Giáo dụcKhoa học

Phát triển viễn thông-CNTT trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4

10:40 - Thứ Ba, 28/02/2017 Lượt xem: 3364 In bài viết
Chiều 27-2, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, đứng trước cơ hội cũng như thách thức lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một trong những giải pháp thực hiện là thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, nâng cao công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, cũng như tăng cường nhận thức và có các biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin (ATTT).

 

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, toàn ngành cần tập trung thực hiện 6 giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, đó là nhiệm vụ tăng cường công tác phát triển, đào tạo nhân lực viễn thông (VT)-CNTT từ nay cho đến năm 2020.

Để đón bắt được cơ hội đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ nay đến năm 2020, Bộ TT-TT sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành điện tử, VT-CNTT và an toàn thông tin. Đây là một nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của ngành với mục tiêu không chỉ tập trung vào số lượng mà còn bảo đảm được chất lượng chuyên môn và đặc biệt phải có các kỹ năng mềm cần thiết và khả năng ngoại ngữ tốt để có thể hội nhập sâu hơn với thị trường công nghệ toàn cầu.

Trong năm 2017, Bộ sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ GD-ĐT để việc đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT sát với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động và nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực VT-CNTT.

Thứ hai, Bộ hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ sẽ phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành của Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực VT-CNTT. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua công tác truyền thông để nâng cao hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, tạo sự thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT-TT triển khai bằng việc đưa ra các biện pháp cụ thể, có những không gian sáng tạo với cơ chế linh hoạt và ngân sách đầu tư thích hợp để ứng dụng các sáng kiến vào thực tế quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ kinh doanh cũng như khởi tạo những sản phẩm có tính đột phá, đặc biệt các sản phẩm có tính mở với phạm vi ứng dụng trên toàn cầu.

Thứ ba, các nhà mạng triển khai mạng 4G và phát triển dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT). 

Theo Bộ trưởng, trong năm 2017, Bộ TT-TT sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G, bảo đảm cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung trên nền tảng này. "Trong dài hạn, tôi hy vọng các nhà mạng sẽ đẩy nhanh tốc độ để nghiên cứu, phát triển, làm chủ được các nền tảng khoa học, công nghệ, tiến tới việc cung cấp các dịch vụ VT-CNTT trọn gói, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin không chỉ cho các cơ quan của Chính phủ mà còn cho các doanh nghiệp" - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, việc phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ IoT (internet vạn vật) với các ứng dụng đơn cử như các ngôi nhà thông minh dựa trên các kết nối internet tạo nên tiện ích điều khiển từ xa bật tắt thiết bị điện gia dụng và ngắt khi đã sử dụng xong để tiết kiệm năng lượng, hay như hệ thống an ninh khi phát hiện sự nguy hiểm sẽ cảnh báo cho con người cũng như có một số biện pháp chủ động ứng phó để bảo vệ ngôi nhà hoặc thông báo tới công an địa phương. Từ ngôi nhà kết nối thông minh, cùng với việc kết nối tới các dịch vụ quản lý của chính quyền như điều khiển hệ thống ánh sáng thành phố, điều hướng giao thông thông minh, liên kết xử lý thông minh hệ thống báo cháy, báo khói, liên kết các hệ thống giám sát và rất nhiều dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ hình thành một thành phố thông minh. Tất cả đều cần sự kết nối, sự tham gia sáng tạo và thực hiện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT-TT mà đặc biệt là các nhà mạng viễn thông cần đi tiên phong, đóng vai trò chủ đạo.

Thứ tư, phát triển Chính phủ điện tử và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Ngay trong năm 2017, Bộ TT-TT phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng vị trí của Việt Nam về chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc. Ngoài ra, Bộ sẽ có những giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương theo Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 về chính phủ điện tử; tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế, trong đó ưu tiên triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp dân số, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT trong quản lý các nguồn lực phát triển đất nước.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Với tốc độ phát triển vượt bậc trên phạm vi toàn cầu, internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đại đa số người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, ước tính có trên 1.300 lĩnh vực ứng dụng giao dịch điện tử, các hình thức giao dịch điện tử rất phong phú bao gồm: gửi thư, văn bản điện tử, trao đổi dữ liệu điện tử, thanh toán điện tử, thương mại điện tử…Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, sự phát triển của các loại hình giao dịch điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đặc biệt là vấn đề xác thực, bảo mật trong giao dịch điện tử.

Để giải quyết được vấn đề này, công tác chứng thực điện tử đóng một vai trò quan trọng để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động về giao dịch điện tử. Do vậy, năm 2017, Bộ TT-TT sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động này...

Thứ sáu, tăng cường bảo đảm ATTT. Đây luôn là chủ đề nóng và được Bộ TT-TT quan tâm bởi tính quyết định của vấn đề đối với sự phát triển bền vững của ngành VT-CNTT. Trong năm 2017, Bộ TT-TT tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố và tạo sức bật cho các công tác đảm bảo ATTT trong thời gian tới. Công tác đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng chủ động phản ứng với sự cố, hỗ trợ rà soát các điểm yếu ATTT trong các hệ thống thông tin hay đầu tư giải pháp trọng điểm về phát hiện và phòng chống các nguy cơ tấn công sẽ được tiếp tục quan tâm và triển khai mạnh mẽ.

Từ những bài học về ATTT tại các nước tiên tiến hàng đầu trên thế giới thì việc chỉ tập trung đầu tư các giải pháp công nghệ là chưa đủ mà phải đẩy mạnh đầu tư các yếu tố con người như nâng cao nhận thức, kỹ năng và tầm nhìn quản lý ATTT. Lực lượng nhân lực ATTT phải mạnh thì mới có thể vận hành hiệu quả các hệ thống kỹ thuật hiện đại và từng bước cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ ATTT thế giới.

Cuối cùng, thay mặt Bộ TT-TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn gửi lời cảm ơn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cán bộ công nhân viên đang ngày đêm làm việc để bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc an toàn, thông suốt. "Viễn thông là huyết mạch thông tin của đất nước, tôi hy vọng và tin tưởng sức sáng tạo trong lĩnh vực CNTT sẽ làm hiệu quả hơn các dòng chảy thông tin, sẽ làm giàu thêm cho đất nước bởi sự sáng tạo"- Người đứng đầu ngành TT-TT nhấn mạnh.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top