Giáo dụcKhoa học

Triển khai 4G, "nhà mạng" cung cấp dịch vụ gì?

15:05 - Thứ Hai, 12/09/2016 Lượt xem: 2922 In bài viết
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã giao các đơn vị chức năng triển khai sớm việc cấp phép 4G (công nghệ có tốc độ truyền tải dữ liệu lớn) trong tháng 9; đồng thời chuẩn bị phương án cấp phép băng tần 2600MHz cho 4G.

Được biết, Cục Viễn thông - Bộ TT-TT cũng đã có văn bản gửi các nhà mạng, yêu cầu nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép. Tuy nhiên, cùng với yếu tố kỹ thuật thì câu chuyện cung cấp dịch vụ (ứng dụng, nội dung) gì trên mạng này mới là vấn đề đang được quan tâm.

Trước đó, tại cuộc họp sơ kết Ngành TT-TT 6 tháng đầu năm 2016, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp (DN) sớm chuẩn bị thủ tục, để đẩy nhanh việc cấp phép 4G trong khoảng tháng 9 và tháng 10-2016, bởi Việt Nam đang bị đánh giá là triển khai 4G chậm so với nhiều nước trên thế giới. Tại hội thảo quốc tế về “Phát triển tiềm năng 4G-LTE hướng tới kỷ nguyên internet kết nối vạn vật”, tổ chức tại Hà Nội tháng 8 vừa qua, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho rằng, từ cuối năm 2015 chúng ta mới cấp phép cho thử nghiệm 4G, trong khi nhiều nước trên thế giới đã triển khai từ năm 2012. Trong khi, mạng 3G đã được khai thác 6-7 năm và tốc độ mạng 3G đã đạt đến giới hạn. Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, trước đây tốc độ mạng di động tại Việt Nam bị xếp vào nhóm thấp nhất thế giới có nguyên nhân từ việc chưa triển khai chính thức mạng 4G. Ông Mai Liêm Trực cho biết, trên thế giới đã có hơn 500 nhà mạng làm 4G và chính các DN trong nước mới là nhân tố quyết định, nếu không muốn bị tụt hậu so với thế giới.

Việc triển khai 4G chậm hơn so với thế giới cũng có những mặt tích cực, đó là giá thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối ở thời điểm hiện tại đã giảm nhiều, giúp DN giảm chi phí đầu tư mạng lưới, từ đó đưa ra giá thành gói cước tốt hơn; khách hàng sẽ được mua máy đầu cuối với giá rẻ. Tuy nhiên, việc triển khai 4G chậm kéo theo nguy cơ là mạng lưới không đáp ứng được nhu cầu phát triển các ứng dụng xây dựng chính phủ điện tử, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dữ liệu di động cao hơn. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo năm 2016 là thời điểm chín muồi để cấp phép 4G và các DN không thể chậm trễ hơn trong cung cấp dịch vụ.

Trở lại với các nhà mạng trong nước, sau khi được cấp phép thử nghiệm 4G-LTE vào tháng 10-2015, từ tháng 12-2015 lần lượt các mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đã thử nghiệm dịch vụ này tại Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Đến thời điểm này, 3 nhà mạng lớn đều cơ bản đã thử nghiệm xong việc cung cấp dịch vụ 4G, trong đó nhiều người dân đã được đổi sim 4G để trải nghiệm, sử dụng dịch vụ. Trong quá trình thử nghiệm, dư luận quan tâm hai vấn đề lớn là: Chất lượng và giá thành các gói cước. Về chất lượng, mạng 4G có tốc độ nhanh vượt trội là điều không phải bàn cãi. Còn giá cước, theo phân tích, do chi phí để nhà mạng cung cấp 4G rẻ hơn so với 3G nên giá thành sản xuất cùng một lượng dữ liệu trên 4G rẻ hơn. Điều đó có nghĩa, ít nhất giá cước 4G sẽ tương đương với 3G hiện nay.

Tuy nhiên, với các nhà mạng, vấn đề quan trọng đặt ra khi cung cấp 4G tại thị trường trong nước lại là các ứng dụng, nội dung trên 4G; từ đó tính bài toán hiệu quả, lợi nhuận khi đầu tư. Thực tế, trong quá trình thử nghiệm, nhà mạng mới chỉ giới thiệu vài gói cước có giá thành tương đương 3G. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của internet kết nối vạn vật, với việc con người sử dụng các công cụ kết nối để phục vụ cuộc sống. Như vậy, các nhà cung cấp phải phát triển được các dịch vụ ứng dụng để người dân có thể sử dụng, như: Truyền hình tốc độ cao; các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, tài nguyên - môi trường, năng lượng… để phục vụ cộng đồng.

Về giải pháp cho vấn đề xây dựng nội dung cho 4G, ông Mai Liêm Trực cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ di động nên bắt tay với nhà cung cấp nội dung để cho ra đời các sản phẩm ứng dụng cung cấp tới khách hàng. Chỉ đến khi phát triển được sản phẩm ứng dụng cho 4G thu hút người dùng, thì việc triển khai 4G mới có thể thành công.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top