa nhà nhưng em rất yên tâm học tập.

Năm học 2020 - 2021, huyện Mường Chà có 17 trường bán trú tiểu học và THCS với hơn 4.900 học sinh bán trú; 1 trường PTDT nội trú với gần 350 học sinh. Xa nhà, xuống núi học chữ và đến cuối tuần mới “ngược sơn” về thăm nhà, nhưng các em không phải khăn gói, đùm rau, đùm gạo, vác củi xuống trọ học một cách gian khó, nhọc nhằn như trước nữa. Giờ đây các em được ăn ở, sinh hoạt trong những căn nhà bán trú vững chãi, được nhà trường tổ chức nấu ăn từng bữa trong ngày. Những bữa cơm bán trú đủ chất, hợp vị không những giúp các em học sinh vùng cao có đủ sức khỏe để học tập, mà còn góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, thu hút học sinh đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top