Ươm mầm mùa xuân

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 2687 In bài viết
ĐBP - Dịp này ở những làng hoa, cây cảnh khu vực lòng chảo huyện Điện Biên như xã Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông dường như rộn ràng hơn. So với những nơi khác có lẽ mùa xuân và không khí ngày tết đến sớm hơn thường lệ. Bên con đường trải bê tông uốn quanh các thôn, xóm là những vườn đào, quất, hồng, ly, lay ơn, thược dược, đồng tiền, cây cảnh tươi sắc trong nắng xuân.

Nổi tiếng với nghề trồng hoa từ lâu nay, vài năm trở lại đây ở xã Thanh Hưng có nhiều nông dân mạnh dạn, xoay sang đầu tư trồng đào. Toàn xã có gần 20 hộ trồng đào, hộ ít thì vài chục gốc, hộ vừa trên trăm gốc, có hộ trồng vài trăm gốc. Những hộ trồng đào kinh doanh thì cây đào cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nghề trồng rau màu, lại không mất nhiều công chăm sóc. Để có được những cây đào đẹp trưng bày ở chợ tết, người trồng đào phải trải qua quá trình chăm sóc khá công phu. Đào ra hoa thì rất dễ, song “canh” để hoa nở đúng dịp lại rất khó, nhất là trong điều kiện thời tiết thất thường, mỗi năm một khác như hiện nay.

Nông dân xã Thanh Hưng chăm sóc hoa, cây cảnh tết.

Đã quá trưa mà vợ chồng chú Vũ Xuân Trường, cô Bùi Thị Tâm ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên vẫn cặm cụi ngoài vườn. Nghe tiếng gọi, cô Tâm tất tả ra mở cổng cho chúng tôi với nụ cười tươi: các cháu vào nhà uống nước đã, chú đang chăm đào ngoài vườn. Vài ngày nữa là đào ra chợ tết rồi, nên lúc này cả nhà tập trung lại chăm chút cho đào có nụ to, dáng thật đẹp để được giá. Cuối năm nhà nhà, người người bận rộn lo sửa sang, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm chuẩn bị cho những ngày tết, thế nhưng với những người trồng hoa cây cảnh ở Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông như vợ chồng cô Tâm lại bận rộn làm vườn cả ngày với mong muốn thành quả lao động cả năm sẽ mang lại cái tết sung túc, ấm no. Trước tết hơn tháng cả gia đình vợ chồng, con cái tập trung tỉa cành, vun đất, tưới nước… cho từng gốc đào.

Đất vườn rộng, trước đây canh tác rau màu nhưng khá vất vả, thu nhập lại không đáng là bao, nên vợ chồng chú Trường quyết định chuyển đổi diện tích rau màu sang trồng đào. Dù vào nghề trồng đào chưa lâu, nay mới là niên vụ thứ 3 nhưng gia đình chú Trường đã sở hữu vườn đào có diện tích lớn nhất xã Thanh Hưng với khoảng 400 gốc. Chủ yếu là giống đào phai màu phấn hồng. Loại đào phai có dáng giống đào Nhật, cành sáng màu, hoa lại rất bền có thể chơi dài ngày nên được ưa chuộng hơn. Ngoài ra vườn còn trồng xen lẫn trên 100 gốc đào bích hoa đỏ. Để có vườn đào như hiện nay, vụ đầu tiên chú Trường mua 5 cây đào cảnh về làm giống rồi đầu tư thêm 500 cây đào dại cắt gốc ghép vào. Năm nay thời tiết mưa nhiều, có khi đào sẽ nở hoa đúng dịp. Kinh nghiệm của những người chuyên trồng đào thì trời rét nhiều sẽ tăng lượng nước, số lần tưới để đào nở, nếu không thì thắp điện kích nụ. Dưới các gốc đào vợ chồng chú Trường tranh thủ trồng thêm một số loài hoa và dâu tây để tạo thêm độ ẩm cho đất, cây xanh, khỏe mạnh hơn.

Cũng là một trong những hộ trồng đào nhiều ở xã Thanh Hưng, gia đình anh Nguyễn Văn Cường có khoảng trên 300 gốc đào phai. Anh Cường chia sẻ: Hầu hết các hộ trồng đào ở xã đều tự đúc kết kinh nghiệm riêng cho mình qua mỗi mùa vụ. Từ việc chọn giống đến kỹ thuật chiết, ghép, chăm sóc, uốn cành và tuốt lá… Muốn cây đào khỏe mạnh, cành đẹp, nhiều hoa, công đoạn ghép rất quan trọng. Nếu non tay, thiếu kinh nghiệm mà tuốt lá không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc đào ra hoa mà màu cánh lại không đẹp. Nếu ghép sai sau cây sẽ xấu, coi như mất trắng công.

Một cành đào đẹp là phải có lộc, có nụ, có hoa và có thế. Chăm đào cả năm nhưng có lẽ giai đoạn uốn cành là kỳ công nhất. Bởi vì thế cây đẹp phần lớn dựa vào cách tạo dáng dưới bàn tay tài hoa của người chủ vườn. Và quan trọng nhất là tùy theo con mắt của người tạo dáng để uốn được thế đào đẹp, lạ. Sau khi cây bén rễ thì đến đầu tháng tư bắt đầu uốn dáng đợt 1, sau đó uốn tiếp đợt 2 và đợt 3, mỗi đợt cách nhau từ 2,5 – 3 tháng; mỗi cây uốn khoảng 3 vòng.

Thường khoảng ngày 22 tháng Chạp là các chủ vườn đào đã cắt gốc đem ra trưng bày chợ xuân. Nhưng năm nay tháng 12 âm có 29 ngày nên sẽ phải bán từ ngày 20.  Trước kia người dân thường hay chơi đào vào đúng ngày tết, nhưng nhiều năm trở lại đây thú chơi đào đã có nhiều thay đổi. Có nhà từ 24 - 25 âm lịch đã mua đào về cắm bình, hưởng thụ không khí ngày tết cổ truyền sớm hơn. So với đào bích, đào phai có giá cao hơn. Cây vừa giá trung bình từ 350.000 – 450.000 đồng/cây. Còn nếu là đào già (khoảng 3 năm tuổi trở lên), cây to, dáng đẹp sẽ được giá khoảng 1 triệu đồng/cây. Vụ đào năm trước vườn đào của chú Trường cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Theo chú, rút kinh nghiệm từ những vụ trước, năm nay bấm cành, chăm chút kỹ nên cây có nhiều dăm (nhánh) hơn so với những năm trước, cộng với thời tiết mưa nhiều nên đào sẽ nở đúng dịp. Dáng đào đẹp được giá, hứa hẹn thu nhập cao hơn.

Với mỗi người trồng đào thì dù ngày tết là lúc để họ gặt hái thành quả công sức lao động của mình trong cả năm trời, song trong lòng họ cũng luôn cảm thấy niềm vui vì góp phần đem sắc xuân tươi đẹp đến cho mọi nhà.

Bài, ảnh: An Biên
Bình luận
Back To Top