Giáo dụcKhoa học

Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong điều hành, sản xuất

00:00 - Thứ Sáu, 03/06/2016 Lượt xem: 3081 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, ngành sản xuất xi măng trong nước nói chung, Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Cung vượt cầu; giá điện, than, xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao... Trước những thách thức này, Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong quản lý cũng như áp dụng công nghệ phù hợp để nâng cao hiệu quả, sử dụng tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, qua đó góp phần giảm giá thành trong khi vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Nhà máy Xi măng Điện Biên xây dựng theo công nghệ lò quay, tự động hóa chiếm 90% các công đoạn sản xuất; công suất 370.000 tấn clanhke/năm (450.000 tấn xi măng/năm). Nhà máy Xi măng Điện Biên là cơ sở công nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay được hoàn thành và đưa vào sản xuất. Nhà máy sản xuất có các loại sản phẩm chính: Xi măng Phoóc lăng hỗn hợp PC40, PCB 30, PCB 40 theo TCVN 6260:1997; xi măng siêu mịn dùng chống thấm trong các công trình thủy lợi. Hiện Nhà máy có 450 cán bộ, công nhân (90% là người địa phương), với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Được xây dựng và cho ra sản phẩm vào giai đoạn Nhà nước thắt chặt đầu tư công; đồng nghĩa với điều đó là nhu cầu tiêu thụ xi măng trong các công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn giảm mạnh. Những năm gần đây, giá vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng liên tục tăng cao. Từ năm 2009 đến nay, giá than tăng gấp gần 2 lần; giá điện, xăng, dầu, nhân công đều tăng cao trong khi giá xi măng luôn giảm (giá bán xi măng hiện nay bằng 80% giá bán năm 2013). Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên: Hiện nay để sản xuất 1 tấn xi măng ở nước ta tiêu tốn khoảng 100kwh điện. Trong khi đó mức tiêu thụ trung bình ở những nước trong khu vực từ 85 - 90kwh điện/tấn xi măng. Như vậy việc tìm ra giải pháp quản lý cũng như áp dụng công nghệ phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất xi măng, góp phần giảm giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm luôn được Ban lãnh đạo Công ty quan tâm, trăn trở. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm đơn vị có từ 2 - 3 sáng kiến, đề tài khoa học trong cải tạo dây chuyền sản xuất hoặc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào một số công đoạn như: Lắp đặt biến tần cho các động cơ quạt gió; kiểm soát khí thừa, rò hơi, lắp trao đổi nhiệt, thu hồi nước ngưng, bảo ôn… để tận dụng tối đa nhiên liệu cho sản xuất. Việc lắp đặt biến tần cho các động cơ quạt gió đã giúp Công ty tiết kiệm mỗi năm trên 3 tỷ đồng tiền điện so với các thiết bị điện cơ cũ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh được Công ty quan tâm đặc biệt. Từ những năm đầu thành lập, Công ty đã trang bị cho các phòng, ban từ 1 - 5 máy tính kết nối internet để phục vụ công tác trao đổi, tìm kiếm thông tin, giao dịch, quảng bá hình ảnh; nội bộ Công ty sử dụng mạng LAN để kết nối, hỗ trợ trong công việc. Các phòng ban, bộ phận đều cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, sản xuất, kinh doanh bằng các phần mềm như: Họp trực tuyến Teamviewer, quản lý nhân sự, kế toán MISA, kế toán thuế, tính lương, chấm công, vận hành tự động... Cùng với việc xây dựng, cập nhật website Công ty: “ximangdienbien.com” nhằm giới thiệu quảng bá và giao dịch, chăm sóc khách hàng cũng như tin tức, sự kiện trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Công ty còn liên kết với các trang web khác để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, triển khai hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin giúp ban lãnh đạo Công ty có tầm nhìn bao quát trong quản lý; nâng cao chất lượng quản lý cũng như hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top