Tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2016 – 2020

00:00 - Thứ Tư, 13/01/2016 Lượt xem: 1864 In bài viết
ĐBP - Năm 2016 là năm đầu tiên tỉnh ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Sự khởi đầu luôn có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả quá trình phát triển. Nếu chúng ta có hướng tiếp cận vấn đề đúng đắn sẽ có những giải pháp phù hợp cho cả giai đoạn nói chung, từng thời điểm nói riêng. Từ đó tạo tiền đề, động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2016-2020. Đó cũng là tinh thần hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 được UBND tỉnh tổ chức ngày 11/1.

Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, với mục tiêu tổng quát: “Nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với phát triển sự nghiệp y tế giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong hiệu lực bộ máy quản lý Nhà  nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng”.

Cơ giới hóa trong sản xuất nồng nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: Bảo Ngọc

Nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, UBND tỉnh đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và 8 nhóm giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành. Dự báo tình hình thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải bám sát thực tiễn, có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6,8% như kế hoạch đề ra, cần nâng cao hiệu quả quản lý các dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Trước hết, phải khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn đầu tư và nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Phân công rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong công tác quản lý dự án đầu tư. Cần thiết phải tổ chức sắp xếp lại các ban quản lý dự án cho tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, ý thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình xây dựng và quản lý công trình đầu tư. Quá trình giám sát này được thực hiện thông qua việc thành lập các ban giám sát đầu từ cộng đồng cấp cơ sở cho từng chương trình, dự án. Ban giám sát có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư xây dựng tại địa phương để phát hiện và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những vi phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Luật Đầu tư công, UBND tỉnh phải chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm rà soát, xây dựng được danh mục các dự án trọng điểm của đơn vị mình. Từ đó đề ra các giải pháp ưu tiên chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả.

Một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 và các năm tiếp theo mà Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó trực tiếp là đảng bộ, chính quyền thành phố Điện Biên Phủ - là xây dựng TP. Điện Biên Phủ sớm đạt đô thị loại II, trở thành trung tâm của khu vực Tây Bắc. Để huy động nguồn lực đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy gợi ý nguồn thu từ đất đai trên địa bàn thành phố còn lớn, cần khai thác hợp lý. Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh đến yêu cầu chất lượng công tác quy hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển. Bởi chất lượng quy hoạch quyết định chất lượng các dự án đầu tư, mà nếu các dự án đầu tư tốt sẽ thu hút  được nhiều doanh nghiệp tiềm năng.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới - một trong những chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh - mục tiêu đề ra trong năm 2016 là phấn đấu xây dựng 2 - 3 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn thì chỉ tiêu này quá thấp, phải xem xét điều chỉnh. Bởi theo Nghị quyết đề ra đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương khoảng 35/116 xã đạt chuẩn. Như vậy, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh phải có 7 xã đạt chuẩn. Hiện nay, tỉnh ta đã có 8/116 xã đạt từ 10-16 tiêu chí nông thôn mới, việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại không phải là quá khó để có hơn 2 xã đạt chuẩn như mục tiêu UBND tỉnh đề ra trong năm 2016. Nhất là từ thực tiễn triển khai 5 năm qua, chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Về cách làm, hiệu quả nhất vẫn là phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đây là cách làm tiết kiệm, chất lượng đồng thời phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của người dân trong đóng góp, giám sát xây dựng và quản lý, bảo vệ công trình.

Một nội dung còn khá mới đối với tỉnh ta trong phát triển nông nghiệp là liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa và xây dựng cánh đồng mẫu lớn cũng được ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn triển khai trong năm 2016. Ông Hà Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để cải thiện, nâng cao đời sống của nông dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và khu vực đô thị. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình, dự án liên quan trực tiếp đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nông dân. Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền sản xuất hàng hóa, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Một vấn đề được đại biểu các ngành, địa phương đề xuất tại hội nghị là đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ thực thi công vụ bởi đây là yêu cầu mang tính cấp thiết, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả hoạt động và đảm bảo cho nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. Do đó phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện mới. Đích đến không gì khác là xây dựng ý thức phục vụ nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt là tại bộ phận “một cửa”, các vị trí công tác thẩm định, giải ngân, thanh quyết toán các công trình, dự án cần phải bố trí cán bộ không chỉ giỏi về năng lực chuyên môn mà phải có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top