Cam Mường Nhé trước nguy cơ chỉ còn trong ký ức

00:00 - Thứ Hai, 11/01/2016 Lượt xem: 1781 In bài viết
ĐBP - Xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) từ lâu đã được biết đến với nghề trồng cam truyền thống, một sản vật “nức tiếng” trong lòng du khách gần xa, mỗi khi ghé thăm mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Tuy nhiên, trái cam với vị thơm ngon đã từng làm nên đặc sản, có giá trị kinh tế cao đang dần bị thoái hóa và đứng trước nguy cơ chỉ còn trong ký ức...

Người trồng cam không còn “mặn mà”

Bản Mường Nhé - vốn được mọi người biết đến là mảnh đất của những người trồng cam truyền thống. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, ở trong bản, người người, nhà nhà đổi thay nhờ trồng cam bởi trái cam đã trở thành món ăn “đặc sản” nức tiếng với vị thơm ngọt dịu, nguồn lợi kinh tế cao. Trải qua những thăng trầm, bản Mường Nhé hôm nay không còn nhiều nữa những người kỳ cựu trong việc trồng và lai tạo giống cam truyền thống...

Ông Quàng Văn Tưởng, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé thu hoạch cam truyền thống.

Theo giới thiệu của người dân trong bản, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Quàng Văn Tưởng - một số ít hộ trồng cam truyền thống còn lại. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam đang vào vụ thu hoạch với những trái cam mọng nước, vàng óng; ông Tưởng kể: Cam truyền thống Mường Nhé có nguồn gốc từ giống cam Mường Pồn. Là giống cây có thân cao từ 6 - 7m, tán rộng, cách trồng và chăm sóc đơn giản, quả chín chuyển màu vàng óng, vỏ dày xù xì, nhưng mọng nước, vị ngọt được các chiến sỹ biên phòng đưa về trồng vào khoảng những năm 1975 - 1978. Đến những năm 90, khi thấy người dân trong bản trồng rầm rộ, ông mới bắt đầu xin giống về trồng, ban đầu cũng chỉ trồng một số gốc để phục vụ nhu cầu gia đình. Năm 1994, nhận thấy cây cam phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục nhân giống, mở rộng quy mô trồng với hơn 200 gốc, khoảng 3ha. Nhưng do điều kiện giao thông lúc bấy giờ đi lại cách trở, người tiêu dùng chưa biết nhiều đến hương vị cam truyền thống nên việc xuất bán gặp rất nhiều khó khăn; nhiều lúc ông nghĩ đến việc chuyển đổi trồng giống cây khác. Mãi đến những năm 2007, trung tâm huyện chuyển về xã Mường Nhé, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng, thuận tiện cho việc giao thương buôn bán, đó cũng là lúc cam được tiêu thụ với số lượng lớn, nhiều tiểu thương ở huyện và vùng lân cận còn đến tận vườn thu mua với giá thành cao. Cam truyền thống thường được thu hoạch vào tháng 10 với giá bán trên thị trường dao động từ 30 - 35 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, cũng theo ông Quàng Văn Tưởng vài năm trở lại đây cây cam truyền thống trồng từ 10 năm trước đã bắt đầu già cỗi, thoái hóa, chết dần, năng suất thấp. Đặc biệt, việc lai tạo giống, nhân giống từ hạt và chiết cành gặp nhiều khó khăn, một số gốc khi lai tạo thành công cũng chỉ từ 2 - 3 năm do ảnh hưởng bởi thời tiết và sâu bọ nên cũng chết dần, dẫn đến nhiều rủi ro cho người trồng. Đó là nguyên nhân khiến người dân không còn mặn mà với cây cam truyền thống mà chuyển sang trồng những cây ngắn ngày cho thu hoạch thiết thực hơn, như: Sắn,  ngô... Nhận thấy nguy cơ mất đi một giống ăn quả có giá trị kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé đã có những biện pháp hỗ trợ như: hướng dẫn sử dụng và cung ứng thuốc trừ sâu, hướng dẫn kỹ thuật ghép cành để khôi phục và phát triển cây cam truyền thống, nhưng cây cũng chỉ tồn tại được vài năm rồi lụi dần.

Khó khôi phục giống cam truyền thống

Ông Chu Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé, cho biết: Trước đây, cam truyền thống được trồng nhiều ở bản Mường Nhé và bản Phiêng Kham... Để xác định rõ nguyên nhân vài năm trở lại đây cây cam truyền thống đang trong thời kỳ trưởng thành (trồng từ 2 - 3 năm) bị chết, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh tiến hành khảo sát, kiểm tra thực địa, cách trồng và chăm sóc. Theo khẳng định của ông Chu Văn Sâm, nguyên nhân chính dẫn đến cây bị chết và thoái hóa là do sâu đục thân làm cho cây khô và không còn khả năng phát triển. Việc khôi phục vùng trồng cam truyền thống khó có thể làm được.

Để hỗ trợ người dân tìm hướng sản xuất mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khôi phục diện tích đất trồng cam, từ năm 2013 xã đã phối hợp các cơ quan chuyên môn triển khai trồng thí điểm 14ha giống cam sành ở một số gia đình; nếu cây phát triển ổn định, cho năng suất cao xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình trồng cam. Liệu rằng, cây cam sành có thực sự mang lại nguồn lợi kinh tế, thu hút được du khách thập phương, thị trường và người dân ưa chuộng như cam truyền thống hay không? Đó là niềm mong mỏi, niềm tin và hy vọng của người trồng cam trong thời gian không xa.

Còn với chúng tôi, dẫu biết đã nỗ lực hết mức để bảo vệ giống cam quý, vẫn thấy thật đáng tiếc đối với những du khách có dịp ghé thăm mảnh đất biên cương Mường Nhé sẽ không còn được thưởng thức hương vị ngọt dịu và mua vài ba cân cam truyền thống để làm quà cho người thân. Và hơn thế nữa mất giống cam truyền thống đồng nghĩa với mất đi một nguồn lợi kinh tế và một yếu tố để thu hút du khách đến với mảnh đất phên giậu của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top