Giáo dục đại học trong quốc gia chuyển đổi số

12:46 - Thứ Tư, 15/09/2021 Lượt xem: 3974 In bài viết

Trong xu thế phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, giáo dục đại học (GDĐH) gặp nhiều thách thức lớn. Tại sao lại nói như vậy? Chúng ta phải làm gì để ngày càng có nhiều người Việt Nam được tiếp cận tri thức cao... là những câu hỏi cần sớm đặt ra và trả lời.

Internet làm giảm đáng kể chi phí học tập

Trên thế giới, vào những năm 30 của thế kỷ 20, không quá 15% người lớn tuổi theo học đại học. Nhưng đến năm 1980, tỷ lệ này đã là 30%. Hiện nay, ở nhiều nước, con số này lên đến 80-90% hoặc cao hơn nữa. Ví dụ, tỷ lệ người lớn tuổi theo học đại học tại Hoa Kỳ là 82%, ở Phần Lan: 94%, Hàn Quốc: 96%, Đức: 91%.

Sự bùng nổ của GDĐH và sự tăng lên quá nhanh số lượng trường đại học đã làm tăng mức độ cạnh tranh giữa các trường. Số lượng sinh viên cũng tiếp tục tăng. Cần khẳng định, sự gia tăng số lượng không thể không ảnh hưởng đến chất lượng. Cần đặt lên bàn nghị sự về GDĐH vấn đề những mô hình trường đại học của thời kỳ chuyển đổi số. Rất tiếc là trên thực tế, nhiều nơi lại loay hoay với câu hỏi: Tăng học phí như thế nào?

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội học trực tuyến tại ký túc xá nhà trường. Ảnh: Ngọc Diệp

Ở một số quốc gia có hoàn cảnh phát triển GDĐH gần giống với Việt Nam, người ta đang tăng học phí đến mức được người dân xếp vào hạng chi phí rất đắt đỏ. Cơ sở cho sự hình thành quan điểm này là các nước Âu-Mỹ có mức học phí đại học rất cao; học phí ở ta đã lấy gì là quá mức. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đang khủng hoảng GDĐH. Nguyên nhân là khi học phí đại học theo mô hình nhà trường truyền thống được đẩy lên thì internet tham dự vào quá trình đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh ở trường đại học. Internet làm giảm đáng kể chi phí học tập, đồng thời biến nền giáo dục chất lượng trở nên phù hợp hơn với tất cả những ai có năng lực lĩnh hội thông tin, tiếp thu không chỉ tri thức, mà còn cả các kỹ năng và năng lực cần thiết cho thực tiễn nghề nghiệp.

Nhờ có internet, giáo dục ngoài nhà trường và không chính quy trở thành đối thủ cạnh tranh thực sự của trường đại học. Nó có thể cung cấp chương trình GDĐH chất lượng tương đối cao mà học phí lại thấp hơn các trường đại học hiện nay. Trên thực tế, chương trình học tập kiểu đó có sức lôi cuốn đông đảo số lượng người đang cần kiến thức và kỹ năng mới mà chuyên môn nghề nghiệp của họ đang đòi hỏi.

Cuộc cạnh tranh về chất lượng sinh viên ra trường

Cũng cần lưu ý rằng, GDĐH đã bắt đầu phản ánh các quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới. Sự cạnh tranh giữa các trường đại học thực chất là cuộc cạnh tranh về chất lượng sinh viên ra trường, về thu hút sinh viên quốc tế. Nhờ đó sẽ tăng tài lực bằng việc có thêm học phí và tranh thủ được lực lượng giáo sư nước ngoài tới giảng dạy; nâng cao vị thế của nhà trường, có thể dẫn đến được xếp hạng quốc tế.

Một thực tế khác cho thấy, sự gia tăng số lượng sinh viên không có nghĩa là việc làm của người tốt nghiệp đại học sẽ có thu nhập thấp đi. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, sinh viên tốt nghiệp đại học ở hầu hết các quốc gia thuộc OECD đều có thu nhập cao hơn so với những người chưa có bằng đại học. Nhà phân tích Andreas Schleicher của OECD cho biết, sự gia tăng những lao động tri thức không nhất thiết dẫn đến sự sụt giảm về tiền lương của họ. Vì thế, những lao động hưởng lợi ích từ nền kinh tế tri thức mức độ cao là những người tốt nghiệp đại học. Khoảng cách thu nhập giữa những người tốt nghiệp đại học và những người không có bằng đại học đang giãn ra. Điều này cho thấy, tri thức ngày nay đã trở thành một thứ hàng hóa quốc tế.

Từ những luận điểm này, có thể thấy, GDĐH truyền thống đã trở nên cũ kỹ, dần mất tính thích ứng với sự phát triển của thời đại. GDĐH của một quốc gia nào đó không thực sự mở, không tự nhanh chóng chuyển đổi số trong kỷ nguyên số và không tham gia vào quá trình quốc tế hóa giáo dục thì sẽ thụt lùi. Bên cạnh đó, giảng dạy theo lối truyền thống, cứng nhắc và khuôn mẫu sẽ ngày càng bị sinh viên rời bỏ. Người ta sẽ học theo các chương trình trực tuyến trong nước và trên thế giới. Chẳng hạn, những đại học danh tiếng như: Harvard, California, Viện Công nghệ Georgia hay Massachusetts, Michigan (Mỹ), Đại học Bách khoa Paris (Pháp), Đại học London (Anh), đều sẵn sàng cung cấp chương trình học online, giúp người học thoải mái hơn trong việc chọn các khóa học mở hay các bài giảng chất lượng cao, lại hoàn toàn miễn phí.

Vì thế, một cuộc cách mạng với hệ thống đại học ở nước ta là cần thiết. Cần loại bỏ những trường đại học thiếu năng lực đào tạo chuyên gia và không cho phép các trường yếu kém đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Những trường đại học không đạt chỉ tiêu chất lượng thì hoặc cho giải thể, hoặc đưa về địa phương làm nhiệm vụ cao đẳng cộng đồng, cung cấp những tri thức phổ thông cho nông dân, lao động nông thôn, lao động tự do đang cần kiến thức và kỹ năng sau trung học. Chúng ta cần khuyến khích và có chính sách để các doanh nghiệp tổ chức các cơ sở đào tạo bậc đại học đào tạo tại chỗ cho công việc, vì chất lượng công việc. Khuyến tài phải là một chức năng cần thiết và quan trọng của trường đại học.

GS, TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top