Cây đậu tương trên đất dốc Tủa Chùa

00:00 - Thứ Sáu, 10/04/2015 Lượt xem: 1791 In bài viết
ĐBP - Sau gần 20 năm đưa vào canh tác (từ năm 1998) trên đất dốc Tủa Chùa, cây đậu tương ngày càng khẳng định được tính ưu việt của nó: Cụ thể dễ canh tác, chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhu cầu xã hội lớn, nên những năm gần đây, đậu tương phát triển nhanh trên địa bàn huyện Tủa Chùa và trở thành một trong những cây nông nghiệp chủ đạo tại địa phương...

Huyện Tủa Chùa hiện có khoảng 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 8.000ha là đất nương. Do địa hình chủ yếu núi cao, vực sâu, nên độ dốc đất sản xuất trên nương tương đối lớn (bình quân 10 - 150). Những năm gần đây, thời tiết địa bàn Tủa Chùa hạn hán kéo dài; mưa lũ cục bộ thường xuyên xảy ra, là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Việc canh tác một số cây nông nghiệp chủ đạo, như: lúa, ngô càng trở nên khó khăn bởi tính chịu hạn của những loại cây này tương đối kém. Bên cạnh đó, các trận mưa lũ cục bộ, mưa lũ trên diện rộng là nguyên nhân làm đất bạc màu, khiến cây trồng sinh trưởng kém. Điều này đồng nghĩa với sản lượng, chất lượng cây trồng trên nương thấp. Thực tế này được chứng minh thông qua chỉ số phát triển nông nghiệp tại địa phương trong những năm gần đây: Diện tích đất nông nghiệp tăng bình quân 3 - 4%/năm, có năm tăng đột biến 7%, nhưng sản lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ tăng bình quân 2 - 3%. Thậm chí có năm thời tiết không thuận: rét đậm rét hại và hạn hán làm sản lượng nông nghiệp không những không tăng mà còn giảm mạnh.

Nông dân bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình làm đất chuẩn bị trồng đậu tương vụ xuân hè năm 2015.

Từ thực tế nêu trên, để sản xuất nông nghiệp trên đất dốc đạt hiệu quả cao luôn là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều biện pháp giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất: đầu tư thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ sản xuất; hỗ trợ nông dân kinh phí khai hoang, phục hóa, làm ruộng bậc thang nhằm chống bạc màu đất... được huyện quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian đầu sau khai hoang, phục hóa, lòng ruộng bậc thang toàn đất củ, thiếu mùn nên các loại cây lúa, ngô đều khó sinh trưởng. Một số hộ dân canh tác ngô, lúa thời gian đầu sau khai hoang thấy không hiệu quả nên nản chí dẫn đến tỷ lệ hoang hóa sau khai hoang lớn. Khắc phục tình trạng này, huyện Tủa Chùa được sự hỗ trợ từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tiến hành thử nghiệm đưa cây đậu tương canh tác trên đất dốc; trồng cải tạo đất tại những chân ruộng bậc thang thời kỳ đầu sau khai hoang đem lại kết quả khả quan. Với đặc tính có thể canh tác trên diện tích nương có độ dốc lớn, đất bạc màu; chịu hạn tốt; không cần chăm bón nhiều; ít sâu bệnh; chi phí đầu tư thấp, có thể trồng quanh năm, ít tốn công lao động và giá sản phẩm ổn định. Đặc biệt, cây đậu tương vẫn cho năng suất, chất lượng cao tại những chân ruộng bậc thang sau khai hoang. Giống đậu tương DT84 với nhiều đặc tính ưu việt: khả năng chống chịu tốt với các loại sâu, bệnh và điều kiện khí hậu không thuận, chịu hạn, chịu rét tốt, sinh trưởng phát triển mạnh, năng suất thực tế đạt bình quân 15 tạ/ha, trong điều kiện thuận lợi có thể đạt 22 - 25 tạ/ha cho vụ xuân và thu đông trên chân đất 1 vụ nên được nông dân trên địa bàn ưa thích. Với giá thị trường hiện tại 12.000 đồng/kg, trồng 1 héc ta đậu tương có thể thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/vụ. Năm 2014, sản lượng đậu tương tcủa huyện Tủa Chùa đạt gần 2.400 tấn. Ngoài đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ, bà con nông dân trong huyện bán ra thị trường trên 1.500 tấn đậu tương thương phẩm. Hiện nay, cây đậu tương được trồng ở tất cả các xã trong huyện, với diện tích ổn định từ 1.500 - 1.800ha/năm. Tại một số xã, diện tích canh tác cây đậu tương chiếm gần 50% tổng diện tích đất nương, như: Sính Phình, Tủa Thàng, Xá Nhè và Mường Báng. Bên cạnh việc canh tác tại diện tích quy hoạch, cây đậu tương được nhân dân các dân tộc các xã phía Nam huyện như: Huổi Só, Tủa Thàng, Mường Đun, Mường Báng xen canh với diện tích trồng ngô, trồng trên chân ruộng 1 vụ, trồng ven sông Đà, sông Nậm Mức và những vùng đất bồi các khe suối nhỏ; đồng bào Mông các xã nằm phía Bắc huyện: Sính Phình, Trung Thu, Tả Phìn trồng trên đất nương, đất bạc màu góp phần quan trọng tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top