Chuyện xây trường, dựng lớp tại huyện “trẻ” nhất cực Tây

16:39 - Thứ Tư, 01/09/2021 Lượt xem: 6266 In bài viết

ĐBP - Lớp học căng bạt nằm cheo leo đỉnh núi hoặc lụp xụp khuất dưới tán rừng; gian nhà gỗ lửng nền đất, mái tôn nóng như thiêu đốt vào mùa hè, rét buốt da thịt vào mùa đông… là hình ảnh “thân quen” của các trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) khi mới thành lập huyện (năm 2013). Chưa đầy 10 năm sau, đến nay, những phòng học, phòng bán trú kiên cố đã thay thế phần lớn nhà tạm, trường lớp trở nên khang trang, sạch đẹp. Học sinh yêu trường mến lớp; thầy cô yên tâm giảng dạy. Để có được sự thay đổi ấy là cả quá trình nỗ lực, hi sinh của cán bộ, giáo viên miền biên viễn này, cùng phong trào huy động xã hội hóa, từ thiện để kiên cố hóa trường lớp được hưởng ứng sôi nổi trong toàn huyện.

Bài 1: Những ngày đầu gian khó

Nậm Pồ được chia tách trên cơ sở “gom” những xã xa xôi, khó khăn nhất của 2 huyện Mường Nhé và Mường Chà. Ngày đầu mới thành lập huyện (tháng 6/2013), phần lớn các xã chưa có trường, lớp học riêng biệt, hệ thống trường lớp học đã xuống cấp, nhất là đối với cấp tiểu học và mầm non. Thực hiện nhiệm vụ giáo dục, các thế hệ giáo viên nơi đây đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất để đưa con chữ đến với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao biên giới.

Trường thiếu, lớp tạm

Sau khi thành lập, huyện Nậm Pồ có tổng 38 trường (11 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 11 trường THCS, 1 trường THPT) với 778 lớp và 15.171 học sinh. Toàn huyện có tổng số 664 phòng học (389 phòng học kiên cố, 142 phòng gỗ, 133 phòng tạm) và 125 phòng công vụ giáo viên, 351 phòng ở nội trú cho học sinh, trong đó có 278 phòng kiên cố, 73 phòng gỗ ba cứng, 110 phòng tạm.

Gắn bó với giáo dục huyện Nậm Pồ ngay từ những ngày đầu thành lập huyện, ông Nguyễn Xuân

Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ vẫn nhớ như in hình ảnh những phòng học tạm được dựng bằng tranh tre, nứa lá, thậm chí là làm từ phông bạt.

Sau một tháng “đi từng xã, đến từng bản” để rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất giáo dục, ông Thuận nhận thấy phần lớn các trường học còn là những nhà học tạm, nhiều xã còn chưa có trường, lớp riêng, đó là chưa kể đến phòng làm việc, phòng bộ môn, nhà vệ sinh, sân trường… gần như chưa có. Hơn 500 phòng học tạm và bán kiến cố không đáp ứng được nhu cầu dạy và học trở thành bài toán khó, đang rất cần lời giải.

“Từ hành trình về, đến các điểm bản vùng sâu, vùng xa, tôi thấy và càng thấu hiểu những vấn đề mà các thầy, các cô và học trò vùng khó gặp phải”, ông Thuận chia sẻ.

Năm học đầu tiên sau khi thành lập huyện (2013 – 2014), toàn huyện cần phải tu sửa, làm mới lại 133 phòng học, 110 phòng nội trú học sinh; làm mới thêm 69 phòng học, 190 phòng nội trú học sinh và một số bếp ăn cho các trường có học sinh bán trú...

Câu chuyện về những lớp học tạm trong thời điểm gian khó càng trở nên chân thực hơn bao giờ hết qua lời kể của những chứng nhân - những thầy cô giáo cắm bản. Trong trí nhớ của cô giáo Trần Thị Tâm, lớp học tạm tại điểm trường Sín Chải, thuộc Trường Mầm non Nà Hỳ vô cùng đơn sơ. Khi ấy, lớp học rộng chừng hơn 20m2 được bà con dân bản đắp nền đất, dựng lên từ tre, nứa ngay gần con suối nhỏ. Bàn ghế trong lớp được đóng từ những bìa gỗ mỏng và 2 chân gỗ, cái cao làm bàn còn cái thấp thì làm ghế.

Như chia sẻ của cô Tâm, may mắn là điểm trường nơi cô dạy còn có lớp học cho các cháu mầm non, chứ nhiều điểm bản xa thường không có lớp mầm non, giáo viên phải dạy ghép với lớp tiểu học để đảm bảo học sinh trong độ tuổi đến trường được ra lớp. Tại những điểm trường có mầm non học ghép tiểu học thì thường dễ tìm do nhìn thấy biển trường, cột cờ; còn nhiều điểm trường mầm non có lớp học tạm tại vùng sâu, vùng xa thường “lọt thỏm” trong rừng núi, có khi tìm cả ngày không thấy.

Cô Tâm kể lại: “Lớp học tạm bằng tranh tre, vách nứa, mùa đông gió rét lạnh thấu xương, phải dùng bạt quây xung quanh phòng học để tránh rét cho học sinh. Mùa hè nắng nhìn thấy mặt trời, cô giáo lại cùng bà con đi lấy lá cọ che lên mái nhà cho mát. Cứ đến dịp năm học mới, các giáo viên “cắm bản” lại cùng bà con và phụ huynh vào rừng chặt tre, nứa, cắt tranh về tu sửa, kiên cố lại lớp học tạm, bởi sau mùa mưa bão các lớp học tạm ở đây đều bị dột nát hết”.

Lớp học tạm của cô Tâm cũng giống rất nhiều những lớp học tạm của các thầy cô giáo cắm bản vùng cao thời điểm đó. Khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất là khó khăn chung, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục của cả hệ thống giáo dục huyện Nậm Pồ trong giai đoạn mới.

Nhọc nhằn giáo viên vùng cao

Một ngày tháng 8, trong tiết trời se lạnh đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc, chúng tôi bắt đầu “hành trình” vượt những con đường gập ghềnh, những con dốc thẳng đứng để đến với điểm trường Nậm Chua 3 Nhóm Cháy - điểm trường xa nhất thuộc Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Nhừ (xã Nậm Nhừ).

Sau gần 2 tiếng đồng hồ “ì ạch” trên xe máy, chúng tôi đến được điểm trường nằm chênh vênh trên đỉnh núi. Đón chúng tôi là thầy giáo Phùng Đức Tâm - giáo viên đã gắn bó với điểm trường nhiều năm. Có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến cảnh điểm trường tồi tàn với các tấm ván làm tường chắn đã cong vênh được xếp ngang, xếp dọc, mới hiểu hết cái nghèo, cái thiếu thốn của giáo dục vùng cao biên giới Nậm Pồ.

Ngôi nhà quây tôn xanh, thấp lè tè là nơi sinh hoạt, soạn giáo án của thầy Tâm bên cạnh lớp học điểm trường Nậm Chua 3 Nhóm Cháy. Ảnh nhỏ: Giờ lên lớp của học sinh điểm trường.

Thầy Tâm cho biết: “Phòng học tạm này được dân bản chung sức dựng lên cách đây gần 10 năm. Qua từng ấy thời gian với nắng, mưa, gió, bão, phòng học đã xuống cấp, khiến thầy trò nơm nớp nỗi lo sợ mỗi mùa mưa bão. Sau nhiều lần hư hỏng, tôi cùng người dân sửa lớp học, nhưng vẫn là nhà gỗ ghép, mái tôn. Thầy, trò cùng khắc phục khó khăn mỗi mùa mưa nắng”. Ngay cạnh phòng học là phòng ở công vụ của giáo viên. Nói là phòng công vụ cho “oai”, chứ thực tế căn phòng thầy Tâm ở chỉ rộng khoảng 10m2, thấp lè tè, được quây xung quanh bằng tôn để tránh mưa gió vùng biên ải, trong điều kiện không điện thắp sáng, không nước sạch sinh hoạt… Chia tay thầy Tâm cũng là lúc trời bắt đầu đổ mưa, đường về trơn như đổ mỡ, ngập bùn lầy, khiến chúng tôi phải ghìm xe dắt nhiều tiếng đồng hồ. Mỗi lần xe và người trượt ngã, chúng tôi càng thêm hiểu và trân trọng nỗ lực bám bản suốt nhiều năm của thầy Tâm.

Quay về Trường Mầm non Nà Khoa (xã Nà Khoa), tại đây chúng tôi gặp và trò chuyện với cô giáo Lường Thị Thu, người đã gắn bó với học sinh vùng cao Nậm Pồ hơn 15 năm. Năm 2013, sau nhiều năm cắm bản dạy học tại các điểm trường đặc biệt khó khăn như Huổi Lụ 1, Nậm Nhừ 3; cô Thu được luân chuyển về điểm trường chính. Khi ấy, căn phòng ở tạm bợ của cô Thu rộng hơn 10m2, được bà con dân bản dựng bên cạnh lớp học chỉ kê “độc” chiếc giường cũng được đan từ tre nứa. Ngoại trừ việc nấu ăn, còn lại mọi sinh hoạt của cô Thu đều diễn ra trên chiếc giường ấy.

“Chiếc giường vừa là chỗ ngủ, chỗ ăn, vừa là nơi tôi đặt chiếc bàn gỗ cũ để ngồi soạn giáo án. Mỗi dịp cuối tuần, khi có các cô giáo cắm bản tại các điểm trường xa hơn trở về điểm trường chính là mấy chị em lại túm tụm trên chiếc giường trò chuyện, chia sẻ niềm vui trong công việc và cuộc sống… Trường còn nhiều khó khăn và chưa có điện lưới nhưng cũng đã gắn bó nhiều năm như ngôi nhà thứ 2 của mình” - cô Thu cho biết. Thay vì nản lòng, dưới ánh đèn dầu, cô Thu lại mang giáo án ra soạn, hoặc hì hụi ngồi làm các đồ dùng học tập cho học trò.

Bên cạnh điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học còn thiếu thốn và khó khăn trăm bề thì một trong những yếu tố “kìm chân” chất lượng giáo dục vùng cao Nậm Pồ chính là khó khăn về địa lý. Địa bàn biên giới xa xôi, giao thông khó khăn, hiểm trở khiến nhiều xã, bản ở Nậm Pồ nói chung, các trường nói riêng nhiều năm gắn bó với những chữ “không” - không điện, không đường, không nước sinh hoạt…

Hình ảnh quen thuộc của giáo dục vùng cao Nậm Pồ những năm đầu thành lập huyện là những học sinh còn thiếu thốn đủ thứ để đến trường, những lớp học gỗ ghép không đủ che mưa, nắng.

Trước thực trạng đó, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học thì việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học để thu hút học sinh đến trường, giáo viên yên tâm công tác được coi là giải pháp có tính cấp thiết trong sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn Nậm Pồ.

Bài 2: Giáo viên vượt khó, tự tay xây trường

Bài, ảnh: Nhóm P.V
Bình luận
Back To Top