Làng hoa vào mùa sớm, nông dân lo mất tết

00:00 - Thứ Tư, 20/01/2016 Lượt xem: 2213 In bài viết
ĐBP - Đến làng hoa Thanh Hưng – nơi cung cấp chủ yếu hoa tươi dịp tết cho TP. Điện Biên Phủ và một số vùng lân cận những ngày này, chúng tôi ghi nhận thực tế khác hẳn với những gì mường tượng về không khí lao động nhộn nhịp của một làng hoa đang vào vụ. Còn hơn nửa tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán song hoa đã nở rộ, người trồng hoa thì “héo” đi vì lo mất tết.

Bên luống hoa cúc đang nở rộ, ông Vũ Văn Mầm, đội 3, không giấu nổi sự lo lắng: “Lẽ ra nhìn luống hoa nở rộ thế này người ta phải vui, đằng này nông dân chúng tôi chẳng thể nào cười nổi. Trồng hoa để bán tết mà hoa nở sớm quá chẳng biết làm thế nào. Không bán thì dở, mà bán thời điểm này chẳng được giá. Trong khi đó, tết ại chẳng còn hoa mà bán”.

Nỗi lo hiện rõ trên gương mặt nông dân trồng hoa ở Thanh Hưng.

Với kinh nghiệm trồng hoa tết nhiều năm, ông Mầm cho biết nguyên nhân không phải do chủ quan. Bởi vẫn như mọi năm, cứ vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 thì gia đình ông bắt đầu làm đất trồng hoa tết. Nhưng năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng thêm những cơn mưa trái mùa khiến hoa đồng loạt nở sớm, chủ yếu là các loại hoa cúc, phăng. Không chỉ vậy, cũng do ảnh hưởng thời tiết, hơn 4.000 gốc lay ơn gia đình ông trồng đang có nguy cơ cháy khô đến già nửa. “Hơn 2 triệu tiền giống bỏ ra ban đầu, lại mất hơn 3 tháng bón phân, chăm sóc, giờ chỉ mong bù lại vốn mà không biết có được?!” – ông Mầm rầu rĩ. Để phần nào “bù lỗ”, hiện ông Mầm đang tăng cường gieo “gối” các giống rau ngắn ngày, như: hành, xà lách, cần tây, cải cúc... với mong muốn kịp bán tết, kiếm thêm thu nhập.

Những thân Lay ơn của gia đình ông Vũ Văn Mầm bị cháy lá và khô rễ vì thời tiết nắng nóng.

Không riêng gia đình ông Mầm, nhiều hộ khác chuyên canh hoa tết có “tiếng” ở Thanh Hưng, như: Đông – Thạnh, Bình, Tuyết, Tới... đều có chung cảnh ngộ. Còn với những gia đình như anh Nguyễn Văn Tuyển, đội 6 thì lại càng thêm xót xa, vì chủ yếu chuyên canh các giống hoa “quý tộc”, vốn đầu tư lớn. Với trên 1.000m2 trồng các loài hoa đắt tiền, như: lay ơn, ly... gia đình anh phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đầu tư. Như một số năm được mùa, có thể thu về trên 200 triệu đồng từ hoa. Thế nhưng, năm nay tết còn chưa đến, nhìn những luống hoa “quý tộc” đã bắt đầu trổ bông và đua nhau bung nở, anh Tuyển không khỏi lo lắng. Hiện tại, gia đình anh đã bắt đầu xuất vườn hoa ly và lay ơn. Vì không đúng thời điểm nên giá bán thấp. Nếu như vào dịp tết, lay ơn có thể bán với giá 10 – 12 nghìn đồng/cây, hoa ly từ 50 – 60 nghìn đồng/cây, thì giờ giá thành chỉ được 1/2. Đồng nghĩa với đó là số tiền thu về cũng sụt giảm đáng kể. Với kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, nhìn tốc độ phát triển của hoa, anh Tuyển khẳng định: “Chỉ vài hôm nữa là đến độ hoa đua nở, ly thì có thể cố gắng “hãm” được, chứ cúc và lay ơn thì may ra kịp bán đến dịp 23 tết là hết. Thời gian cao điểm kinh doanh hoa và được giá phải từ 25 tết trở đi thì lại không còn hoa để bán”.  

Phần lớn diện tích trồng hoa đào đã nở rộ, nguy cơ không kịp giữ cho Tết Nguyên đán.

Với hiệu quả kinh tế thấy rõ từ nghề trồng hoa mang lại, nhiều năm qua Thanh Hưng đã có định hướng đẩy mạnh, mở rộng diện tích và xác định vùng chuyên canh hoa tại các đội: 3, 5, 6, 15. Để đảm bảo cung ứng hoa tươi cho dịp Tết Nguyên đán hàng năm, bình quân mỗi hộ ở đây trồng từ 500 – 2.500m2 hoa các loại. Đến năm 2015, tổng diện tích hoa toàn xã có trên 1ha, với hơn 100 hộ tham gia trồng. Toàn bộ số gia đình này sống dựa chủ yếu vào nghề trồng hoa, thậm chí nhiều hộ thoát nghèo cũng từ hoa. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ năm nay, số diện tích này đã giảm xuống còn khoảng 2/3. Cộng thêm với việc thời tiết không thuận lợi, hoa nở sớm khiến hiệu quả mang lại không cao, nên những nỗi lo của nông dân ở Thanh Hưng là điều hoàn toàn dễ hiểu, và nhiều người trong số họ đang đứng trước nguy cơ mất tết.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top