Giáo dụcKhoa học

Trường Phổ thông DTNT tỉnh

Ứng dụng dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật

06:04 - Thứ Sáu, 22/04/2022 Lượt xem: 84243 In bài viết

ĐBP - Những năm trở lại đây, phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh được đẩy mạnh với nhiều sản phẩm, dự án đạt được nhiều giải của các cấp, ngành tổ chức. Từ đó, không ít thành quả đã được ứng dụng vào thực tiễn nhà trường, địa phương và mang lại hiệu quả thiết thực.

Cô và trò Trường Phổ thông DTNT tỉnh tập trung triển khai thực hiện dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Dự án “Website hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt” do thầy Lê Thành Long hướng dẫn vừa đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2021 - 2022. Nói về dự án này, thầy Long chia sẻ: Hiện nay nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại một số xã, huyện miền núi vùng sâu, vùng xa có nhu cầu sử dụng xe mô tô nhưng không biết đọc, viết tiếng Việt nên chưa có giấy phép lái xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Vậy nên, nhóm đã xây dựng website những chức năng như: Thi thử, thi theo bộ đề, mẹo ghi nhớ, các biển báo... theo hướng dễ nhớ hơn so với phần mềm do Sở Giao thông vận tải cung cấp. Nếu như phần mềm do Sở Giao thông vận tải cung cấp phải tải về điện thoại hoặc máy tính, cài đặt rất phức tạp, tốn dung lượng và nặng máy thì dự án lại chỉ cần thao tác trực tiếp trên website. Giao diện được thiết kế phù hợp, tiện dụng trên điện thoại thông minh sẽ giúp ích cho việc ôn thi lý thuyết lái xe một cách dễ dàng, tiện lợi và ở bất cứ đâu. Đặc biệt là có file âm thanh tiếng Mông dành cho đồng bào Mông chưa sử dụng được tiếng Việt có thể ôn luyện một cách dễ dàng.

“Dự án ra đời tạo điều kiện cho học sinh hiểu biết hơn về ngôn ngữ lập trình web, đặc biệt là WordPress. Cùng với đó, giúp việc ôn luyện phần thi lý thuyết sát hạch giấy phép lái xe A1 của người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Đã có những người dân chưa sử dụng được tiếng Việt sử dụng website hocbanglaixemay.com để ôn luyện. Sau khi ôn luyện họ đã đăng kí thi tại các cơ sở sát hạch lái xe tại Điện Biên và có kết quả đúng như mong đợi. Những người này đã gửi lời cảm ơn chúng tôi vì sáng tạo trang web giúp họ dễ dàng luyện thi và có kiến thức về giao thông. Đây cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển và hoàn thiện website hơn để có thể ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn” - Thầy Long cho biết thêm.

Cũng là về dân tộc Mông, Dự án “Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông đen ở tỉnh Điện Biên” vừa giành giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2021 - 2022. Ngay từ khâu thực hiện, dự án đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu thực tế, tìm hiểu qua các tư liệu, giúp cho học sinh nâng cao hiểu biết về ý nghĩa nhân văn của tết Nào Pê Chầu. Cô Trần Thị Lan Anh, giáo viên hướng dẫn Dự án cho biết: Để thực hiện Dự án, nhóm đề nghị với các tổ chức đoàn thể của trường lồng ghép các hoạt động tiêu biểu của tết Nào Pê Chầu vào trong các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, tết dân tộc như: Giã bánh giầy, múa khèn, ném pao, thổi sáo... Các hoạt động trải nghiệm tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, thể hiện được tinh thần đoàn kết tập thể, lan tỏa những nét văn hóa của dân tộc một các thiết thực nhất. Cùng với đó, nhóm kết hợp với các tổ chức đoàn thể của trường để tuyên truyền về những nét đặc sắc, ý nghĩa Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen qua các giờ ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ bằng hình thức: Thi thuyết trình, kể sáng tạo. Không chỉ vậy, nhóm còn xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền qua trang mạng xã hội facebook “Tự hào văn hóa dân tộc Mông” và tập san “Cảm nhận của học sinh Trường Phổ thông DTNT tỉnh về Tết Nào Pê Chầu”. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng trang facebook để gắn kết với các hội nhóm, cá nhân để trao đổi thông tin, đóng góp ý kiến tuyên truyền sâu rộng trên các diễn đàn với các bạn học sinh trong và ngoài trường. Qua quá trình thực hiện dự án, đã thu được những kết quả khả quan. Nhóm nhận thấy Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen vẫn giữ được nét đẹp truyền thống nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Hoạt động trải nghiệm của dự án đã thu hút được sự tham gia của các thầy cô giáo, sinh toàn trường, bồi đắp thêm thái độ trân trọng truyền thống văn hóa, trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển của cộng đồng. Các bạn học sinh trong trường thêm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc mình và có ý thức tôn trọng bản sắc văn hóa của dân tộc khác.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top