Vấn đề hôm nay

Khai thác tiềm năng rừng và đất rừng bền vững

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 2976 In bài viết
ĐBP - Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh Điện Biên là đồi núi. Đây là thế mạnh để chúng ta phát triển kinh tế rừng. Thực hiện chủ trương giao đất giao rừng, trong những năm qua, đã có nhiều hộ dân, nhóm gia đình, cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư tiền của trồng rừng, khai thác lâm, thổ sản. Nhờ đó tỷ lệ che phủ rừng ngày càng được nâng lên, giá trị từ rừng được phát huy.

Thực hiện Kế hoạch 388 của UBND tỉnh, đến cuối năm 2015 đã giao đất, giao rừng cho các tổ chức đạt 75%; tổng diện tích đất lâm nghiệp đã ban hành Quyết định giao đất giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản 176.440,33/280.239,76ha, đạt tỷ lệ 63%; Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản là 84.532,29/176.440,33ha, đạt tỷ lệ 48%.

Kết quả bước đầu là vậy, tuy nhiên theo đánh giá thì tiến độ giao đất giao rừng của tỉnh vẫn chậm; tình trạng phá rừng vẫn xảy ra thường xuyên; việc quyết toán các chương trình, dự án 661, 327 chậm... là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ che phủ rừng tăng thấp, đến cuối năm 2015 mới chỉ đạt 41,84%. Hơn 70% dân cư trong tỉnh (đặc biệt ở vùng cao, vùng biên giới cuộc sống liên quan trực tiếp đến rừng), song rừng chưa tạo được việc làm thường xuyên, thu nhập của những người làm nghề rừng thấp, rừng chưa thực sự đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo...

Để phát triển lâm nghiệp một cách bền vững, có hiệu quả, trước mắt cũng như lâu dài, cần thực hiện tốt quy hoạch 3 loại rừng. Trong đó chú trọng bảo vệ phát triển diện tích rừng đặc dụng Mường Phăng, Mường Nhé; tập trung khoanh nuôi, bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất, từ đó tăng nhanh tỷ lệ che phủ rừng. Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các nhà đầu tư trồng rừng sản xuất để tháo gỡ vướng mắc trong giao đất thực hiện các dự án; tập trung hỗ trợ thực hiện kế hoạch trồng rừng sản xuất để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, trọng tâm là trên địa bàn huyện Tuần Giáo và Điện Biên.

Một mặt, sớm hoàn thành Kế hoạch 388 của UBND tỉnh về việc giao đất, giao rừng làm cơ sở cho thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng mới, nhằm nâng cao thu nhập cho người tham gia, đảm bảo phát triển và khai thác tiềm năng rừng và đất rừng một cách bền vững. Đồng thời triển khai thực hiện tốt Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ, về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 và Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ.

Cùng với đó là tăng cường quản lý khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, cũng như phòng chống cháy rừng mùa khô hanh. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cấp huyện phân công cụ thể cho từng cán bộ kiểm lâm địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải gắn với chính quyền cấp xã, với dân và với rừng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng ngay tại cơ sở. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng. Việc trồng thay thế đối với diện tích rừng chuyển đổi sang mục đích khác (ngoài lâm nghiệp) cũng cần thực hiện một cách riết róng... Với cách làm đó, tin rằng, trong thời gian tới chúng ta sẽ khai thác tốt tiềm năng rừng và đất rừng để phát triển bền vững.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top