Vì sao người học chưa “mặn mà” với các ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp?

16:08 - Thứ Sáu, 01/10/2021 Lượt xem: 2173 In bài viết

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2020, có 5 nhóm ngành là Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và Bảo vệ môi trường có số lượng thí sinh nhập học thấp, với tỷ lệ tương ứng là 41,43%, 43,91%, 49,98%, 54,43% và 65,28%.

Mùa tuyển sinh năm 2021, tình trạng trên vẫn tái diễn khi số lượng thí sinh đăng ký nhập học vào các ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp rất ít khiến nhiều trường phải xét tuyển bổ sung.

Điểm trúng tuyển thấp nhưng nhiều ngành vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu

Năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển đại học tăng mạnh ở hầu hết các ngành. Tuy nhiên, điểm chuẩn vào các ngành khoa học cơ bản nói chung, các trường có kinh nghiệm đào tạo nhiều năm trong lĩnh vực này lại đều “giậm chân tại chỗ”. Đơn cử như tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, mặc dù điểm chuẩn vào trường tăng mạnh ở một số ngành nhưng riêng khối ngành khoa học cơ bản như Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học vẫn chỉ ở mức 6 điểm/môn.

Tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, nhóm ngành khoa học cơ bản vốn là truyền thống đào tạo của trường, điểm chuẩn chỉ ở mức 5 điểm/ môn. Tình trạng này cũng diễn ra đối với các trường như ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, ĐH Thuỷ Lợi, ĐH Xây dựng, ĐH Giao thông vận tải khi điểm chuẩn vào các ngành khoa học cơ bản dao động từ 6-7 điểm/môn.

Mặc dù điểm chuẩn trúng tuyển khá thấp so với các ngành học mới song các ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp vẫn rất khó tuyển sinh. Theo thống kê của Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, kết thúc xét tuyển đợt 1, nhà trường vẫn còn thiếu nhiều chỉ tiêu. Tuỳ từng ngành, nhà trường thông báo xét tuyển bổ sung khoảng 15% - 20%, tương đương 200-300 chỉ tiêu cho các ngành như Quản lý tài nguyên rừng, Lâm sinh, Quản lý đất đai, Du lịch sinh thái, Thú y, Công nghệ chế biến lâm sản, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật.

Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng phải xét tuyển bổ sung 120 chỉ tiêu thuộc 6 ngành khoa học cơ bản như Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật cơ khí xây dựng. Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP Hồ Chí Minh cũng xét tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu các ngành Địa chất học, Thuỷ văn học, Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Kỹ thuật cấp thoát nước, Quản lý tài nguyên khoáng sản…

Theo PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, những năm gần đây, ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp khó tuyển sinh. Khoảng 3 - 4 năm gần đây, hầu như các trường tuyển không đủ chỉ tiêu; có năm chỉ tuyển được 40 - 50%. “Trải qua 2 năm dịch bệnh COVID-19 mới thấy, nông lâm nghiệp vẫn là ngành trụ cột trong nền kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, đây là ngành ít hấp dẫn thí sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc Nhà nước chưa thực sự quan tâm hoặc có chính sách ưu tiên với những người làm trong lĩnh vực này” - lãnh đạo Trường ĐH Lâm nghiệp chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Mỏ - Địa chất cũng cho biết, trong những năm qua, nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn không thu hút được người học. Vì thế, dù xác định các ngành khoa học cơ bản là những ngành quan trọng cho sự phát triển, nhưng trường vẫn buộc phải thu hẹp quy mô tuyển sinh. Mỗi năm, trường chỉ tuyển giới hạn với quy mô từ 20-30 chỉ tiêu/ ngành. Điều này nhằm vừa duy trì đội ngũ cán bộ giảng viên, vừa đảm bảo khi nhu cầu thị trường thay đổi, vẫn có ngay lập tức nguồn lực để đáp ứng.

Cần có chính sách ưu tiên để người học không “quay lưng” với các ngành khoa học cơ bản. Ảnh minh hoạ.

Cần cơ chế chính sách phù hợp để thu hút người học

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc các ngành khoa học cơ bản, nông, lâm nghiệp đang trở nên kém hấp dẫn so với các ngành học mới, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh ngày càng thực tế thì nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là do nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành khoa học cơ bản. Bằng chứng là trong các chính sách về lương hay vị trí việc làm đối với những ngành này vẫn chưa hấp dẫn, khiến tính cạnh tranh trong thị trường lao động không cao.

Thêm vào đó, đặc thù của những ngành này đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường cần tiếp tục học lên cao hơn mới có thể khẳng định vị trí trong nghiên cứu chuyên sâu. Cùng quãng thời gian ấy, sinh viên ở các ngành học khác khi ra trường đã có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Ngoài ra, việc thiếu dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề như hiện nay cũng khiến thí sinh không hình dung được thị trường lao động trong tương lai nói chung, đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp nói riêng.

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm: Giới trẻ ngày nay nhìn nhận về nghề nghiệp khác so với trước đây. Thí sinh đã thực tế hơn nên xu hướng các em lựa chọn ngành học dễ tìm việc làm, thu nhập cao cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, ngành khoa học cơ bản học vất vả hơn, nhưng ra trường lại khó xin việc và thu nhập thường ở mức thấp.

Theo ông Khuyến, để thu hút người học, thay vì ngồi chờ thí sinh, các trường cần chủ động hơn trong việc truyền thông về hướng nghiệp; tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp để gắn khoa học với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đang thiếu sự đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề và những dự báo về sự biến động của nhu cầu ấy trong tương lai. Do đó, cần sớm có quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực cho 10 năm, 20 năm tới, từ đó mới có thể “đón đầu” được nhu cầu sử dụng các nguồn nhân lực. Để làm được điều này, cần thiết phải có sự vào cuộc của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Tổng cục Thống kê, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để thống kê, dự báo xem nguồn nhân lực cần trong 5 -10 năm tới sẽ ra sao, từ đó công khai rộng rãi cho toàn xã hội và thí sinh tham khảo.

Khẳng định các ngành khoa học cơ bản không phải không có cơ hội việc làm, thậm chí Nhà nước rất cần người giỏi, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi lưu ý thí sinh không nên chỉ "chăm chăm" lựa chọn các ngành được dự báo là hot mà bỏ qua những ngành học “xương sống” này.

Theo GS Nguyễn Trung Việt, trong một giai đoạn nhất định, sẽ có một số ngành cần nhiều nguồn nhân lực nhưng sau một vài năm, khi nguồn cung nhân lực quá lớn, sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp. Không thể phủ nhận, xu thế của một số ngành liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo nội dung trên nền tảng số... sẽ là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cho thấy sự bất ổn về kinh tế - xã hội, đòi hỏi cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thay đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động... Do đó, bên cạnh nỗ lực của chính các trường đại học, Chính phủ cũng nên có các chính sách ưu đãi để thu hút học sinh chọn các ngành khoa học cơ bản, tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai” - GS Nguyễn Trung Việt nêu quan điểm.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top