Chấp hành quy định ở cây xăng:

Xin đừng làm ngơ

00:00 - Thứ Hai, 04/01/2016 Lượt xem: 1997 In bài viết
ĐBP - Trước đây, hình ảnh người dân sử dụng điện thoại di động (ĐTDD) ở các cây xăng khá phổ biến. Tuy đến nay hiện tượng đó không còn, song nhiều người lại bỡ ngỡ về mức xử phạt. Hành vi sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng trước chỉ bị xử phạt từ 200.000 - 500.000 đồng, nhưng theo Nghị định 52 từ ngày 5/8/2012 mức phạt đã nâng đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi thì nhiều người dân vẫn tỏ ra ngơ ngác trước thông tin này.

Dạo quanh khu vực T.P Điện Biên Phủ, chúng tôi thấy một số cây xăng có dán biển “Cấm sử dụng ĐTDĐ” để nhắc nhở người dân. Thế nhưng, hầu hết lại không có bảng quy định cụ thể mức xử phạt việc sử dụng ĐTDĐ. Chị Nguyễn Thị Hải, phường Mường Thanh, T.P Điện Biên Phủ, cho biết: Tôi chỉ biết đến cây xăng thì không sử dụng ĐTDĐ chứ không biết sẽ bị phạt nhiều như vậy. Không chỉ tôi mà có lẽ nhiều người khác cũng không nắm được thông tin này...

Người dân mua xăng tại cửa hàng của Công ty Xăng dầu Điện Biên.

Quy định cấm sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng là chuyện nên làm nhưng vấn đề xử phạt lại gặp khó khăn, vì không phải lúc nào cũng có cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) hay dân phòng túc trực để xử phạt vi phạm. Ông Phí Văn Túc, Chánh thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ, cho biết: Việc đưa vào áp dụng nghị định mới này là cần thiết và có tính răn đe đối với các hành vi có nguy cơ cháy nổ do ĐTDĐ gây ra. Thẩm quyền xử phạt không chỉ có cảnh sát Phòng cháy chữa cháy mà các lực lượng khác như: công an và các cấp chính quyền đều có quyền xử phạt. Như vậy, nhân viên cây xăng hoặc người đổ xăng cũng có trách nhiệm ngăn chặn và báo cáo cho cơ quan chức năng về hành vi nghe điện thoại ở cây xăng. Bởi vậy, kể cả khi người có thẩm quyền xử phạt không có mặt thì hành vi này cũng có thể được ngăn chặn và báo cáo. Cũng theo ông Túc, thời gian qua, việc thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn về đo lường chỉ có thể xử lý phần “ngọn”. Để đảm bảo chất lượng đo lường thì các chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chính là phần cốt lõi. Và bản thân họ cũng cần nêu cao đạo đức trong kinh doanh, có như vậy, vấn nạn gian lận về đo lường mới được ngăn chặn, quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo vệ. Hơn nữa, Chi cục chỉ quản lý về mặt chuyên môn chứ không có quyền xử phạt. Trong trường hợp phát hiện sai phạm thì Chi cục sẽ lập biên bản gửi lên Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ xem xét.

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về hiện tượng “móc túi” ở các cây xăng tại nhiều địa phương trong cả nước dưới hình thức đong đo thiếu, bán hàng không đúng chất lượng. Đây cũng là nỗi lo của hầu hết người tiêu dùng. Để bảo vệ người tiêu dùng và chấn chỉnh việc thực hiện, chấp hành nghiêm túc quy định tại các cây xăng – Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thanh tra chuyên đề về đo lường, hiện nay, những chiêu, trò gian lận kinh doanh xăng dầu ngày càng phổ biến và phức tạp với nhiều hình thức gian lận tinh vi, kín đáo để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao thanh tra Sở và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng rà soát các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tập trung thanh tra, kiểm tra những cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa, có nhiều biểu hiện vi phạm nhằm phát hiện những thủ đoạn gian lận về đo lường, chất lượng (đặc biệt là hành vi gian lận trong việc sử dụng các thiết bị điện tử để điều chỉnh sai số của cột đo xăng dầu) để tổ chức ký cam kết theo đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận. Qua các đợt thanh, kiểm tra cho thấy có nhiều đơn vị làm tốt cả về chiến lược phát triển cũng như việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng xăng dầu.

Quản lý 25 cửa hàng xăng dầu, Công ty Xăng dầu Điện Biên hiện là đơn vị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Do vậy, công tác thanh, kiểm tra tới các cửa hàng xăng dầu trực thuộc cũng được đơn vị đặc biệt chú trọng thường xuyên. Ông Hoàng Gia Bảo, Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Điện Biên, cho biết: Công ty đã tổ chức đợt kiểm tra định kỳ 25 cửa hàng xăng dầu và 1 đợt kiểm tra chuyên đề về tiêu chuẩn đo lường đối với 12 cửa hàng xăng dầu trực thuộc. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị chấp hành tốt quy định về quản lý chất lượng xăng dầu, đảm bảo chất lượng so với kiểm nghiệm gốc.

Quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của Sở Khoa học và Công nghệ mà cần nhiều đơn vị như: công thương, công an và chính quyền địa phương. Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở nếu có hành vi gian lận về đo lường, để cho người tiêu dùng biết. Trên cơ sở đó hình thành mạng lưới giám sát sâu rộng của nhân dân đối với các cơ sở kinh doanh bán lẻ xăng dầu… để từ đó phát hiện kịp thời và xử lý chính xác, nghiêm túc các vi phạm.

Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top