Điện Biên Đông giảm nghèo theo Nghị quyết 30a

00:00 - Thứ Hai, 11/01/2016 Lượt xem: 3166 In bài viết
ĐBP - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, đời sống người dân đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 – 5%/năm. Các chương trình mục tiêu của Nghị quyết đang từng bước phát huy hiệu quả; việc hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Để công tác giảm nghèo theo Nghị quyết 30a thực sự phát huy hiệu quả, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách được huyện Điện Biên Đông ưu tiên hàng đầu. Huyện đã tổ chức 3 hội nghị cấp huyện, 15 hội nghị cấp xã, ban hành trên 10 văn bản; tổ chức 5 buổi thông tin lưu động, phát gần 20 tin, bài phóng sự thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Huyện tiến hành phát hàng nghìn tờ rơi, in sao hàng trăm văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các xã, bản tổ chức phổ biến, tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về giảm nghèo. Ngoài ra, thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, thực tế tại cơ sở, các cấp, ngành huyện lồng ghép thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo đến người dân.

Hỗ trợ bò giống sinh sản đang là biện pháp hiệu quả giúp người dân Điện Biên Đông xóa đói giảm nghèo.Trong ảnh: Người dân bản Sư Lư 4, xã Keo Lôm chăm sóc bò giống được hỗ trợ.

Sau khi người dân đã nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác tham gia giám sát các chương trình, dự án, huyện triển khai rà soát, lập kế hoạch đầu tư, thống kê xác định đối tượng chính sách và thực hiện các chương trình hỗ trợ. Từ nguồn vốn 30a, huyện hỗ trợ cho gần 1.500 hộ dân khai hoang 233,12ha đất nông nghiệp với kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện triển khai 9 mô hình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ cho 1.515 lượt hộ nghèo trồng các loại cây, như: Mía, chuối, rau an toàn, gấc lai, khoai tây...; hỗ trợ 48.720kg ngô giống cho 4.872 lượt hộ; hỗ trợ 40.288 giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp cho 1.275 hộ ở 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Việc hỗ trợ cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã dần thay đổi cơ cấu giống cây trồng tại huyện, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, huyện hỗ trợ hơn 3.500 giống gia súc cho 2.467 lượt hộ; hỗ trợ gần 800 nghìn con cá giống cho 1.814 hộ; triển khai 8 mô hình chăn nuôi gia cầm tại 26 bản của 7 xã trên địa bàn với hơn 300 hộ tham gia... Giai đoạn 2011 – 2015, huyện tạo điều kiện cho 163 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 145 lao động được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền gần 4 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2015, toàn huyện có 121 lao động về nước đúng thời hạn. Đời sống gia đình của các hộ lao động sau xuất khẩu có nhiều cải thiện, không còn hộ thuộc diện nghèo.

Đánh giá kết quả đạt được từ khi thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, ông Vàng A Hờ, cho biết: Bằng nguồn vốn 30a cùng với sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 – 2015 đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 61,81% cuối năm 2010 xuống còn gần 38% vào cuối năm 2015, trung bình 4,78%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đề ra. Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống của người dân cũng được cải thiện. Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng từ 2,8 triệu đồng/người/năm lên 4,4 triệu đồng/người/năm. Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất với hộ nghèo, hộ cận nghèo là nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, y tế, giáo dục... đã được giải quyết kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhân dân và chính quyền địa phương. Các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay ưu đãi... đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nghèo, giúp họ có việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định. Trên 170 công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất, dân sinh tại các bản, xã đặc biệt khó khăn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, không những đảm bảo cho công tác xóa đói giảm nghèo mà còn đảm bảo cho kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Sơn Nam
Bình luận
Back To Top