Giáo dụcKhoa học

Thêm giống lúa chất lượng cao cho nông dân huyện Điện Biên

00:00 - Thứ Sáu, 03/06/2016 Lượt xem: 3009 In bài viết
ĐBP - Từ lâu, gạo Điện Biên, trong đó chủ yếu là giống Bắc thơm số 7 đã nức tiếng ở nhiều tỉnh, thành bởi độ dẻo, thơm, hương vị đặc trưng. Do đó, giống lúa Bắc thơm số 7 chiếm diện tích lớn (hơn 70%) trên cánh đồng Mường Thanh; còn lại là diện tích gieo cấy các giống: IR64, lúa lai, tẻ T10 và nếp các loại. Từ việc chạy theo nhu cầu của thị trường, người nông đã dân vô tình  phá vỡ cơ cấu về giống lúa, không tuân thủ sự chỉ dẫn của các cơ quan chuyên môn. Do đó, những năm gần đây, nhiều diện tích lúa, đặc biệt là giống Bắc thơm số 7 bị sâu bệnh gây hại dẫn đến chất lượng và năng suất giảm.

Xuất phát từ thực tế đó, vụ chiêm xuân năm 2016, UBND huyện Điện Biên đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất lúa”. Đó là mô hình trồng lúa chất lượng cao với giống BT09 (Bắc thơm số 9) được triển khai thí điểm trên diện tích 6ha tại đội 5, xã Thanh Hưng với sự hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho người dân tham gia mô hình. 

Nông dân đội 5, xã Thanh Hưng tuốt lúa.

BT09 là giống lúa có khả năng đẻ nhánh tốt, trỗ bông tập trung; cây cao từ 85 - 100cm; cứng cây, bộ lá xanh, tán gọn; có khả năng chống nhiễm rầy, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié và bệnh bạc lá; không nhiễm bệnh đạo ôn, khô vằn; đặc biệt là chống chịu rét cao và có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với giống Bắc thơm số 7. BT09 có mật độ bông 315 bông/m2; số hạt chắc trên bông trung bình đạt 135 - 150 hạt, khối lượng 1.000 hạt đạt 18 - 22 gam.

Ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên đánh giá: Vụ chiêm xuân vừa qua, giai đoạn giữa vụ, lúa làm đòng có mưa đan xen kết hợp với nền nhiệt độ cao thuận lợi cho các loại rầy, nhện gié và bệnh khô vằn phát sinh, gây hại nhẹ; giai đoạn cuối vụ nền nhiệt độ cao, thuận lợi cho bệnh khô vằn tiếp tục phát triển gây hại trên ruộng. Song qua theo dõi, đánh giá BT09 có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh; cho năng suất cao (vụ chiêm xuân đạt 72 - 75 tạ/ha). Chi phí vật tư, phân bón cho giống BT09 chỉ tương đương, còn chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 60% so với các giống lúa khác; thời gian sinh trưởng của BT09 lại ngắn hơn 7 - 10 ngày. Có ưu điểm vượt trội về độ chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, sâu bệnh, BT09 là giống lúa tốt để nông dân nhân rộng diện tích gieo cấy trong vụ mùa.

Bà Chu Thị Mẫn, một hộ tham gia mô hình tại đội 5, xã Thanh Hưng chia sẻ: Khi bắt đầu tham gia mô hình, chúng tôi cũng rất lo lắng, không biết giống BT09 khi gieo cấy tại Điện Biên năng suất có đạt cao không. Song khi tiến hành gieo giống được khoảng 20 ngày, gặp đợt rét đậm, rét hại, nhiều thửa ruộng bên cạnh gieo các giống lúa khác, mạ bị chết rét phải cấy lại 100% diện tích nhưng giống BT09 không ảnh hưởng gì.

Cùng tham gia mô hình thí điểm với bà Mẫn, ông Tạ Văn Quang cho biết: Khi theo dõi quá trình sinh trưởng của lúa, tôi thấy giống BT09 chống chịu sâu bệnh tốt, cả vụ tôi không phải phun thuốc bảo vệ thực vật lần nào. Cây lúa lên xanh mướt, lúc chín hạt vàng đều; năng suất cao hơn giống Bắc thơm số 7 từ 8 - 10 tạ/ha. Những vụ tiếp, tôi sẽ dùng giống BT09 để thay thế hoàn toàn giống Bắc thơm số 7.

Để dần thay thế giống lúa Bắc thơm số 7 đã thuần giống, nhiễm bệnh nhiều, năng suất thấp, những năm gần đây, huyện Điện Biên đã tạo điều kiện để một đơn vị, doanh nghiệp cung cấp giống chất lượng cao, đồng thời bao tiêu sản phẩm được gieo cấy thử nghiệm trên cánh đồng Mường Thanh. Nhiều giống lúa đã được thử nghiệm như: AIQ 1102, Hương Việt 3, BT09... Qua đánh giá ban đầu, các giống lúa này khá phù hợp với đồng đất Điện Biên, có thể triển khai nhân rộng tại các địa bàn khác trong toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Kim Ngân
Bình luận
Back To Top