Giáo dụcKhoa học

Thị trường viễn thông năm 2017: "Cuộc đua" của 4G

09:02 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 3677 In bài viết
Từ cuối tháng 10-2016, cơ quan quản lý đã cấp phép triển khai dịch vụ 4G cho ba nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone và ngay lập tức, các đơn vị này đã triển khai thử nghiệm để có thể chính thức cung cấp dịch vụ trên diện rộng trong thời gian sớm nhất. Như vậy, pháo hiệu về "cuộc đua" 4G trong năm 2017 đã chính thức bắt đầu.

Gấp rút phủ sóng 4G

Thực tế, chỉ một tuần sau khi nhận giấy phép, VNPT - VinaPhone là nhà mạng đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại huyện đảo Phú Quốc (ngày 3-11-2016). Cuối tháng 12-2016, Viettel thông báo, miễn phí đổi sim 4G trên toàn quốc từ ngày 1-1-2017. Nhận giấy phép triển khai dịch vụ 4G, Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố: “Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với mạng 2G trước đây, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia triển khai 4G mạnh nhất trên thế giới trong vài năm tới”.

 

Nhân viên VinaPhone giới thiệu dịch vụ 4G cho khách hàng.

Với MobiFone, từ đầu tháng 12-2016, nhà mạng đã có chính sách khuyến khích khách hàng đổi sim 4G bằng cách tặng voucher (trị giá 500.000 đồng) cho thuê bao dùng điện thoại thông minh đăng ký thêm gói mConnec, để chuẩn bị cho việc chính thức khai trương dịch vụ 4G trong quý I-2017.

Như vậy, cả 3 nhà mạng lớn đều đang khẩn trương triển khai 4G trên toàn quốc. Theo các chuyên gia, trong "cuộc đua" này, nhà mạng nào có vùng phủ sóng rộng hơn sẽ thắng. Và dường như, Viettel đã sẵn sàng hơn cả, vì động thái công bố đổi sim 4G cho khách hàng trên toàn quốc cho thấy, nhà mạng tự tin về năng lực hạ tầng mạng lưới và sẽ sớm chính thức triển khai 4G trên toàn quốc.

Song, khi Viettel vào cuộc sớm, trên quy mô cả nước, chắc chắn VinaPhone và MobiFone không thể ngồi nhìn và cũng phải gấp rút đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới. Đơn giản vì đó là bài toán cạnh tranh; nếu không muốn mất thuê bao, nhà mạng phải đáp ứng các điều kiện chất lượng tốt nhất cho khách. Công bố của Viettel sẽ "triển khai 4G như đã từng làm với 2G" được chú ý, vì điều đó có nghĩa nhà mạng này có tới 35.000 trạm BTS. Với VinaPhone, ngoài huyện đảo Phú Quốc, VNPT - VinaPhone đang triển khai phủ sóng 4G tại các thị trường trọng điểm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh phía Nam, để khai trương 4G trong quý I này.

Dự kiến, cuối năm 2017, VNPT - VinaPhone phủ sóng 4G trên cả nước, với 15.000 trạm BTS.

Liệu có cuộc đua về giá?

Thời điểm nhận giấy phép triển khai 4G, lãnh đạo Tập đoàn VNPT và Viettel đều cho biết, sẽ cung cấp dịch vụ với giá cước tương đương 3G. Thực tế, sau khi khai trương 4G tại Phú Quốc, VNPT - VinaPhone đã đưa ra các gói cước dữ liệu với giá không đổi, thậm chí có gói cước còn thấp hơn 3G. MobiFone, dù chưa thông báo chính thức, song do cả hai nhà mạng lớn, lại là đối thủ cạnh tranh đã công bố giá cước như vậy, nên đương nhiên MobiFone cũng không thể đưa ra các gói cước giá cao hơn. Trước đó, trong giai đoạn thử nghiệm, các gói cước 4G của MobiFone đã tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng, với nhiều ưu đãi.

Song, do đặc thù công nghệ, tốc độ 4G cao gấp nhiều lần 3G nên việc dùng dữ liệu sẽ nhanh hết; mà theo thói quen và tâm lý tiêu dùng, khách hàng sẽ phải mua thêm dung lượng sử dụng. Vì vậy, rất có thể, chi phí cho dùng gói dữ liệu sẽ tăng theo. Cũng cần nhắc lại câu chuyện 3G trước đây, đó là ở giai đoạn đầu, để hút khách hàng, các nhà mạng lớn đã đưa ra mức cước thấp; sau đó, viện dẫn quy định không được bù chéo dịch vụ, không được bán dưới giá thành, các nhà mạng đã kiến nghị tăng giá. Việc này đã gây phản ứng trong dư luận xã hội cuối năm 2013, đến mức Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu kiểm tra, làm rõ có hay không nhà mạng “bắt tay” tăng cước 3G. Vấn đề đặt ra là liệu câu chuyện tương tự có xảy ra với dịch vụ 4G? 

Trao đổi với báo chí ngày 12-1, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam và Đông Dương Thiều Phương Nam chia sẻ, trong giai đoạn đầu, mạng 4G có thể xảy ra tình trạng rớt cuộc gọi, điện thoại mau hết pin. Nguyên nhân là các nhà mạng chưa tối ưu được mạng lưới, trong khi mạng 4G cần tới 4 lớp thiết kế, phức tạp hơn 3G… Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà cung cấp dịch vụ 4G là phải tối ưu hóa mạng lưới, mới có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất.

So sánh với 3G, công nghệ LTE - A (4G) có tốc độ nhanh gấp 7 đến 10 lần. Về lý thuyết có thể download đạt 300 MB/s; thực tế có thể đạt 42 MB/s. Upload đạt 150 MB/s; thực tế có thể đạt 30 MB/s. Trong khi đó 3G download thực tế đạt 7,2 MB/s và upload đạt 3 MB/s.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top