Lay Nưa sản xuất nông nghiệp bền vững

00:00 - Thứ Sáu, 10/04/2015 Lượt xem: 1901 In bài viết
ĐBP - Xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) có 18 bản, trong đó 15 bản vùng thấp, ruộng đồng bằng phẳng, gần nguồn nước, nông dân có nhiều kinh nghiệm kỹ thuật canh tác lúa ruộng lâu đời. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp người dân phát triển nông nghiệp bền vững, xóa đói giảm nghèo. Gần đây, xã đã khai thác tiềm năng thế mạnh của từng bản, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (chỉ còn 9,3%), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh.

Ông Vàng Văn Huỳnh, cán bộ khuyến nông xã Lay Nưa, cho biết: Hiện nay, xã có 173ha đất ruộng, trong đó 138ha gieo cấy được 2 vụ lúa/năm, năng suất bình quân 56 – 60 tạ/ha. Những năm gần đây, bằng nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, 15/15 bản vùng thấp của xã Lay Nưa được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa ruộng. Bên cạnh đó, hàng năm nông dân các bản còn được hỗ trợ giống, tuyên truyền phổ biến kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, chế biến lúa sau thu hoạch. Các mô hình khuyến nông sản xuất lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt được trình diễn, phổ biến nhân rộng cho các hộ dân. Năm 2014, mô hình nuôi gà mía được trình diễn tại bản Na Ca, với 31hộ tham gia, mỗi hộ nuôi 24 con, trong 3 tháng. Ở bản Ho Cang, mô hình làm nấm rơm với 15 hộ tham gia; mô hình trồng rau an toàn sinh học 15 hộ thực hiện trên diện tích 2ha. Mặt khác, 9ha đất trũng, sình lầy của các bản gieo trồng kém hiệu quả được chuyển đổi làm ao nuôi trồng thủy sản. Trên diện tích ao nói trên, nhiều hộ dân các bản: Ho Cang, Tạo Sen, Ho Luông… nuôi cá thịt, ương cá giống, nuôi ngan, vịt, bờ ao tận dụng trồng các loại rau xanh cho thu nhập 30 - 50 triệu đồng/hộ/năm. Mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, với mô hình VAC kết hợp. Nhờ đó, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ở Lay Nưa đã phát triển bền vững, cho thu nhập ổn định, đời sống người dân thay đổi nhiều.

Nhiều gia đình bản Ho Cang tận dụng bờ ao trồng rau, cây ăn quả, tăng thu nhập.

Anh Lò Văn Trường, Trưởng bản Ho Cang, cho biết: Bản có 100 hộ, 15ha ruộng, 3ha ao. Tuy đất không nhiều nhưng nhờ sản xuất thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên đời sống, thu nhập của người dân tăng lên. Hiện nay, 100% số hộ trong bản có ti vi, xe máy; 80% hộ có máy tuốt lúa, 30% hộ có máy làm đất nông nghiệp; trên 90% hộ có nhà đạt tiêu chuẩn “3 cứng”. Bản có 1 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 4 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, bản chỉ còn 7/100 hộ thuộc diện nghèo.

Chúng tôi đến bản Ho Cang vào thời điểm đầu tháng 3/2015, tham quan mô hình sản xuất rau an toàn của gần 20 hộ. Diện tích đất sản xuất ở đây không nhiều nhưng nông dân đã tận dụng triệt để vào sản xuất. Gia đình anh Lò Văn Tắn, có hơn 1.000m2 ao nuôi cá thịt và ương cá giống. Ngoài ra, gia đình chăn nuôi lợn, gà, vịt, làm dịch vụ bán thức ăn chăn nuôi, cho tổng thu nhập 100 triệu đồng/năm. Gia đình anh Lù Văn Quyền, chỉ có 600m2 ao, 800m2 đất trồng các loại rau xanh, nhưng biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất: đất trồng rau được thâm canh tăng vụ, mặt nước tận dụng nuôi ngan, vịt, bờ ao trồng rau xanh, chuối, ao ương cá giống… nhờ đó, cho thu nhập 60 triệu đồng/năm.

Sản xuất nông nghiệp bền vững đã góp phần ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân ở Lay Nưa. Tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi gia đình, mỗi bản, sản xuất theo hướng hàng hóa, được người dân đồng thuận, chủ động thực hiện tích cực đã làm thay đổi bộ mặt đời sống – xã hội nông thôn ở Lay Nưa.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top